Hơn 3 năm qua, có thể nhận thấy thị trường BĐS TPHCM dường như chựng lại. Nguyên nhân do những thay đổi chính sách về đầu tư, xây dựng; các đợt thanh, kiểm tra, rà soát pháp lý nhiều dự án đầu tư; hoạt động mua bán, tổ chức sự kiện giới thiệu dự án mới gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Năm 2021, nhà đầu tư kỳ vọng thị trường BĐS sẽ bước qua giai đoạn khó khăn nhất khi là năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025.
Một trong những sự kiện nổi bật của TPHCM trong ngày cuối năm 2020 là việc công bố thành lập TP Thủ Đức. Sự kiện này chắc chắn tạo hiệu ứng cho thị trường BĐS cả khu vực phía Đông phát triển trong thời gian tới. Ông Ngô Đức Sơn, Tổng Giám đốc DRH Holding, nhận định thủ tục triển khai dự án nhà ở thời gian qua rất chậm, có thể nói đến thời điểm này doanh nghiệp BĐS đã “thấm đòn”, nếu Chính phủ không có những quyết sách kịp thời tình hình sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Sơn cũng hy vọng bước qua năm 2021 thị trường BĐS sẽ bước qua chu kỳ phát triển mạnh mẽ hơn.
Phải giải phóng sức sáng tạo thông qua cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội vào đầu tư hạ tầng đô thị. Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA), nhận định từ nay đến Tết Nguyên đán và cả năm 2021, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại do tác động tích cực từ việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. Một số chính sách mới như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và gần đây nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị định 148 liên quan đến Luật Đất đai, nhiều quy định tại nghị định này sẽ phá băng hàng ngàn dự án trong thời gian tới.
Tại TPHCM, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa đang theo diễn biến tăng trưởng nhanh và bền vững hơn với những “gia tốc mới”, như việc thành lập TP Thủ Đức, chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới; trong đó huyện Cần Giờ dự kiến trở thành đô thị biển… Năm 2021, TP phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2, đến cuối năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5m2. HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2021, trong đó đặt ra chỉ tiêu năm 2021 xây dựng mới 8 triệu m2 diện tích nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,04m2, đến năm 2030 đạt 26,5m2/người.
Đáng chú ý, TPHCM đang xây dựng đề án phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 gắn liền với chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại để sử dụng đất hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên…
Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình cho rằng, các dự án nhà ở có mối liên hệ chặt chẽ với tiến trình đô thị hóa và ngược lại. Các vấn đề về đô thị nếu có giải pháp tốt sẽ giúp các dự án nhà ở phát triển bền vững hơn. Giai đoạn 2021-2030 cần giải quyết có chọn lọc các vấn đề cũ và mới, giải phóng sức sáng tạo và cơ chế hợp tác với khu vực tư năng động, tiềm năng, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, thúc đẩy mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD) cùng với quá trình cấu trúc lại không gian vùng.
Xây dựng năng lực quản lý đô thị gắn với chuyển đổi số; cải thiện công tác lập quy hoạch tích hợp, xây dựng cơ chế quản lý phát triển dựa trên nền tảng hợp tác và định hướng thực thi, giúp tạo nguồn lực từ ngay trong quá trình lập quy hoạch…
Các tin, bài viết khác

Chính sách đền bù 20-80 giúp giải quyết ách tắc quy hoạch?

Nợ đọng lĩnh vực xây dựng cơ bản: Lãi giả, lỗ thật

Doanh nghiệp bất động sản TPHCM tiếp tục chờ tháo gỡ

TPHCM: Nhiều dự án 'bỏ quên' các tiện ích phục vụ cộng đồng

Những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai

25 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội tại TPHCM

9 kiến nghị tháo gỡ cấp sổ hồng cho nhà ở tại TPHCM

Gần 1.000 trường hợp đất mua bán bằng giấy tay chưa thể đền bù, hỗ trợ

Hạ tầng cửa ngõ phía Tây chờ nâng cấp, mở rộng
