Nhận diện 'điểm nghẽn' trong phát triển nhà ở công nhân tại các KCN

(ĐTTCO)- Mặc dù đạt những kết quả bước đầu nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, thực tế phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu. Đại dịch COVID-19 càng làm cho những bất cập này trở nên nóng hơn. Đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các khu công nghiệp tập trung tìm cách tháo gỡ.

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Mê Linh, Hà Nội.
Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Mê Linh, Hà Nội.
Nhà ở cho công nhân các KCN - Những con số đáng suy ngẫm
 Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng  nhà ở xã hội (NƠXH) cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2025 khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

Riêng NƠXH dành cho công nhân KCN, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng 121 dự án với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ có tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000 m2 với tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với thực tế, nguồn cung này còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về chỗ ở của công nhân tại các KCN. Thiếu chỗ ở, phần lớn công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những khu nhà trọ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh cũng như các vấn đề về bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đó còn là tình trạng một số KCN đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng tỉ lệ lấp đầy rất thấp do thiếu hạ tầng xã hội đồng bộ và còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý làm các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án nhà ở này gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Tại phía bắc, tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) đã đi vào hoạt động. Đây cũng là địa phương đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn trong vấn đề nhà ở cho công nhân tại các KCN, CCN.

Theo ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các KCN, CCN trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số khoảng 238.000 công nhân.

Số công nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay khoảng 124.000 người, chiếm 52%; công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người, chiếm 24,4% với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại...

Lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay mới có hai dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.550 công nhân. Cùng với đó có 19 vị trí khu NƠXH dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch với tổng diện tích đất dự kiến quy hoạch khoảng 220 ha.

Dự báo giai đoạn 2021-2025  khi 9 KCN và 34 CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được lấp đầy sẽ có khoảng 583.000 công nhân. Trong đó số công nhân có nhu cầu về NƠXH khoảng 424.000 người, chiếm khoảng 75%.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân được triển khai rất chậm, mới đáp ứng khoảng 7,5% nhu cầu, trong khi con số này trên địa bàn cả nước là 28%.

Mới đây, tại buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ để “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, kết quả phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Nhận diện những  “điểm nghẽn”

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư NƠXH nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư, vì vậy nhà ở cho công nhân luôn là vấn đề nóng bỏng, bức thiết.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án NƠXH dành cho công nhân được hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng vì ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19. Hầu hết các dự án NƠXH đều chậm tiến độ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh là do chưa có sự thống nhất các quy định của pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ- CP ngày 22/5/ 2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên trong thực tế, mới chỉ có khoảng 41% diện tích với khoảng 250/600 ha đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vẫn còn thiếu.

Bộ Xây dựng cho rằng hiện vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số văn bản pháp luật có liên quan. Do đó cần phải nghiên cứu, sửa đổi. Trong đó cần có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp về lâu dài cũng như có chính sách ngắn hạn về quy hoạch quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, đối tượng, điều kiện được thuê nhà ở công nhân, tiêu chuẩn thiết kế và các cơ chế ưu đãi.

Về nguồn vốn phát triển nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời kiến nghị bổ sung gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư NƠXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất vay để đầu tư phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân.

Từ thực tế phát triển NƠXH cho công nhân tại các khu công nghiệp tại địa phương, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang kiến nghị cần sửa Nghị định số 82 ngày 22/5/2018 của Chính phủ theo hướng quy hoạch KCN phải đồng bộ với khu dịch vụ để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở. Cụ thể phải đáp ứng tối thiểu chỗ ở cho 50% số công nhân trong KCN này.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển NƠXH, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long cho rằng cần tháo gỡ những điểm nghẽn về NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ. Đồng thời phải xây dựng tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình. Kiến nghị xem xét thuế giảm VAT cho công nhân mua NƠXH, nhà ở giá rẻ tại các KCN để khuyến khích các đối tượng này có điều kiện tiếp cận với các dự án NƠXH.

Chủ tịch Tập đoàn Nam Long cho rằng cần có một “nhạc trưởng” điều phối và chịu trách nhiệm chính đối với các chương trình phát triển NƠXH cho công nhân tại các KCN nhằm thực hiện mục tiêu 70% công nhân tại các KCN này được giải quyết nhu cầu về chỗ ở.

Các tin khác