Nhiều loại hình đầu tư kinh doanh BĐS chưa có đủ hành lang pháp lý

(ĐTTCO)- Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TPHCM trong văn bản gửi các bộ ngành trung ương về những vướng mắc liên quan đến đầu tư kinh doanh bất động sản trong thời gian qua. 
Nhiều loại hình đầu tư kinh doanh BĐS chưa có đủ hành lang pháp lý
Theo đó, trong thời gian qua, với đà phát triển của công nghệ và nền kinh tế số, đi đôi với chính sách đầu tư kinh doanh thông thoáng của Nhà nước, đã quy định “Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”, đã xuất hiện một số loại hình đầu tư kinh doanh (mới) nhưng chưa có đủ hành lang pháp lý để điều chỉnh hiệu quả, như officetel, serviced apartment, shophouse, condotel, farmstay, hoặc chia nhỏ giá trị bất động sản để huy động vốn đầu tư sử dụng công nghệ blockchain…
Do vậy, cần phải xây dựng “khung pháp luật” có tính nguyên tắc để xử lý các loại hình bất động sản (mới) đang và sẽ còn phát sinh, không để bị động như trong thời gian qua.
Theo Horea, thị trường bất động sản gặp khó khăn trong 3 năm qua, bị lệch pha “cung - cầu”, bị thiếu hụt nguồn cung dự án, thiếu hụt sản phẩm nhà ở, là điều “không bình thường”  và có tính nhất thời, vì thị trường bất động sản về “bản chất không xấu”, do “tổng cầu” có khả năng thanh toán vẫn rất lớn; sức mua, tính thanh khoản vẫn tốt và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh. 
Nguyên nhân chủ quan hàng đầu lại do những vướng mắc về thể chế pháp luật, thiếu tính hệ thống, thiếu tính đồng bộ, thiếu tính liên thông. Đồng thời, còn do khâu thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến “ách tắc” quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, phù hợp với nhận định của Đảng và Nhà nước về “3 điểm nghẽn” của nền kinh tế nước ta:  Điểm nghẽn về thể chế pháp luật;  Điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng;  Điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực. 
Mặc dù hiện nay phải đương đầu với nhiều khó khăn chồng chất, nhưng thị trường bất động sản có khả năng tự phục hồi trở lại mạnh mẽ ngay sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19, với điều kiện được tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế pháp luật (bao gồm Luật và Văn bản dưới Luật) và công tác thực thi pháp luật.
Về lâu dài, sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện để phát triển đô thị và thị trường bất động sản đồng bộ và bền vững hơn. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tham gia tích cực trong việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Các tin khác