Nghịch lý nhà ở cho công nhân

(ĐTTCO) - Các doanh nghiệp (DN) đều mong muốn giữ chân người lao động (NLĐ) làm việc lâu dài, song lại dè dặt việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Về phía NLĐ dù có nhu cầu về nhà ở nhưng không phải ai cũng muốn ở những khu nhà dự án được xây dựng. Đằng sau 2 nghịch lý đang tồn tại này có nhiều nguyên nhân.

Nhà ở cho công nhân KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Nhà ở cho công nhân KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
DN không mặn mà, tại sao?
Hàng chục năm vấn đề nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ. Với DN, không phải DN nào cũng mặn mà với các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.
Khó khăn lớn nhất các DN gặp phải là sự chồng chéo, rườm rà các thủ tục đối với loại hình dự án nhà ở cho công nhân. Ngay Bộ Xây dựng cũng thừa nhận hiện vẫn chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân.
Theo pháp luật nhà ở hiện hành, chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội (NoXH), áp dụng chung cho 10 đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.
Quy định hiện nay cũng chưa có sự thống nhất pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN như Luật Nhà ở, Luật Đất, Luật Đầu tư và Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý KCN và khu kinh tế.
Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư dự án và đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua NoXH (trong đó có công nhân KCN) vẫn còn thiếu.
Theo bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại An (Chủ đầu tư KCN Đại An, Hải Dương), việc quy hoạch nhà ở công nhân khó khăn do liên quan đến việc bố trí quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch, nên mất rất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục này. Đơn cử, quy định trước đây yêu cầu diện tích tối thiểu với KCN 100ha, nhưng với Nghị định 82 chỉ 75ha.
Thủ tục rườm rà, luật chồng chéo luật, hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, các DN đầu tư các dự án nhà ở công nhân còn gặp rủi ro về an toàn vốn. Bởi nhà ở cho công nhân không đơn thuần là nơi ở, còn bao gồm các thiết chế về y tế, khu hoạt động văn hóa, khu ăn ở cho NLĐ.
Trong khi đó, do bị chi phối bởi Luật Nhà ở nên rất khó kêu gọi nhà đầu tư KCN xây dựng nhà ở cho công nhân. Mặt khác, dù có xây dựng hoàn tất cũng chưa chắc đã bán được khi công nhân không mua. 
Ông Phạm Hồng Điệp, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), cho rằng mô hình nhà ở công nhân hiện nay quy định 4-6 người/phòng/30m2 đã không còn phù hợp, bởi công nhân ai cũng mong muốn ở phòng riêng. Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ xu hướng này của NLĐ để ban hành tiêu chuẩn, giúp DN đầu tư nhà ở cho công nhân thay vì áp đặt tiêu chuẩn cứng.
Thực tế cho thấy, vốn bỏ ra nhiều, thủ tục nhiêu khê kéo dài, sản phẩm hoàn thành chưa chắc đã bán được, khó thu hồi vốn, hành lang pháp lý thiếu thống nhất rõ ràng, tốc độ thanh khoản chậm… đang là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư dè dặt với phân khúc nhà ở dành cho công nhân.
NLĐ có nhu cầu, nhưng… 
Trước làn sóng hồi hương của NLĐ mới đây, Bộ Xây dựng ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực về việc tăng cường giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân các KCN, KCX, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Bộ kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư NoXH, nhà ở công nhân KCN.
Thực tế, từ năm 2014, Bộ Xây dựng đã đưa mô hình nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân vào diện NoXH để được hưởng hỗ trợ về vốn ngân sách, quy hoạch, xây dựng, nhằm khuyến khích các DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia, giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, hay một số tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Thế nhưng, giữa chủ trương chính sách với thực tế là khoảng cách lớn. Với một bộ phận lớn NLĐ có thu nhập thấp, việc sở hữu chỗ ở ổn định và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu vẫn là ước mơ xa vời.
Trong khi đó, với NLĐ mô hình dự án NoXH hay nhà ở công nhân triển khai từ trước đến nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cần thiết của họ. Sự thiếu hấp dẫn đầu tiên là về giá cả.
Hiện nay, nhiều dự án NoXH vẫn có mức giá cao hơn nhiều so với mức thu nhập của công nhân các KCN. Bên cạnh đó, loại hình nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu về các tiện ích, hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm y tế... Do đó, dù có nhu cầu thực sự, song nhiều NLĐ vẫn không muốn ở.
Về vấn đề này, theo GS. Đặng Hùng Võ, để thu hút công nhân mua hoặc thuê NoXH, chủ đầu tư cũng cần thay đổi quan niệm rằng NoXH là dạng nhà ở giá rẻ với chất lượng thấp, tiện ích không đầy đủ.
Chủ đầu tư cần làm dự án với chất lượng tốt, các tiện ích, hạ tầng xã hội phục vụ sinh hoạt cho người dân đầy đủ, đồng bộ (nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, công viên vui chơi thể thao...) với giá thành rẻ để NLĐ có thể tiếp cận được.
Theo đó, thay vì việc bố trí các căn hộ có diện tích 60-70m2 với giá 1-1,5 tỷ đồng/căn hộ, các chủ đầu tư cần xây dựng thành các modul có diện tích 25-30m2/căn (căn hộ 1 phòng ngủ, 1 WC và 1 phòng ăn/khách) với giá khoảng 300-500 triệu đồng/căn hộ. Khi các gia đình có nhu cầu ở rộng hơn, có thể dễ dàng ghép 2 hoặc 3 modul lại thành 1 căn hộ. Như vậy, sản phẩm sẽ rất linh hoạt và đáp ứng được nhiều phân khúc, nhu cầu của người ở. 
Tuy nhiên, để nhà đầu tư thực sự an tâm làm được điều này, không thể thiếu vai trò của Nhà nước, không chỉ hỗ trợ về vốn mà quan trọng nhất vẫn là tránh những thủ tục rườm rà, tạo hành lang pháp lý rõ ràng với loại hình này. 
 Thủ tục rườm rà, luật chồng chéo luật, hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, rủi ro về an toàn vốn… đang khiến nhà đầu tư dè dặt với phân khúc nhà ở dành cho công nhân, khiến ước mơ sở hữu chỗ ở ổn định và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu của NLĐ vẫn xa vời.

Các tin khác