Không thể đánh cược...

(ĐTTCO) - Vấn đề có nên xây dựng ga tàu điện ngầm thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sát hồ Hoàn Kiếm, đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân cả nước.
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một thắng cảnh, một di tích lịch sử… mà còn là “hồn thiêng sông núi” đã gắn bó chặt chẽ với truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc ta. Khi giặc Minh xâm lược nước Đại Việt, chúng “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ” - (Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi), theo truyền thuyết thì đức Long Quân đã cho Lê Lợi mượn thanh gươm thần để đuổi giặc.
Khi hòa bình lập lại, nhân dịp vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo chơi trên hồ, đức Long Quân đã sai rùa vàng lên lấy lại gươm thần. Từ đó, hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm và cũng từ đó, hồ trở thành một trong những biểu tượng linh thiêng để mọi người Việt, dù ở bất cứ nơi đâu, luôn nhớ và tự hào về quê hương, đất nước.
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực xây dựng, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có nhiều nỗ lực khi đưa ra các giải pháp thi công nhà ga hiện đại. Trên thế giới, đã có nhiều công trình mà các kỹ sư xây dựng đã xử lý được rất nhiều vấn đề còn phức tạp hơn các vấn đề (dự kiến) phát sinh khi xây dựng nhà ga ngầm sát hồ Hoàn Kiếm.
Thế nhưng, tất cả những điều đó đều không có nghĩa chúng sẽ được làm tốt ở dự án này. Nhất là khi việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bày ra vô số sự cố mà chưa có hướng xử lý rốt ráo. Dư luận cũng chưa thấy những người phải chịu trách nhiệm cho những sự cố này bị xử lý nghiêm minh, thích đáng.
Trong bối cảnh đó, việc UBND TP Hà Nội cam kết đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử (dù) đáng ghi nhận nhưng cũng không thể là cơ sở để tin được việc xây dựng nhà ga ở đây sẽ không ảnh hưởng đến di tích. Chúng ta không thể đánh cược...
Chưa hết, ở góc độ quy hoạch, theo nhiều chuyên gia, cũng có không ít việc đáng bàn. Mặc dù theo thiết kế, đây là ga ngầm nhưng như ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhận xét: “Nhà ga ngầm cũng phải có chỗ ngóc lên. Để thuận tiện cho người dân, thông thường sẽ phải xây tòa nhà 1-2 tầng làm nơi cho người dân đi và đến nhà ga ngầm. Lúc đó, tòa nhà này sẽ được bố trí như thế nào để không ảnh hưởng tới cảnh quan xung quanh?”.
Ở góc độ bảo tồn, việc “đụng chạm” tới các công trình hoặc cụm công trình có tuổi đời hàng mấy trăm năm, theo nhiều kiến trúc sư, phải hết sức thận trọng. Bởi lẽ, cùng với thời gian, nhiều công trình đã bị xuống cấp mà chúng ta có thể không nhìn thấy được bằng mắt thường. Việc vận hành những đoàn tàu ở gần đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến độ bền của công trình.
Ngay cả khi, thành phố Hà Nội cho rằng nhà ga ngầm nằm trong khu vực 2, hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm, không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ  (là vùng có các yếu tố cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm) thì theo nhiều kiến trúc sư cũng phải cân nhắc lại việc xác định các khu vực này bởi luật có thể chưa bao quát hết, chưa lường hết những vấn đề trong thực tế. Với di tích đặc biệt như hồ Hoàn Kiếm, không thể chỉ có lấy lý thuyết để giải quyết vấn đề mà cần cân nhắc nhiều mặt. Ở đây, không chấp nhận rủi ro.
Cuối cùng, nhìn ở góc độ kinh tế, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người đã tham gia lập quy hoạch, xây dựng nhiều đô thị trong và ngoài nước - cho biết, kinh nghiệm của nhiều đô thị trên thế giới cho thấy, bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, những di sản… mang lại rất nhiều giá trị, lợi ích không chỉ về văn hóa, lịch sử… mà còn là kinh tế.
Với nhiều du khách, chính những di sản mới tạo ra sự hấp dẫn chứ không phải những tòa nhà cao tầng mà thành phố hiện đại nào cũng có. Và với nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới, di sản là một trong những nơi tạo ra nguồn thu rất lớn cho họ.

Các tin khác