Hàng tồn kho, nhiều khái niệm

(ĐTTCO)-Thời gian qua thị trường bất động sản (BĐS) được cho là khan hiếm sản phẩm do thủ tục bị thắt chặt, quỹ đất ít dần. Tuy nhiên mới đây, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho biết số lượng hàng tồn kho còn rất lớn. Trong khi đó Bộ Xây dựng cho rằng hàng tồn kho BĐS đã giảm hơn 82% trong thời gian qua…
Dự án Kenton (Nhà Bè) trong giai đoạn hoàn thiện nhưng tồn kho hàng trăm căn hộ từ nhiều năm qua.
Dự án Kenton (Nhà Bè) trong giai đoạn hoàn thiện nhưng tồn kho hàng trăm căn hộ từ nhiều năm qua.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20-12-2018, tổng giá trị hàng tồn kho BĐS còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I-2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng, tức giảm 82,24%. Trong khi đó, HoREA cho biết tồn kho BĐS năm 2018 của 65 doanh nghiệp niêm yết đã lên đến 201.921 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng nhận định trên của Bộ Xây dựng chưa thật thỏa đáng, chưa đánh giá hết vấn đề hàng tồn kho, nhất là đối với những doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn. Nhận định này có thể dẫn đến ngộ nhận lượng hàng tồn kho BĐS hiện nay còn rất ít, không đáng quan ngại, trong lúc tình hình thực tế lượng hàng tồn kho còn rất lớn cần đặc biệt quan tâm giải quyết, nhằm đảm bảo thanh khoản và sự phát triển ổn định, lành mạnh của doanh nghiệp và thị trường BĐS. 
Theo HoREA, cuối năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM và HoREA đã khảo sát 45 dự án trong tổng số 1.207 dự án BĐS trên địa bàn TP. Tại thời điểm khảo sát năm 2012, nhờ có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước, thị trường BĐS đã phục hồi và tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013, đến nay đã giải quyết được lượng hàng tồn kho cũ.
Do vậy, có thể số liệu hàng tồn kho nêu trên Bộ Xây dựng tổng hợp vào đầu năm 2013, chưa được cập nhật, bổ sung lượng hàng tồn kho phát sinh mới trong những năm sau này. 
Ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc DRH Holding, cho biết khái niệm “hàng tồn kho” trong đầu tư BĐS bao gồm tất cả chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra đầu tư cho dự án, nhưng dự án chưa hoàn thành, chưa bán được và chưa ghi nhận doanh thu. Thí dụ, doanh nghiệp A đang đầu tư dự án B. Trong quá trình triển khai dự án này, doanh nghiệp A bỏ tiền đầu tư mua đất cùng nhiều chi phí khác, dù chưa ra sản phẩm nhưng những sản phẩm của dự án vẫn được xem là hàng tồn kho.
Điều này ngược với nhận định cho rằng dự án đã có sản phẩm nhưng bán không được mới xem là hàng tồn kho. Ngoài ra, hàng tồn kho BĐS bao gồm hàng chưa bán hết trong quá trình phân phối, lưu thông; hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được. 
Giải thích vì sao trong lúc các doanh nghiệp thời gian qua luôn cho biết khan hiếm sản phẩm do thủ tục bị siết chặt, HoREA lại công bố hàng tồn kho khủng? Ông Châu giải thích hàng tồn kho BĐS theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Điều đáng quan tâm là hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp, quan hệ tín dụng với ngân hàng trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng. 
Ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành HoREA, cho rằng, số liệu Bộ Xây dựng chủ yếu dựa vào báo cáo của các đơn vị cơ sở rồi cộng trừ dồn, chưa có cơ quan chức năng đi kiểm tra, thẩm tra thực tế số liệu báo cáo đó đúng hay sai như thế nào…

Các tin khác