Nghịch lý không gian ngầm

(ĐTTCO) - Là một siêu đô thị lớn nhất nước với số dân lên tới 13 triệu người, hiện TPHCM đang đối mặt với thách thức lớn về quỹ đất nội thành ngày càng cạn kiệt khiến vấn nạn ùn tắc giao thông gia tăng. 

Nhiều năm qua, chính quyền TP đã tiến hành lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm để giải quyết những vấn đề bức bách trên, đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của đô thị. 
Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhìn nhận khai thác không gian ngầm chính là một phần quan trọng trong quy hoạch chung nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác như đi bộ, thương mại.
Thế nhưng, đến nay TP chưa tận dụng được các không gian ngầm, nếu có cũng mang tính chất riêng lẻ, chưa tính đến các yếu tố kết nối hài hòa về tổng thể các chức năng. “Trong khi TP đang xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại ngầm, nhưng nghịch lý lại chưa có quy hoạch không gian ngầm nên việc xây dựng đường tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm đang gặp nhiều khó khăn do khi thi công đụng phải nhiều hệ thống ngầm như cáp điện, đường ống nước, cáp viễn thông…” - ông Tùng nêu nghịch lý.
Nghịch lý không gian ngầm ảnh 1 Một trong những nguyên nhân ùn tắc giao thông là do việc quy hoạch không gian ngầm
đến nay vẫn chưa thông. 
Thực tế, kế hoạch phát triển không gian ngầm của TP đang vấp phải một số khó khăn về quản lý dữ liệu và xử lý kết nối các công trình hạ tầng trong lòng đất. Chẳng hạn, trước đây TP cũng đồng ý cho việc xây dựng đường hầm ngầm kết nối hai tòa nhà Vincom A và Vincom B tại quận 1, nhưng rồi không làm được bởi vướng đường ống nước ngầm.
Ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó văn phòng đại diện tập đoàn xây dựng Shimizu (Nhật Bản), nêu thực trạng tại TP có một số công trình ngầm gặp nhiều rủi ro khi xây dựng bởi cơ sở dữ liệu dưới lòng đất không có hoặc thiếu thông tin. Tình huống này đã từng xảy ra khi thi tuyến metro số 1, khi đào ống nước lên không biết đơn vị nào quản lý do thiếu cơ sở dữ liệu.
Còn ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP, cũng cho biết, khi nhóm nghiên cứu của ông được TP giao nghiên cứu nguyên nhân gây ra "hố tử thần", thì gặp vô vàn khó khăn khi khảo sát tại một khu vực mà có đến 15 đơn vị quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện, cấp nước, thoát nước, internet...
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, dự kiến đến năm 2019, TP sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm TP với ưu tiên tập trung phát triển không gian ngầm khu trung tâm TP (vùng lõi 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Từ 2 mô hình mẫu nay, sau đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác. Không gian ngầm khu trung tâm sẽ tập trung phát triển chạy dọc theo các tuyến đường sắt đô thị (metro) đang xây dựng.
Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, việc lập quy hoạch nên dựa theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý. Chẳng hạn từ mặt đất xuống âm bao nhiêu mét thì được xây dựng và xây dựng những công trình nào. TS.Võ Kim Cương cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS (hệ thống thông tin dữ liệu địa lý) đã bắt đầu cách đây khoảng 20 năm, nhưng ước vọng xây dựng trung tâm thông tin GIS của TP vẫn chưa thực hiện được.
Hiện rất cần những quy chế, chính sách quản lý thông tin dữ liệu. “Thành ủy TP nên xác định đây là chương trình trọng điểm thứ 8 của TP. Cơ sở dữ liệu là nền tảng của nền tảng bởi không có thông tin thì không làm được gì cho chính xác” - ông Cương nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh công tác phát triển không gian ngầm, trước mắt theo TS. Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Ban quản lý đường sắt đô thị TP, đó là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý không gian ngầm; sớm bổ sung và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế các công trình ngầm; xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý thống nhất bởi một đơn vị đầu mối; đảm bảo sự kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị với hệ thống giao thông công cộng nhằm tạo đồng bộ cho hạ tầng không gian ngầm.
Có như vậy, TP sẽ được mở rộng thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại nằm dưới lòng đất, qua đó giảm áp lực kẹt xe, đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay.

Các tin khác