Khu công nghiệp Phước Đông: Ì ạch 11 năm vì tranh chấp

(ĐTTCO) - Mặc dù đã bồi thường giải tỏa 96% diện tích được giao, thế nhưng dự án Khu công nghiệp (KCN) Cầu cảng Phước Đông đến nay sau 11 năm triển khai vẫn chưa thể hoàn thành việc bồi thường, đầu tư hạ tầng để đưa vào hoạt động.

Từ văn bản tréo ngoe của UDND tỉnh
Năm 2007, tỉnh Long An ra quyết định thu hồi 143ha đất tại xã Phước Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), giao cho Công ty IMG Phước Đông thực hiện dự án KCN Cầu cảng Phước Đông.
Tính đến tháng 12-2007, IMG Phước Đông đã đền bù giải tỏa được 96% diện tích, với số tiền đền bù hỗ trợ 118 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần đất hơn 5.470m2 của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) xây dựng - thương mại Thăng Long đang làm bãi chứa cát kinh doanh nằm trong quyết định thu hồi của tỉnh, nhưng DN này không chấp hành.
 Đến nay đã có khoảng 105 cuộc họp, gồm 6 cuộc của TTCP, 34 cuộc do tỉnh tổ chức, 30 cuộc của các sở, ngành, 35 cuộc ở cấp huyện, 2 lần Phó Thủ tướng chỉ đạo, 11 lần UBND tỉnh ra quyết định, 59 văn bản của IMG Phước Đông gửi đi và 48 công văn đến... nhưng dự án vẫn bế tắc. 
Điều khó hiểu là trong khi KCN Phước Đông đã được phê duyệt, chủ đầu tư đang tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), tỉnh Long An lại có Công văn 6464/UBND-KT ngày 14-12-2007, đồng ý cho Thăng Long tồn tại như cũ. Bằng Công văn 6464, DN này đã tạo sức ép cho chủ đầu tư, chây ì bàn giao mặt bằng và yêu cầu giá đền bù gấp 120 lần so với quy định.
Theo IMG Phước Đông, Công văn 6464 là trái với Quyết định 2609/QĐ-UBND ngày 15-10-2001 của UBND tỉnh Long An về chủ trương thu hồi đất, thực hiện chính sách bồi thường dự án KCN Phước Đông. Việc cho tồn tại khu đất của Thăng Long đã phá vỡ quy hoạch, chia cắt KCN Phước Đông thành 2 phần tách rời nhau, chủ đầu tư không thể thi công cơ cở hạ tầng, giao thông, điện, nước, xử lý nước thải. 
Trước sự việc này, ngày 31-1-2012, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cũng có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị tháo gỡ. Văn bản nêu rõ: “Phần đất của DNTN Thăng Long là bãi chứa vật liệu xây dựng, chia KCN Phước Đông thành 2 phần tách rời nhau... Nếu phần đất DN này vẫn tồn tại, việc kết nối hạ tầng KCN không thể thực hiện được. Do đó, UBND tỉnh có quyết định thu hồi, hủy bỏ Công văn 6464 nhằm thu hồi đất của Thăng Long giao cho IMG Phước Đông”.
Tiếp đó, ngày 15-11-2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng (nay là Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc, “yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì cùng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ đạo kiểm tra nội dung khiếu nại về việc sử dụng đất của IMG Phước Đông và DNTN Thăng Long để có biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 29-4-2014, UBND tỉnh Long An ra quyết định “chấm dứt hiệu lực thi hành Công văn 6464”, đồng thời ban hành quyết định thu hồi khu đất của Thăng Long… 
Tưởng chừng tỉnh Long An sẽ tiến hành thu hồi đất và áp giá bồi thường theo các quyết định đã phê duyệt, bất ngờ ngày 22-12-2014, UBND tỉnh Long An ra văn bản yêu cầu “hoán đổi đất và cơ sở hạ tầng” giữa IMG Phước Đông và Thăng Long trước ngày 26-6-2015.
Khu công nghiệp Phước Đông: Ì ạch 11 năm vì tranh chấp ảnh 1 Bãi cạp cát dùng trong kinh doanh của DNTN Thăng Long xé đôi khu đất 143ha quy hoạch làm KCN Phước Đông. Ảnh: C.H 
Đến yêu sách của Thăng Long
Biết là bị xử ép, nhưng với quyết tâm đẩy nhanh dự án KCN Phước Đông, chủ đầu tư đã đồng ý hoán đổi đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, DNTN Thăng Long tiếp tục đưa ra nhiều yêu sách như hoán đổi diện tích gấp đôi với tiêu chuẩn một cảng cấp quốc gia, đảm bảo xà lan tương đương 1.000 tấn neo đậu, cẩu 60 tấn, đường dẫn tải trọng 20 tấn, trong khi trước đây bãi đất của DNTN Thăng Long chỉ bãi tập kết cát, sạn thô sơ. Phía IMG Phước Đông cho rằng không thể đáp ứng yêu cầu này vì quá vô lý và tốn kém.
Quá bức xúc, IMG Phước Đông lại có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 9-9-2016, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 287/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc khiếu nại của IMG Phước Đông, nêu rõ: “Yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo việc thu hồi đất của DNTN Thăng Long theo đúng quy định tại Luật Đất đai và Nghị định 69/NĐ-CP, đảo đảm quyền lợi hợp pháp của DNTN Thăng Long. Nếu 2 DN tự thương lượng, thỏa thuận được với nhau về việc sử dụng đất, chính quyền địa phương tạo thuận lợi cho họ thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp Thăng Long có nguyện vọng sử dụng đất nằm trong KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Long An xem xét, xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành diện tích đất phù hợp thuộc KCN của IMG Phước Đông cho Thăng Long thuê để giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại, sớm đưa KCN Phước Đông kết nối được hạ tầng và đi vào khai thác, sử dụng”. 
Tại cuộc họp ngày 17-7-2017 do UBND tỉnh Long An tổ chức, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định đây là cuộc họp cuối cùng về giải quyết sự việc giữa IMG Phước Đông và DNTN Thăng Long. Trong trường hợp 2 DN không thống nhất được, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thu hồi đất của Thăng Long theo đúng quy định của Luật Đất đai và Nghị định 69.
Trên tinh thần đó, IMG Phước Đông đã hoàn thành việc thi công đường vào bãi vật liệu mới cho Thăng Long để hoán đổi cho bãi cũ theo đúng thiết kế của CTCP Thiết kế xây dựng Long An (đơn vị do tỉnh Long An chỉ định), và theo đúng thời hạn do UBND  tỉnh Long An giao. Thế nhưng, DN Thăng Long vẫn cố thủ giữ đất và liên tục bổ sung yêu sách.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Tổng giám đốc IMG Phước Đông, đến nay đã 15 tháng trôi qua kể từ khi có chỉ đạo lần 2 của Chính phủ, với rất nhiều cuộc họp do UBND tỉnh và các sở ban ngành tổ chức, nhưng sự việc chưa giải quyết dứt điểm. Việc tồn tại khu đất chiếm 0,37% diện tích trong KCN có diện tích 143ha đã gây thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư.
Cụ thể, số tiền IMG Phước Đông bỏ ra hơn 400 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng KCN, chi phí làm bãi cho DNTN Thăng Long, chi phí lãi vay, đền bù hợp đồng cho các đơn vị thuê đất nhưng không thực hiện được, gây thất thu ngân sách cho tỉnh và làm mất cơ hội việc làm cho lao động địa phương. 

Các tin khác