Nhiều dự án bị tắc vì “danh mục nhà ở”

(ĐTTCO) - Nhiều dự án nhà ở dù đã qua nhiều thủ tục kéo dài nhiều năm và đã được phê duyệt, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng hạ tầng, cảnh quan, nhưng bỗng nhiên không được cơ quan chức năng công nhận chủ trương đầu tư. Nguyên nhân do các dự án này không có trong danh mục “chương trình phát triển nhà ở” của TPHCM?

Quay lại từ đầu, quá nhiêu khê
Cách đây gần 10 năm, Công ty V. bắt tay vào triển khai thủ tục để đầu tư dự án nhà ở tại khu đô thị Nam TP. Cho đến thời điểm này chủ đầu tư đã có 100% đất sạch, với diện ích hơn 72.000m2. Dự án được phê duyệt quy hoạch 1/500, chủ đầu tư cũng đã tiến hành đầu tư một số hạng mục hạ tầng…
Tuy nhiên, dự án bị ngưng lại vì lý do chưa có trong danh mục các dự án thuộc “Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020”, nên dự án chưa phải là “đất ở” 100%. Dự án phải làm lại từ đầu như nộp lại hồ sơ tại Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) để… xin chủ trương đầu tư. 
Trong công văn gửi các sở, ban ngành và huyện Bình Chánh, Sở KH-ĐT nêu: “Để có cơ sở báo cáo UBND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án, căn cứ quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014, Điều 30 Nghị định 118/2015 ngày 12-11-2015 của Chính phủ, và Quyết định 5166 ngày 2-10-2017 của UBND TP, về quy trình giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án có đất trên địa bàn TP, Sở KH-ĐT yêu cầu các sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Ban Quản lý khu Nam, với chức năng quản lý của mình cho ý kiến, như tính pháp lý dự án, mục tiêu, quy hoạch…”. 
Nhiều dự án bị tắc vì “danh mục nhà ở” ảnh 1 Dự án nhà ở tại khu đô thị Nam TP bị ngưng do không có trong danh mục “Chương trình phát triển nhà ở” của TP. Ảnh: TR.GIANG 
Đại diện chủ đầu tư cho biết, khi thực hiện quy trình trên xem như làm lại từ đầu. Hồ sơ đang thụ lý tại Sở Xây dựng, muốn chuyển qua Sở KH-ĐT phải có ý kiến của UBND TP. Thực tế, nội dung các danh mục dự án phải nằm trong “Chương trình phát triển nhà ở” mới phát sinh hơn 1 năm nay. Quy định này đã làm hàng loạt dự án nhà ở đang triển khai dở dang phải dừng lại để chờ “bổ sung vào danh mục”, trong khi chương trình nhà ở được phê duyệt trong từng giai đoạn 5 năm 1 lần.
Theo nhiều doanh nghiệp BĐS, chương trình phát triển nhà ở được phê duyệt chỉ mang tính tương đối trong một giai đoạn. Bởi có những dự án được đưa vào danh mục nhưng chủ đầu tư vì lý do nào đó không thể triển khai trong giai đoạn đó; trong khi đó, một dự án khác chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục, đảm bảo năng lực để triển khai, hoàn toàn có thể bổ sung, thay thế cho dự án không triển khai. Việc làm này hoàn toàn phù hợp và đúng đắn, nhưng không hiểu vì lý do gì doanh nghiệp vẫn gặp quá nhiều nhiêu khê khi xin bổ sung vào danh mục.

Gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2015 quy định về nội dung kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của địa phương, bao gồm: vị trí, khu vực phát triển nhà ở, số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở cần đầu tư xây dựng, trong đó nêu rõ kế hoạch cho 5 năm và hàng năm; tỷ lệ các loại nhà ở (nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư) cần đầu tư xây dựng; số lượng, diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội (NoXH) cần đầu tư xây dựng trong 5 năm và hàng năm, trong đó nêu rõ diện tích sàn xây dựng NoXH để cho thuê; xác định chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người tại đô thị, nông thôn và trên toàn địa bàn; chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu; xác định diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở (NoTM, NoXH, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ) trong 5 năm và hàng năm; các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở)…
Đây là hướng dẫn chung cho việc lập Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định 5087 ngày 14-11-2018. Thực tế tại TPHCM, các dự án nhà ở triển khai trong thời gian 2-5 năm, thậm chí có trường hợp kéo dài đến 10 năm.
Do đó, khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở mới phải căn cứ Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, không phải căn cứ Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm.
Trước tình hình hàng loạt dự án nhà ở được triển khai nhưng bị tắc do không có trong danh mục “Chương trình phát triển nhà ở”, mới đây Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, đã có công văn khẩn, giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cho UBND TP cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các dự án phát triển nhà ở vào danh mục phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư cho các dự án trên địa bàn TP theo đúng quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo việc phát triển nhà ở được công khai, minh bạch, bền vững, không gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP.
 Sở Xây dựng vừa chủ trì cuộc họp với các sở ngành liên quan, tất cả đều thống nhất theo kiến nghị của Sở Xây dựng để báo cáo UBND TP. Theo đó, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 sẽ không kèm các danh mục dự án. Ngoài ra, theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, các dự án chỉ cần thực hiện theo kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM là đủ điều kiện để xét chủ trương đầu tư.

Các tin khác