Nhiều vi phạm trong quản lý đất đai

(ĐTTCO) - Thanh tra TPHCM vừa có thông báo kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức, giai đoạn 2016 - 2019, và xác định hàng loạt sai phạm. 

Khu dân cư không phép trên đất nông nghiệp

Tại huyện Bình Chánh, Thanh tra TPHCM đánh giá, dù huyện đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng vi phạm đất đai và trật tự xây dựng từ năm 2016 đến tháng 3-2020 vẫn diễn biến phức tạp, có dấu hiệu của việc đầu cơ mua bán đất. Việc phối hợp kiểm tra, ngăn chặn vi phạm của UBND huyện, UBND 16 xã thị trấn và thanh tra xây dựng địa bàn huyện chưa đồng bộ, kịp thời. Nhất là không chủ động xử lý ngay từ đầu các vi phạm, dẫn đến hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp.

Kết luận thanh tra điểm rõ những trường hợp vi phạm xây dựng phức tạp. Đó là khu nhà hàng Hương Dừa cũ, khu ẩm thực Bình Xuyên ở xã Bình Hưng; 80 công trình xây dựng trái phép, chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính tại ấp 4 và nhiều khu đất khác ở xã Vĩnh Lộc A có dấu hiệu đầu cơ, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.

Tương tự, tại xã Vĩnh Lộc B, một số khu đất với diện tích gần 53.000m², dù chưa được giao đất để thực hiện đầu tư dự án nhà ở, nhưng người sử dụng đất đã tự ý chuyển mục đích sử dụng thành đất ở. Nơi đây hình thành một khu dân cư với 72 căn nhà phố liền kề xây dựng không phép. Vụ việc này, Thanh tra TPHCM xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần tiếp tục chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định. 

Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm thuộc về chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực của UBND huyện Bình Chánh, UBND các xã kể trên, các phó chủ tịch UBND xã phụ trách, Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) cùng các tổ chức cá nhân liên quan trong thời kỳ phát sinh vụ việc. Cụ thể là đã thiếu kiểm tra giám sát, chỉ đạo và chỉ đạo thiếu cương quyết để xảy ra các sai phạm và để công trình sai phạm tồn tại kéo dài.

Tại huyện Củ Chi, vi phạm “đặc thù” là nhà 3 chung. Kết luận thanh tra chỉ ra việc cấp phép xây dựng của UBND huyện dẫn đến hình thành các dãy nhà liền kề. Từ đó, chủ đầu tư chuyển nhượng từng căn riêng lẻ bằng cách lập vi bằng. Công tác quản lý lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để không lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định pháp luật. Việc này dẫn đến phát sinh các tranh chấp dân sự và khó khăn trong công tác quản lý.

Trong khi đó, quận Thủ Đức không lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, không đảm bảo thời gian và trình tự, thủ tục theo quy định. Tương tự, công tác đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính chưa hiệu quả.

Nhiều vi phạm trong quản lý đất đai ảnh 1Cưỡng chế công trình không phép ở phường Linh Trung quận Thủ Đức, TPHCM

“Linh hoạt” cho phép tách thửa

Thanh tra TPHCM nêu rõ, công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND các đơn vị trên chưa đảm bảo tiến độ. Việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp.

Chẳng hạn, tại quận Thủ Đức, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất 2016-2018 đối với chỉ tiêu đất ở đô thị không phù hợp và tăng cao hơn so với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Thanh tra TPHCM chỉ rõ trách nhiệm thuộc về UBND quận, Phòng TN-MT quận Thủ Đức và Sở TN-MT TPHCM.

Cũng theo Thanh tra TPHCM, năm 2016 và 2017, tại quận Thủ Đức có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhưng không đăng ký nhu cầu xin chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định. Việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân qua các năm không đảm bảo cơ sở thực hiện. Ngoài ra, việc tách thửa đất chưa đảm bảo pháp lý hình thành đường giao thông; còn 25 trường hợp được giải quyết hồ sơ tách thửa không phù hợp quy hoạch đô thị.

Tại huyện Củ Chi, trong giai đoạn 2016-2028, khi lập kế hoạch sử dụng đất, UBND huyện chưa khảo sát nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Huyện đã tự ý “chuyển” chỉ tiêu mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác mà chưa thông qua HĐND trước khi trình UBND TPHCM. Đây là hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Đất đai năm 2013. Huyện còn có hành vi vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, dẫn đến 221 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với kế hoạch được duyệt.

Huyện Củ Chi cũng chưa thực hiện đúng điều kiện được phép tách thửa, giải quyết tách thửa khi không thuộc diện khó khăn, không phải là người địa phương. Đối với việc tách thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, UBND huyện chưa xây dựng kế hoạch thực hiện; chưa ban hành kế hoạch tách thửa cụ thể từng năm theo quy định. Cùng với đó, chưa xây dựng kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư hiện hữu…

Theo Thanh tra TP, để xảy ra các thiếu sót, vi phạm về quản lý đất đai, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách địa chính - xây dựng và các phòng, ban liên quan.

Hơn 400 nhà phố, căn hộ trên đất nông nghiệp

Tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), dự án “Khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhựt” (do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư) được thanh tra xác định vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai.

Ở dự án này, dù chưa hoàn thiện thủ tục, chưa chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng chủ đầu tư ký hợp đồng bán nền đất ở. Từ đó, chủ đầu tư và các hộ dân xây dựng 187 căn nhà ở riêng lẻ, 225 căn hộ chung cư và nhiều công trình khác trên đất nông nghiệp. Kết luận thanh tra xác định, hành vi của Công ty Huỳnh Thông có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các tin khác