Những sự kiện bất động sản tiêu biểu 2018

(ĐTTCO)
Những sự kiện bất động sản tiêu biểu 2018

Vụ chung cư cháy Carina 

Đêm 22-3, đám cháy chung cư Carina Plaza quận 8, TPHCM bùng phát ở tầng hầm rộng khoảng 1.000m2, nơi có nhiều ôtô và xe máy. Vụ hỏa hoạn làm 13 người chết, 28 người bị thương. Trong tầng hầm, 13 ôtô, 150 xe máy bị thiêu rụi hoàn toàn.
Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM, lửa ở tầng hầm nhanh chóng bao trùm trong khi các cửa cầu thang thoát hiểm thông lên các tầng trên mở tung do bị chêm gạch, khiến khói lùa lên rất mạnh.
Hệ thống chữa cháy tự động trước đó gần như không hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ không có, khi lính cứu hỏa đến nơi lửa khói đã rất lớn. Vụ cháy khiến hàng loạt chủ đầu tư ngưng mở bán dự án mới đến giữa năm 2018.

Sốt đất đặc khu dự kiến

Ngay từ thời điểm có thông tin quyết định đưa Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành 3 đặc khu kinh tế, đất các nơi này đã ào ạt tăng giá. Theo đó, BĐS ở 3 nơi này quay cuồng trong cơn sốt giá, bất chấp cảnh báo của các cơ quan chức năng.
Nổi cộm nhất là tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân bất chấp rủi ro, lao vào chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp, rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, khiến cho thị trường rơi vào cơn địa chấn. Bên cạnh đó, tình trạng san lấp, phân lô bán nền diễn ra khắp mọi nơi.
Điều đáng nói, giới đầu cơ ngang nhiên phân lô bán nền, tung tin thất thiệt để đẩy giá lên cao, kiếm lời bất chính, nhiều khu dân cư tự phát mọc lên, quy hoạch bị phá vỡ, môi trường tự nhiên bị tàn phá. Sau khi Quốc hội quyết định chưa thông qua Luật Đặc khu, thị trường BĐS tại 3 nơi này đã hạ nhiệt.
Vốn FDI đổ vào BĐS tăng mạnh
Điểm sáng tích cực của thị trường BĐS 2018 là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào lĩnh vực này. Ước tính trong 11 tháng năm 2018, các dự án  đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2017.
Tính đến ngày 20-11-2018, cả nước có 2.714 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới 15,78 tỷ USD, bằng 79,7% so với cùng kỳ năm 2017. Có 1.059 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,4 tỷ USD, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2017.  Tính chung trong 11 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 14,2 tỷ USD, chiếm 46,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hạn chế nhà cao tầng trung tâm

Các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang… đã có những chủ trương hạn chế đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng trong trung tâm. Cụ thể, UBND TPHCM đã có Quyết định 5087 phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020 để cụ thể hóa các định hướng, chỉ tiêu phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2016-2025, được HĐND TP thông qua.
Theo đó, đối với khu vực trung tâm hiện hữu là quận 1, 3 sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020. Không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở.
Nếu chủ đầu tư các dự án nhà ở đã được công nhận, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng để đủ điều kiện khởi công, đảm bảo theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Xuất hiện 7 điểm nghẽn 

Giữa năm 2018, thị trường BĐS xuất hiện 5 điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án tín dụng và thủ tục hành chính. Gần cuối năm 2018, thị trường xuất hiện thêm 2 điểm nghẽn mới là chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có quy định về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng BT.
Điều này dẫn đến tình trạng các dự án BT bị treo gây khó khăn cho nhà đầu tư và lúng túng cho cơ quan nhà nước các bộ ngành, địa phương. Những điểm nghẽn này đang làm giảm các dự án BĐS trung cấp và bình dân, gây ách tắc dự án do chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp, việc thẩm định, phê duyệt dự án của doanh nghiệp bị gây khó, hồ sơ bị chuyển lòng vòng, tốn nhiều thời gian và chi phí, thậm chí mất cả cơ hội kinh doanh… 

Cơn sốt giá ảo đất nền

Cơn sốt đất nền vùng ven TPHCM bùng phát từ giữa năm 2017 và lan sang cả năm 2018. Tâm điểm của đợt tăng giá vẫn là các quận vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền sổ đỏ và đất nền dự án. Tiếp đến, cơn sốt xuất hiện ở các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… rồi lan rộng ra các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa…
Hà Nội cũng là nơi cơn sốt đất nền lên đến đỉnh điểm rồi lan rộng ra Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Phòng và đặc biệt là Quảng Ninh khiến thị trường nhà đất dậy sóng theo trào lưu chung của cả nước.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên cao của một số nhà đầu tư cá nhân, trong khi đó, chính quyền địa phương lại buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai. 

Các tin khác