Loạn môi giới, cò đất?

(ĐTTCO) - Nghề môi giới BĐS được xem là cầu nối trung gian giữa người bán và người mua được pháp luật thừa nhận. 
Nhưng trái ngược với sự phát triển về lượng, vấn đề chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên môi giới hiện nay rất hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng môi giới dỏm, hành nghề theo kiểu ăn xổi, đã khiến không ít khách hàng mua nhà bị thiệt hại lớn.
Nhận diện

Kể lại chuyện mua căn hộ Gia Phú (quận Thủ Đức, TPHCM), chị H. cho biết tin lời của nhân viên môi giới, chị mua 1 căn hộ tại dự án này và đóng tiền nhiều đợt. Bất ngờ giữa năm 2014, chị và nhiều khách hàng phát hiện chủ đầu tư đã cầm cố dự án tại ngân hàng, thậm chí vay tiền xã hội đen, đặc biệt cố ý bán 1 căn hộ cho nhiều người.
“Sự việc xảy ra, khách hàng kéo nhau tố chủ đầu tư và công ty môi giới lừa đảo, yêu cầu khắc phục hậu quả. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi công ty môi giới thờ ơ, cố tình né tránh, phủi trách nhiệm sau đó đổi tên công ty. Không biết bám víu vào ai, tôi gọi cho nhân viên bán hàng, anh ta nói đã nghỉ làm ở công ty từ lâu” - chị H. than thở. 
 Đến nay chưa có quy hoạch, pháp lý nào về dự án 13.000ha lấn biển Cần Giờ. Ở xã Trung An (Củ Chi) không có dự án đô thị nào, chỉ có quy hoạch hồ điều tiết. Công an TP sớm chỉ đạo công an quận huyện bám sát tình hình để xử lý các trường hợp cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi.
Ông Tất Thành Cang
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM
Cũng dính bẫy môi giới trong cơn sốt đất nền vùng ven thời gian gần đây, anh Minh Hải (quận 4), cho biết vợ chồng anh tìm mua đất cất nhà vì nghe phong phanh đất nền sắp tăng giá.
Gọi vào số điện thoại rao bán đất Bình Chánh giá rẻ 300 triệu đồng/nền và theo hướng dẫn của cò đất, nơi anh cần mua đất là cánh đồng ở huyện Cần Giuộc (Long An). Giới thiệu đất nơi này nhưng dẫn đi xem nơi khác là một trong những chiêu trò của môi giới để đưa khách hàng vào tròng. 

Những sàn môi giới này thường cho nhân viên phát tờ rơi, quảng cáo trên mạng thông tin các dự án hot, có tiềm năng tăng giá trị ở các khu vực đang có các dự án hạ tầng lớn của TP.
Thế nhưng, khách hàng lại bị đưa sang những khu đất trống ở Bình Dương, Long An hay Đồng Nai. Trong số khách có nhu cầu mua nhà thật, thường có khoảng 20-30 đối tượng “chim mồi” được công ty thuê để trà trộn, giả vờ đặt cọc, thậm chí tranh giành trả tiền, tạo tâm lý lo ngại hết nhà khiến khách phải đặt cọc gấp.

Chị Mai, một khách hàng (quận 8) cho biết, do quá bất ngờ với cách bán hàng này, cũng như môi giới không cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý dự án nên tìm cách từ chối đặt cọc. Không chịu buông tha, môi giới liên tục đeo bám, thậm chí đi toilet anh ta cũng ôm sấp hồ sơ chực sẵn ở cửa.
“Tôi không mang tiền theo” - Chị Mai kiên quyết từ chối. “Không mang tiền mặt chị có thể cà thẻ. 5 triệu làm tin thôi. Nếu tối về suy nghĩ chị không mua sáng lên công ty sẽ hoàn trả lại 100%” - anh môi giới nài nỉ.

