Quy hoạch nhà kính để bảo vệ Đà Lạt

(ĐTTCO) - Hơn 20 năm kể từ khi những nhà kính (nhà phủ màng ni lông) đầu tiên được xây dựng tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), đến nay đã có tới hàng ngàn hécta nhà kính được dựng lên. 
Không thể phủ nhận những ưu điểm mà nhà kính đã mang lại trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng tốc độ phát triển quá nhanh của nhà kính khiến môi trường, cảnh quan tại Đà Lạt bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều nhà nông tại Đà Lạt cho biết, sử dụng nhà kính có tác dụng làm hạn chế các yếu tố bất lợi về điều kiện ngoại cảnh đến cây trồng như lượng mưa, gió bão, mưa đá, sương muối, xói mòn, độ ẩm đất và ẩm độ không khí cao. Từ đó có thể canh tác các loại cây trồng, cung cấp các sản phẩm ổn định quanh năm.
Chính vì vậy, người dân liên tục đầu tư, mở rộng nhà kính để làm nông nghiệp. Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện toàn tỉnh có 4.500ha nhà kính, 1.222ha nhà lưới, riêng TP Đà Lạt có khoảng 2.800ha nhà kính (chiếm hơn 60% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh, bao gồm 1.244ha rau và 1.590ha hoa).  
Quy hoạch nhà kính để bảo vệ Đà Lạt ảnh 1 Nhà kính phủ kín khu vực rộng lớn tại phường 12, TP Đà Lạt.
Tuy nhiên, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhiều diện tích nhà kính được xây dựng từ lâu trong đất nông nghiệp, đất ở đô thị đã làm mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, do lượng mưa không được thấm xuống tầng đất nên có khả năng làm giảm mực nước ngầm và tăng nguy cơ ngập cục bộ. 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện có khoảng 70% nhà kính không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như mái thấp, không có hệ thống thông gió, cửa ra vào hai lớp cách ly môi trường bên ngoài nên khi xảy ra bệnh dịch cũng không ngăn ngừa được virus lây lan. Sự thiếu đồng bộ từ khâu đầu tư nhà kính đến quá trình sản xuất dẫn đến nhiều nông dân vẫn giữ tập quán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cảm thấy cần thiết mà không quan tâm đến liều lượng, dễ để lại tồn dư trong nông sản, trong đất, nước, không khí.  
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn về nhà kính, nhà lưới trong đó có quy định về thiết kế và mật độ xây dựng nhà kính tối đa là 80%. Phần còn lại là diện tích cây xanh, đường nội đồng. Quy định về cấp phép xây dựng, mật độ nhà kính tùy vào từng vùng.
Về lâu dài, nếu áp dụng các quy chuẩn đã được xây dựng, người dân khi dựng nhà kính cần thực hiện đồng bộ về độ dốc, hệ thống thoát nước. Nếu người dân làm 1ha nhà kính thì phải tính lượng nước đó sẽ thoát đi đâu, làm 5ha thì sẽ thoát nước đi đâu... Rồi cần xác định được khu nào nên xây dựng nhà kính, khu vực nào đủ sức tiêu thoát được nước mưa cho phần diện tích tại chỗ hay từ thượng nguồn. Từ đó sẽ giảm tác động tiêu cực về môi trường do nhà kính gây ra.
Cũng theo ông Hưng, cần đánh giá lại phát triển từng nhóm rau, hoa theo nhu cầu của thị trường. Những loại cây trồng đó cần thiết phải xây dựng nhà kính hay không. Từ đó định hướng được Đà Lạt cần phát triển bao nhiêu nhà kính để xây dựng phương án quy hoạch khả thi.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, cần quy hoạch lại các khu sản xuất nông nghiệp, trồng rau hoa tại những vị trí phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải di dời những nhà kính ở khu trung tâm ra phía xa, thay thế vào đó là những mảng xanh để giảm phần nào hiệu ứng của các nhà kính gây ra. Để làm điều đó, cần có sự chia sẻ giữa các bên, trong đó Nhà nước tìm cách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sinh kế cho người dân chấp nhận di dời nhà kính ra vùng ven.

Các tin khác