Không sửa Luật Đất đai, khó cổ phần hóa DNNN

(ĐTTCO) - Trong báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang rất chậm và không đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân của việc chậm trễ liên quan đến khâu xác định giá trị DN, nhưng nổi cộm nhất vẫn là vấn đề định giá và chuyển đổi tài sản đất đai của DNNN. 
Không sửa Luật Đất đai, khó cổ phần hóa DNNN
Gỡ nhưng chưa hết vướng
Theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), năm 2021 số DNNN hoàn thành CPH chỉ 3 DN thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục DNNN CPH đã được Chính phủ phê duyệt).
Số DNNN chưa hoàn thành CPH theo kế hoạch 89 DN, trong đó những địa phương còn nợ nhiều DN CPH lớn như Hà Nội (13 DN, chiếm 14% kế hoạch) và TPHCM (38 DN, chiếm 40% kế hoạch). Cũng trong năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ CPH DNNN 40.000 tỷ đồng, nhưng kết quả thu được gần 2.000 tỷ đồng. 
Trong một hội thảo về CPH DNNN tổ chức hồi giữa tháng 5 tại Hà Nội, người đứng đầu Bộ Tài chính nhận định, kết quả CPH DNNN không đạt kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt do gặp nhiều vướng mắc, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề quản lý đất công đang có nhiều kẽ hở cả về quy định lẫn việc vận dụng và chấp hành luật pháp. 
Điều đáng nói, việc chậm trễ này không phải do Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, Bộ Tài chính không đốc thúc và các DNNN không thực hiện “đến nơi đến chốn”. Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 30 Nghị định, 3 Nghị quyết, Thủ tướng ký ban hành 5 Quyết định, các bộ ban hành 19 Thông tư, tập trung vào cơ chế, chính sách về CPH, thoái vốn tại DNNN cho phù hợp với hệ thống luật mới ban hành, hoàn thiện cơ chế… Tất cả đều nói lên sự quyết tâm thực hiện của cả một hệ thống bộ máy.
Nhưng một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đã được “chỉ mặt gọi tên”. Đó là định giá giá trị tài sản đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng sau CPH như thế nào, vẫn đang là bài toán hóc búa nhất của cả cơ quan quản lý nhà nước và các DN. Cụ thể, việc xác định giá trị DN 1 lần không sát giá thị trường, và dù có sát thị trường song sau 10-20 năm giá trị của DN lại khác, đã tạo ra lỗ hổng thất thoát tài sản nhà nước. 
Trên thực tế, những sai phạm và kẽ hở trong quản lý đất đai tại các DNNN biểu hiện rất đa dạng. Đơn cử, có tỉnh, thành, DN “cho mượn” đất công làm sân tập golf với thời hạn tới 48 năm (không phù hợp với quy định của Luật Ðất đai), hay tự ý ký các hợp đồng chuyển nhượng đất vàng với giá rất thấp so với mặt bằng giá thị trường.
Ðáng chú ý, qua việc chuyển sở hữu đã xuất hiện tình trạng “tư nhân hóa ngầm” đất công, thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi - lỗ, hoặc chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt” không công khai và không qua đấu giá… Hệ quả, ngân sách nhà nước (NSNN) thất thu hàng ngàn tỷ đồng từ những kiểu “lách luật” nói trên ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương.

Cái gốc vẫn là Luật Đất đai
Đất đai là nguồn lực công rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đó là điều ai cũng dễ nhận ra. Và sai phạm trong quản lý đất đai (bao gồm cả trong khối DNNN) cũng phổ biến và kéo dài nhiều năm qua. Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các DNNN, chỉ tính riêng trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã có không ít các vụ đại án trong đó nhiều cán bộ nhà nước, lãnh đạo DN đã phải hầu tòa. Có người cố ý làm trái quy định, song cũng không ít người vì “xé rào” cũng thành “nạn nhân bất đắc dĩ”.
Thực trạng trên có nguyên nhân từ sự bất cập của luật định, từ triển khai đến thực tiễn quản lý đất đai. Do vậy, muốn tháo gỡ vướng mắc về đất đai trong CPH DNNN, không thể chỉ tìm cách tháo gỡ phần “ngọn”, mà phải làm từ phần “gốc”. Đó là gỡ những tồn tại vướng mắc về quy định chính sách đối với chuyển đổi đất. Đơn cử, Quốc hội đã ra Nghị quyết 60/2018/QH14, nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ Nhà nước sang mục đích khác.
Nhưng đến năm 2020, Nghị định 140/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ Nghị quyết 60, song lại không quy định rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có được hay không. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng khi triển khai.
Gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đồng thời xem xét việc tách bạch triệt để chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Một giải pháp đang được đề xuất cũng rất đáng chú ý, đó là đề nghị đưa đất đai ra khỏi quy trình CPH DNNN. Muốn vậy, cần phải đưa thành những điều, khoản quy định cụ thể trong Luật Đất đai sửa đổi (dự kiến năm 2023 dự thảo sẽ trình ra Quốc hội).
Theo đó, các DNNN khi chuyển sang CPH chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau CPH. Trường hợp DN không có nhu cầu sử dụng đất trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Để ngăn chặn thất thoát nguồn lực đất đai, tiến trình CPH và thoái vốn nhà nước ở các DN đạt đúng mục tiêu kế hoạch đề ra, cần gắn với việc tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai và các luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đấu giá đất. Quan trọng nhất là đưa giá trị quyền sử dụng đất và quyền thuê đất vào giá trị DN khi CPH, trả đất đai về đúng giá trị và tiệm cận với giá thị trường, thay vì định giá một cách mơ hồ như hiện nay.
Song, muốn hiện thực hóa giải pháp nói trên vẫn phải… chờ luật. Dư luận và cộng đồng DN hy vọng, với những quy định mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội và được thông qua, những nút thắt lâu nay trong CPH DNNN sẽ được tháo gỡ, thay vì là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như hiện nay. 
Việc thuê đất trả tiền 1 lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị DN mới tháo gỡ được điểm nghẽn đất đai, đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN.

Các tin khác