Nghĩ lại mất công đi mấy chục cây số, 5 triệu đồng chẳng đáng là bao nên chị Mai đồng ý cho môi giới cà thẻ tín dụng, nhưng không ngờ anh ta “bấm nhầm” tới con số 50 triệu đồng. Linh cảm đây là công ty làm ăn chụp giựt và kiểm tra thông tin dự án có dấu hiệu mập mờ, chị Mai tìm đến công ty đòi lại tiền cọc.
Tuy nhiên, thái độ của môi giới lúc này “lạnh lùng” từ chối trả tiền, đồng thời đề nghị nên mua vì giá tốt, vài tháng sau giá tăng gấp đôi, gấp ba... Nếu xui lắm đất chưa tăng giá như kỳ vọng cũng là của để dành cho con, cháu. Tiếp chị còn có sự tham gia của một số người mình mẩy xăm trổ, bặm trợn, không khác gì “xã hội đen”.
Loạn môi giới, cò đất? ảnh 1 Tại những vùng ven, cò đất trương bảng giăng bẫy khắp nơi. Ảnh: MINH TUẤN 
Thờ ơ chứng chỉ hành nghề
8 năm lăn lộn trong lĩnh vực BĐS, từ nhân viên bán hàng Ph.Nh. đã trở thành giám đốc công ty môi giới với đội ngũ trên 50 nhân viên. Anh cho biết đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng kiến thức về quản lý và điều hành sàn giao dịch BĐS tại Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, được Sở Xây dựng TP cấp chứng chỉ môi giới BĐS năm 2009.
Tuy nhiên, khi được hỏi có bao nhiêu nhân viên công ty có chứng chỉ hành nghề, anh cho biết nhiều bạn trẻ chỉ lo tìm kiếm khách, “đánh quả” theo từng phi vụ, nên hầu như không quan tâm đến việc đi học nghiệp vụ về môi giới. Phía công ty cũng muốn tìm kiếm nhân viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức trong kinh doanh, nhưng đây là bài toán khó trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Trò chuyện với ĐTTC, một nhân viên môi giới thừa nhận chưa có chứng chỉ hành nghề và cũng chưa có ý định đi học, thi sát hạch để nhận chứng chỉ dù đã có 2 năm làm nghề này.
“Em là sinh viên mới ra trường, trước mắt lo kiếm sống, đâu có thời gian đi học để có chứng chỉ môi giới. Công việc của em là tìm kiếm khách hàng bằng cách phát tờ rơi, bỏ tiền chạy quảng cáo web, báo, mạng xã hội” - nhân viên này chia sẻ.

Giám đốc một sàn giao dịch có trụ sở tại quận Bình Thạnh cho biết vấn đề cấp chứng chỉ môi giới đã được đề cập từ nhiều năm, như Quyết định 29/2007-BXD, các Thông tư 13/2008 và 11/2015 của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới, điều hành sàn; thành lập và tổ chức hoạt động sàn giao dịch.
Quy định là vậy nhưng do không có chế tài nên hầu như số lượng môi giới đúng nghĩa, được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới không tăng, trong khi cò đất theo kiểu chỉ trỏ mọc lên như nấm.
Ông này cho biết thêm, cò đất tay ngang có đất sống do thông tin giá đất tăng được đưa lên các mạng xã hội không có kiểm chứng, khiến người dân dễ mắc bẫy. Do đó phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ từ các kênh thông tin chính thống hoặc các công ty làm ăn chân chính. Không nêm tin những lời cò mồi, dụ dỗ rồi bỏ ra hàng tỷ đồng ôm mảnh đất không có giá trị, để rồi đổ nợ, tán gia bại sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới do Bộ Xây dựng và sở xây dựng các tỉnh thành đảm nhiệm. Song thực tiễn cho thấy khi thị trường BĐS nóng lên, đặc biệt là cơn sốt đất vùng ven thời gian qua đã làm bùng phát cò đất, đầu nậu.
Những đối tượng này hoạt động độc lập, không chứng chỉ hành nghề, không ai giám sát, làm mưa làm gió phân lô, bán nền, thổi giá và mua bán đất bằng giấy tay trái pháp luật. Do đó, cần phải sửa luật, quy định chính quyền địa phương quản lý đối tượng này nhằm tránh thất thu thuế và lập lại trật tự.

Các tin khác