Ì ạch quy hoạch công viên, trường học

(ĐTTCO)- Tại TPHCM, đất quy hoạch công viên cây xanh, xây dựng trường học có diện tích rất lớn. Nhưng trên thực tế triển khai rất ít, tỷ lệ quá nhỏ so với quy hoạch… Đó là những vấn đề được các đại biểu đưa ra tại phiên giải trình về quy hoạch đất cây xanh, trường học do HĐND TPHCM tổ chức mới đây.
1.000 năm thực hiện xong?
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, cho biết với tiến độ đầu tư xây dựng công viên cây xanh (CVCX) trung bình 9,8ha/năm hiện nay, TPHCM cần khoảng 1.000 năm để thực hiện xong diện tích hơn 11.000ha quy hoạch chức năng CVCX còn lại. Cụ thể, tổng diện tích quy hoạch đất CVCX trên địa bàn 11.418,47ha.
Về phân bố, đất quy hoạch CVCX chủ yếu tập trung tại 5 huyện ngoại thành và một số quận mới như 2, 7, 9. Về hiện trạng, diện tích CVCX trên địa bàn mới đạt 491,16ha, chiếm 4,30% tổng diện tích đất quy hoạch; chỉ tiêu hiện trạng sử dụng đất CVCX toàn TP mới đạt 0,49%/người, trong khi chỉ tiêu theo quy chuẩn QCXDVN 01: 2008 tối thiểu 9m2/người.
Từ năm 2012 đến nay, tổng diện tích quy hoạch CVCX được đầu tư xây dựng mới tăng thêm 68,81ha, trong đó công cộng tập trung 10,78ha, CVCX trong các dự án nhà ở 58,03ha. Như vậy, tiến độ đầu tư xây dựng CVCX trong thời gian qua mới đạt khoảng 9,8ha/năm, rất nhỏ so với diện tích quy hoạch hơn 11.000ha.
Nghịch lý trong quy hoạch đất CVCX là ở nội thành tỷ lệ mảng xanh nhiều hơn ngoại thành. Tại buổi giải trình, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Nguyễn Minh Nhựt đặt vấn đề: Trong thời gian qua, Sở QH-KT đã tham mưu cho TP chính sách gì đối với quy hoạch đất công viên và giáo dục? Bởi hiện nay người dân rất bức xúc về những vấn đề liên quan đến quy hoạch đất CVCX và giáo dục đang ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ khi không thực hiện được việc tách thửa, mua bán, chuyển nhượng…
Còn theo ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP, hiện nay tỷ lệ thực hiện đất quy hoạch dành cho giáo dục và công viên trên địa bàn TP thấp. Vậy trách nhiệm của Sở QH-KT TP như thế nào trong công tác tham mưu về vấn đề này?
Giải trình những bức xúc trên, ông Nguyễn Thanh Nhã, cho biết hiện nay tổng diện tích quy hoạch chức năng giáo dục theo các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt hơn 3.300ha. Sau khi rà soát đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, đã xem xét điều chỉnh cục bộ tại một số khu vực quy hoạch có bất cập, thiếu tính khả thi (số liệu tính đến hết tháng 9-2018) đã giảm hơn 2,5ha.
Về diện tích đã thực hiện quy hoạch 991,8ha. Đối với tình hình quy hoạch và thực hiện quy hoạch CVCX, tổng diện tích quy hoạch đất CVCX trên địa bàn hơn 11.418ha, trong khi diện tích CVCX hiện trạng trên địa bàn TP mới đạt trên 491ha, chiếm 4,3% so với tổng diện tích đất quy hoạch.
Ì ạch quy hoạch công viên, trường học ảnh 1 Công viên 3,6ha tại khu tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất, quận 12 bỏ hoang nhiều năm nay.  
Chuyển sang đất ở nếu quy hoạch không khả thi
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, quy hoạch để phát triển là vấn đề tất yếu của các quốc gia. TPHCM qua 43 năm phát triển, những thành tựu đạt được có sự đóng góp rất lớn của công tác quy hoạch.
Tuy nhiên, thực trạng quy hoạch treo, quy hoạch không khả thi, chậm triển khai, không triển khai, đang gây nhiều bức xúc nên khi triển khai chính sách không nhận được sự đồng thuận của người dân. Đây là vấn đề TP rất quan tâm, lo lắng. Do đó, UBND TP được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai điều chỉnh quy hoạch chung TP.
Chủ trương của TP là thuê tư vấn, tổ chức thi tuyển về kiến trúc để thực hiện quy hoạch phù hợp với tính chất đặc thù của TP, đồng thời đảm bảo tính khả thi. Hiện TP đã triển khai cho các quận, huyện, phường, xã, các đơn vị chức năng phối hợp rà soát điều chỉnh quy hoạch. 
Theo ông Tuyến, đối với những công viên lớn khi thu hồi đất, TP sẽ tính toán lại những vấn đề phúc lợi như đường sá, dịch vụ TP để đấu thầu chọn nhà đầu tư. Đối với các đồ án quy hoạch, TP cam kết những quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống người dân sẽ được tính toán lại, những dự án quy hoạch không khả thi ảnh hưởng lớn đến lợi ích doanh nghiệp cũng sẽ xem lại.
Liên quan vấn đề chính sách cho người dân trong quy hoạch, UBND TP sẽ kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy cho phép người dân tiếp tục sử dụng đất khi đất có quy hoạch dự án nhưng chưa triển khai, và khi TP đền bù thực hiện dự án sẽ thực hiện theo pháp lý để giảm thiệt hại cho người dân. 
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch trên địa bàn TP thời gian qua đã đạt những kết quả tương đối tốt, tạo nền tảng cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, kiểm tra, đặc biệt nghe ý kiến của cử tri TP thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân giải quyết những kiến nghị của người dân TP, nổi lên vấn đề đất dành cho chức năng giáo dục, CVCX.
Cụ thể, trong quá trình quy hoạch, quản lý quy hoạch có những vấn đề khiến người dân cảm thấy chưa yên tâm. như quy hoạch rồi vẫn có điều chỉnh và việc bổ sung quy hoạch như thế nào để bảo đảm chức năng đất không bị giảm. Đồng thời, vẫn có những quy hoạch không hợp lý và tính khả thi thấp. 
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP, các sở, ngành, nhất là Sở QH-KT phải đổi mới tư duy về công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, triển khai thực hiện. Trong đó, công tác quy hoạch đối với đất có chức năng giáo dục, CVCX gắn với mục tiêu phát triển của TP phải đảm bảo phát triển bền vững, trong quy hoạch đó chất lượng sống của người dân phải được nâng lên.
Cần có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành để thực hiện các quy hoạch. Khi đã quy hoạch dự án phải tính đến nguồn lực thực hiện, tính toán kêu gọi xã hội hóa đầu tư để quy hoạch đạt hiệu quả.

Các tin khác