Ồ ạt bổ sung sân golf vào quy hoạch

(ĐTTCO) - Trong trào lưu nhiều nhà đầu tư nhảy vào phát triển sân golf không xuất phát từ lợi nhuận kinh doanh sân golf, mà xuất phát từ việc phát triển các BĐS nghỉ dưỡng quang khu vực sân golf, việc hàng chục sân golf vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) bổ sung vào quy hoạch xây dựng sân golf Việt Nam đến năm 2020, đang gây nhiều băn khoăn cho dư luận.

Bổ sung 13 sân golf
Hàng loạt sân golf vừa được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng ký quyết định bổ sung vào quy hoạch xây dựng sân golf từ nay đến 2020. Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua bộ đã bổ sung các dự án Vân Đồn Golf Club tại xã Vạn Yên (68ha), huyện Vân Đồn, Quảng Ninh; sân golf 36 lỗ tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn (khu du lịch quốc tế Đồi Rồng 354,5ha), TP Hải Phòng; sân golf Mường Thanh (65ha), thuộc dự án Khu du lịch sinh thái Mường Thanh, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An…
 Bộ KH-ĐT đang xây dựng nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh sân golf theo Luật Quy hoạch. Theo đó, bộ này sẽ là cơ quan thực hiện thẩm định và trình Thủ tướng việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sân golf. Nếu dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, bộ sẽ xem xét, quyết định bổ sung dự án vào quy hoạch sân golf trên cơ sở bảo đảm, đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh.
Trước đó, trong tháng 3 Bộ KH-ĐT đã bổ sung 8 dự án sân golf vào quy hoạch đến năm 2020. Đó là các dự án sân golf Kênh Gà - Vân Trình (Ninh Bình), quy mô sử dụng đất 2.900ha; sân golf FLC Quảng Bình Golf Links gần 1.000ha; sân golf Bến En tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa) 1.246ha; sân golf quốc tế, khu du lịch phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng tại 2 xã Vinh Xuân và Vinh Thanh (Thừa Thiên Huế) 140ha; sân golf Việt Yên tại 2 xã Hương Mai, Trung Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) 135ha; điều chỉnh mở rộng sân golf Bà Nà (Đà Nẵng) lên 600ha…
Với 13 dự án sân golf vừa được bổ sung vào quy hoạch, dự kiến sẽ có gần 7.000ha đất tại các địa phương được sử dụng để xây dựng các dự án sân golf, gắn liền với các khu du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng và resort.
Một số dự án sân golf khác cũng đang được Bộ KH-ĐT xem xét, bổ sung vào quy hoạch như dự án sân golf quốc tế 36 lỗ và khu du lịch phụ trợ tại xã Lâm Sơn (199ha), huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình do Tập đoàn Geleximco đầu tư; dự án sân golf Lào Cai (80ha) do Công ty TNHH Dịch vụ và du lịch cáp treo Fansipan Sapa đầu tư.
Thực tế, sân golf đang thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư không phải vì lợi nhuận từ kinh doanh sân golf, mà vì những lợi ích phía sau nó như quỹ đất lớn có thể chuyển đổi thành các dự án để đắp đổi cho chi phí đầu tư. Đầu tư sân golf giúp hoàn thiện chuỗi nghỉ dưỡng từ khách sạn, biệt thự đến giải trí. Việc sở hữu một sân golf đồng nghĩa với danh tiếng và đẳng cấp của doanh nghiệp tăng lên đáng kể.
Chính người đại diện Tập đoàn BRG đã từng thừa nhận việc quyết định đầu tư sân golf quốc tế Phú Vang, Thừa Thiên - Huế gần 100 triệu USD không thể kiếm được lợi nhuận từ chính nó. Vấn đề là những dự án sân golf sẽ thu hút khách cho các khách sạn và căn hộ xung quanh sân golf. Đây cũng là xu hướng của nhiều nhà đầu tư khi quyết định làm dự án sân golf. Như trong văn bản đề xuất bổ sung sân golf tại Khu du lịch sinh thái Mường Thanh, tỉnh Nghệ An cho biết sẽ góp phần hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ vui chơi, giải trí để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương.
Ồ ạt bổ sung sân golf vào quy hoạch ảnh 1 Ảnh minh họa.
Bảo đảm môi trường
Dù được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch từ năm 2016, nhưng mới đây trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án sân golf Lào Cai, tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) lưu ý chủ đầu tư dự án cần lưu giữ, thu gom và xử lý các loại chất thải rắn, dầu mỡ thải phát sinh trong quá trình thi công, xây dựng vận hành dự án đúng quy định. Thực hiện các biện pháp tổ chức thi công và các giải pháp kỹ thuật phù hợp để giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường không khí. 
Theo đó, Công ty TNHHH Dịch vụ và du lịch cáp treo Fansipan Sapa phải thu gom triệt để và xử lý các nguồn nước thải công nghiệp, nước mưa chảy tràn tại khu vực sân golf trong các giai đoạn dự án, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt từ các hoạt động dự án, bảo đảm đúng quy chuẩn quốc gia khi thải vào các hồ cảnh quan dự án; thực hiện giám sát, xử lý chất lượng nước trong hồ cảnh quan trước khi sử dụng mục đích tưới cây, cỏ; duy trì các biện pháp kỹ thuật phù hợp tại các hồ điều hòa và hệ thống thu gom xử lý nước thải nhằm ngăn chặn khả năng gây ô nhiễm nước ngầm.
Bộ TN-MT cũng yêu cầu chủ đầu tư sân golf Lào Cai phải quản lý và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, các loại hóa chất khác để chăm sóc mặt cỏ dự án sân golf đúng quy định. Bảo đảm sức khỏe cho nhân viên vận hành dự án, khách du lịch, và môi trường khu vực. Chỉ được phép triển khai xây dựng dự án sau khi đã phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện thuê đất, giao đất đúng quy định. Chỉ được phép đổ chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của dự án vào vị trí được chấp thuận.
Công ty TNHH Dịch vụ và du lịch cáp treo Fansipan Sapa phải thực hiện các phương án trồng rừng thay thế, bảo đảm việc bảo vệ, phát triển rừng của địa phương theo quy định.

Các tin khác