“Gia tốc” mới thị trường địa ốc phía Nam

(ĐTTCO) - Việc khởi công dự án Sân bay Quốc tế Long Thành và nhiều dự án hạ tầng giao thông khu vực phía Nam, cùng với hàng loạt chính sách mới tại TPHCM, đã được giới chuyên gia đánh giá là “gia tốc” mới cho thị trường BĐS TPHCM bứt phá trong năm 2021. 
“Gia tốc” mới thị trường địa ốc phía Nam
Sự kiện TP Thủ Đức chính thức thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ là là cột mốc phát triển mới của TPHCM, còn được xem là “bệ phóng” cho cả khu vực phía Nam trong tương lai gần. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ trình đề án về cơ chế đặc thù cho TP để tạo động lực thúc đẩy phát triển một cách nhanh nhất. TPHCM cũng đã xây dựng lộ trình chuyển đổi 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) thành quận trong 10 năm tới. 
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi huyện Cần Giờ thành đô thị biển gắn với bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (rừng Sác Cần Giờ) là hoàn toàn có khả năng. Đây cũng được xem là “gia tốc mới” cho thị trường BĐS phát triển về hướng này. Ngoài ra, Chính phủ đã quyết định cho TPHCM được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020 (thực tế đã chứng minh 1ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1ha đất nông nghiệp). Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS TPHCM trong năm tới sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh và bền vững hơn từ những chính sách, chủ trương nói trên. 
Đặc biệt, sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành được xem là “bệ phóng” cho BĐS khu vực phía Nam trong năm 2021. Được biết, sân bay quốc tế Long Thành là dự án quan trọng cấp quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Với quy mô tầm cỡ Đông Nam Á, công trình này sẽ có những tác động lớn đến kinh tế của khu vực, thị trường BĐS cũng hưởng lợi theo.
Theo ghi nhận giá BĐS khu vực Long Thành cách đây khoảng 2 tháng dao động ở mức 17-30 triệu đồng/m2. Nhưng đến thời điểm này, giá nhà đất có dấu hiệu nóng lên khi tăng khoảng 10-15%. Các chuyên gia trong ngành đều có chung nhận định, khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác cuối năm 2025, BĐS khu vực này càng có giá trị và nhiều khả năng sẽ tiệm cận mức giá tại một số khu vực thuộc TP Thủ Đức.
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông khu vực phía Nam cũng được kỳ vọng thúc đẩy thị trường BĐS, như  giai đoạn 2 cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng Quốc lộ 51, Quốc lộ 1A… Trước hàng loạt tiềm năng phát triển cùng với những chuyển động tích cực của BĐS Long Thành, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu tìm kiếm quỹ đất, nắm bắt cơ hội sở hữu những sản phẩm BĐS với mức giá tốt để có thể thu được lợi nhuận lớn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khai thác kinh doanh cùng lúc sân bay hình thành rõ nét. Một số nhà đầu tư đi tắt đón đầu nhằm phục vụ nhu cầu của các chuyên gia như dự án Aqua City (Biên Hòa) của Tập đoàn Novaland, dự án Century City (Long Thành) của Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh…
Theo nhiều chuyên gia, trong số những thị trường giáp ranh TPHCM, Long Thành (Đồng Nai) có nhiều ưu thế nổi bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng đô thị, giao thông kết nối. Long Thành nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương quan trọng với các nút giao thông lớn như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường Vành đai 3 và 4… giúp kết nối Long Thành, Đồng Nai với TPHCM và các khu vực được nhanh chóng và thuận tiện.
Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm của “TP sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu BĐS để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt. 

Các tin khác