Sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro

(ĐTTCO) - Ngày 13-3 tại buổi làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý UBND TP và các sở ngành cần quy hoạch bài bản quỹ đất dọc các tuyến metro; phải sử dụng quỹ đất hợp lý, hiệu quả nhằm tạo nên những chuỗi đô thị hiện đại dọc các tuyến metro sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng. 

25 tỷ USD cho 220km metro
Theo Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống metro TPHCM gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP; 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt 1 ray (monorail); quy hoạch xây dựng 7 depot cho các tuyến metro và 3 depot cho các tuyến tramway hoặc monorail.
Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống metro khoảng 220km, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Cho đến nay có 2 dự án đang được triển khai là tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7km (đoạn đi ngầm 2,6km; đoạn đi cao 17,1km), với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư 236,626 tỷ yên (vốn vay ODA Nhật Bản), tương đương 47.325 tỷ đồng. Tuyến số 1 dự kiến đưa vào vận hành thử vào cuối năm 2020, vận hành khai thác thương mại vào năm 2021. 
Tuyến metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), có chiều dài 1l,042km (đoạn đi ngầm 9,lkm; đoạn đi cao 1,942km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư của dự án 26.116 tỷ đồng, tương đương 1,375 tỷ USD. Hiện dự án đang trong quá trình điều chỉnh (dự kiến 2,134 tỷ USD, tương đương 47.891 tỷ đồng).
MAUR đã chuẩn bị các nội dung và chủ động tiến hành thương thảo với Tư vấn IC về việc phát sinh hợp đồng, bắt đầu lại dịch vụ tư vấn trong quý II-2019. Các quận huyện có dự án đi qua cũng đang lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng, sẵn sàng cho công tác đền bù giải tỏa khi thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư được hoàn thiện.  
Sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro ảnh 1 Cần hình thành chuỗi đô thị hiện đại dọc các tuyến metro. 
Ngoài ra, còn có tuyến metro số 5 (bến xe Cần Giuộc mới - cầu Sài Gòn) giai đoạn 1 (ngã 4 Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), có chiều dài 8,89km (đoạn đi ngầm dài 7,46km; đoạn đi cao dài 1,43 km) với 9 nhà ga (8 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao), tổng mức đầu tư 1,563 tỷ EUR (tương đương 1,92 tỷ USD). Các nhà tài trợ đã cam kết vốn gồm Ngân hàng ADB: 475 triệu EUR, Ngân hàng KfW 200 triệu EUR… Tuyến metro số 2, đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - bến xe Tây Ninh - khu Tây Bắc Củ Chi, MAUR đang làm việc với KfW để xúc tiến các thủ tục tiếp nhận khoản hỗ trợ kỹ thuật từ Ủy ban châu Âu (thông qua KfW) trị giá 6 triệu EUR để nghiên cứu tiền khả thi.
Tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) JICA đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi đã được Tư vấn của JICA hoàn tất vào tháng 5-2017. 
Về tuyến nhánh metro sân bay Tân Sơn Nhất (4b-1), Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) đã có cam kết 233,374 triệu USD từ nguồn ODA.
Ngân hàng KEXIM cũng đã tài trợ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu tiền khả thi và khả thi cho dự án metro số 4b giai đoạn 1 (đoạn dài khoảng 1,7km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến công viên Hoàng Văn Thụ). Hiện nay, tư vấn của KEXIM đã hoàn tất báo cáo cuối kỳ nghiên cứu khả thi. TP cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1 và công tác chuẩn bị cho tuyến metro số 2 để khởi động các gói thầu còn lại trong thời gian sớm nhất.

Quy hoạch bài bản dọc tuyến metro
Để hình thành hoàn chỉnh các tuyến metro, cần phải có quỹ đất cho công trình phụ trợ, kết nối metro. Đó là quỹ đất dọc hành lang metro cho phát triển, chỉnh trang đô thị, tận dụng được giá trị sử dụng đất tăng cao do metro mang lại. Tuy vậy, trong quy hoạch không đề cập đến vấn đề này. Các dự án metro chỉ được giao đất theo đúng phạm vi chiếm dụng của ranh tuyến metro và nhà ga.
Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho các công trình hạ tầng kết nối các khu vực liền kề với nhà ga như đường tiếp cận, quảng trường ga, các bãi đậu xe trung chuyển... chưa được quy hoạch, hay có kế hoạch đầu tư xây dựng cụ thể cùng lúc với các dự án metro. Đây sẽ là trở ngại và thách thức không nhỏ khi vận hành các tuyến metro, do những công trình này là những công trình bắt buộc phải làm, nhằm đảm bảo khả năng hoạt động hiệu quả của các tuyến metro. 
Do đó, UBND TP cần giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng nghiên cứu các dự án xây dựng công trình liên phương thức kết nối các nhà ga metro (đặc biệt là xe buýt). Đồng thời có nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị xung quanh các nhà ga, theo mô hình phát triển theo định hướng giao thông (TOD) các quốc gia đi trước đã thực hiện.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch, sử dụng và quản lý không gian ngầm cũng cần thiết nghiên cứu ngay từ thời điểm này để phù hợp với xu thế chung trong phát triển đô thị TPHCM. Hiện nay dọc tuyến metro số 1 đã có thiết kế đô thị, ưu tiên phát triển nhà cao tầng, đặc biệt tại các khu vực nhà ga. Quan điểm là làm sao phát triển các “đô thị nén” dọc các nhà ga. Ngoài ra, công tác quy hoạch dọc các tuyến metro phải hết sức cẩn trọng để vừa có quỹ đất phát triển giao thông, vừa kết nối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các tin khác