Nhà tái định cư thiếu thực tế

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC ra ngày 19 và 22-3 đăng loạt bài “Nhà tái định cư thiếu thực tế”, phản ánh thực trạng nhiều dự án chung cư tái định cư bị bỏ hoang, người dân không vào ở, gây lãng phí. 
Sau khi báo đăng, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về thực trạng này. ĐTTC trích đăng một số ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành:

Nhân văn nhưng không thực tế

Việc hàng ngàn căn hộ chung cư xây xong nhưng không có người ở, dù là nguyên nhân nào chúng ta có thể xem đó là một phần thất bại của chương trình mang đậm tính nhân văn này. Thất bại vì các dự án này đều được đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng đã không phát huy được hiệu quả, mục tiêu đề ra là tái định cư cho người dân bị giải tỏa tại các dự án.
Theo tôi, nguyên nhân một phần do chúng ta quá máy móc, không khảo sát thực tế từ các dự án trước có bao nhiêu người được tái định cư vào ở, vào ở rồi có bao nhiêu người trụ lại…
Chúng ta đơn giản nghĩ rằng người dân đang ở căn 40-50m2, khi bị giải tỏa, Nhà nước bố trí tái định cư 1 căn hộ hoặc nền đất có diện tích lớn hơn chỗ ở cũ là tốt đẹp lắm rồi. Nhiều hộ gia đình phải bù thêm tiền để có căn hộ tái định cư nhưng không trả được nợ nên phải bán nhà đi nơi khác ở. Dường như chúng ta chưa tính toán phía sau chỗ ở còn có biết bao vấn đề khác nữa. Mục đích, cách làm nhà tái định cư của chúng ta là tốt đẹp nhưng chưa thực tế, nên không đem lại kết quả như mong đợi. 
Bây giờ chúng ta giải quyết hậu quả dư thừa này bằng cách nào? Theo tôi cần phải đem đấu giá và bán càng sớm càng tốt, bởi nhà không có người ở sẽ xuống cấp rất nhanh, lúc đó chúng ta lại phải bỏ kinh phí ra duy tu sửa chữa. Dự án bán chậm cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tồn nợ xấu. Nhưng xử lý các dự án này nhất thiết phải qua hình thức đấu giá, không thể bán chỉ định cho bất cứ đơn vị, doanh nghiệp nào.
Nhà tái định cư thiếu thực tế ảnh 1 Một góc khu tái định cư Thủ Thiêm. Ảnh: TR. GIANG
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM:

Căn hộ dư thừa có tính lịch sử

Khi TPHCM triển khai các dự án lớn như Nhiêu Lộc- Thị Nghè, giai đoạn đầu của Đại lộ Đông Tây, lúc đó cần quỹ nhà tái định cư rất lớn để vừa bố trí tái định cư và bố trí tạm cư. Tuy nhiên, nhà tái định cư chỉ có nguồn duy nhất là từ các dự án được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Do đó áp lực quỹ nhà tái định cư phục vụ cho các dự án trọng điểm của TP rất lớn.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân nhiều dự án tái định cư được xây dựng. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 đã mở ra rất nhiều cho việc phát triển quỹ nhà tái định cư. Theo đó, Nhà nước có thể dùng ngân sách mua nhà thương mại để làm nhà công vụ, mua nhà thương mại để làm nhà tái định cư…
Chính vì vậy quỹ nhà tái định cư không còn áp lực như trước. Người dân được đền bù, giải tỏa cũng có nhiều lựa chọn hơn về phương thức tái định cư. Trong số này không ít người dân lựa chọn phương thức nhận tiền để tự lo chỗ ở mới. Thật ra, nếu phần lớn hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời tại các dự án lựa chọn căn hộ tái định cư để ở, TP có thể cân đối được không phải dư gần 14.000 căn hộ như hiện nay. 
Khi triển khai các dự án nhà ở tái định cư, chúng ta chưa chú trọng các yếu tố quan trọng liên quan đến cuộc sống người dân, như công ăn việc làm, việc học hành của con cái và các tiện ích phục vụ cuộc sống. Qua khảo sát cho thấy phần lớn người dân không chọn dự án tái định cư làm nơi an cư chính, bởi các dự án này chưa chú trọng các yếu tố trên. Vì thế việc điều tra xã hội học trước khi triển khai giải tỏa, di dời người dân đến một dự án tái định cư là một việc làm hết sức cần thiết.
Về việc TP dự định giữ lại một phần  căn hộ dư thừa để bố trí tạm cư hoặc cho người dân thuê là một chủ trương hết sức đúng đắn, vì hiện nay rất nhiều người lao động chưa có nhà ở. Vì thế, cơ chế cho thuê dài hạn và bố trí tạm cư cho những hộ chưa có nhà tái định cư là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Nên,  cư dân tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh):

Tạo công ăn việc làm cho dân nơi ở mới

Ai cũng muốn có một chỗ ở khang trang sạch sẽ, nhưng nếu chỗ ở khang trang, hàng ngày không có việc làm để lo cho cuộc sống là điều không ai mong muốn. Trước kia gia đình tôi ở quận 1, dù ở nhà trên kênh nhưng vẫn có thể lo cho cuộc sống hàng ngày bằng những việc làm đơn giản như chạy xe ôm, bán hàng rong…
Từ ngày về đây, cuộc sống khó khăn hơn do công việc thất bát, muốn trở lại chỗ cũ tìm việc cũng khó khăn hơn do quá xa. Nhiều gia đình trẻ về đây khó khăn hơn chúng tôi vì họ còn con nhỏ phải đi học. Chúng tôi mong muốn Nhà nước khi di dời dân phải làm thế nào tạo công ăn việc làm cho dân khi đến nơi ở mới. Cuộc sống hàng ngày đối với chúng tôi quan trọng hơn chỗ ở. 

Các tin khác