Tách thửa lại rối vì luật

(ĐTTCO) - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 5-12-2017 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Tại cuộc họp sơ kết 1 năm quyết định này có hiệu lực do Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) tổ chức, nhiều ý kiến phản ánh về những quy định khó hiểu, thiếu thực tiễn… dẫn đến quyền lợi của người dân bị treo. 

Nhiều quy định chưa rõ ràng
Báo cáo của Sở QH-KT cho thấy, tổng số hồ sơ của 10 quận huyện đã giải quyết theo Quyết định 60 đến nay 2.467 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ giải quyết tách thửa đất ở không hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật 2.240 hồ sơ (chiếm 90,8%); giải quyết tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật 157 hồ sơ (chiếm 7,6%); tách thửa đất nông nghiệp 42 hồ sơ (chiếm 1,7%, chủ yếu ở huyện Nhà Bè).
 Quyết định 60 quy định, trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất đất nông nghiệp, không thuộc khu vực đất để thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, nên người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 49, Luật Đất đai. Trong khi đó Điều 49 Luật Đất đai 2013 lại không quy định quyền tách thửa, chỉ quy định các quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế…
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh,
 Phó Chủ tịch UBND quận 9
Tính đến ngày 31-12-2018, có 79 hồ sơ tách thửa có hình thành đường giao thông được gửi đến Sở QH-KT, trong đó có 65/79 hồ sơ khu đất có chức năng phù hợp với Quyết định 60.  Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hồ sơ chậm được giải quyết do nhiều điều khoản, quy định tại Quyết định 60 chưa rõ ràng. Điều này đã khiến việc giải quyết hồ sơ về nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân còn khá chậm, gây bức xúc cho người dân.
Ông Thái Bỉnh Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Hóc Môn, cho biết hiện nay quy định đất dân cư hiện hữu và đất dân cư hiện hữu chỉnh trang mới được tách thửa, trong khi tại Hóc Môn có nhiều loại đất khu dân cư sản xuất, khu dân cư sinh thái… Vậy phải hiểu như thế nào? 
Hay theo Luật Quy hoạch đô thị, đối với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 định kỳ 5 năm kể từ ngày phê duyệt quy hoạch, cơ quan tổ chức mới tiến hành rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh quy hoạch nếu đủ điều kiện. Do vậy đề nghị làm rõ quy định của Quyết định 60 về thời điểm “3 năm kể từ ngày rà soát quy hoạch này” là rà soát theo Luật Quy hoạch hay Luật Đất đai? 
Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận 12 Nguyễn Văn Tuyên đề xuất, đối với những khu đất xen cài trong khu dân cư hiện hữu, nếu rà soát điều chỉnh quy hoạch cục bộ sẽ mất thời gian. Vì thế nên giao cho quận huyện chủ động quyết định xem xét cho tách thửa và chịu trách nhiệm.
Đại diện UBND quận 9 đề nghị Quyết định 60 cần làm rõ hơn về trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất đất nông nghiệp, không thuộc khu vực đất để thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, nếu người sử dụng đất lập thủ tục chuyển nhượng, tặng cho một phần đất, có được phép tách thửa hay không và hạn mức như thế nào? 
Tách thửa lại rối vì luật ảnh 1 Quy định diện tích tối thiểu tách thửa của Quyết định 60 đang gây nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. 
Đại diện UBND quận 9 cũng đề nghị Sở TN-MT sớm có văn bản phúc đáp đối với Văn bản 854 ngày 27-3-2018 của UBND quận 9, về trường hợp tách thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực không phù hợp với sản xuất nông nghiệp.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị việc tách thửa đối với những thửa đất có diện tích lớn cần giám sát chặt chẽ việc đầu tư hạ tầng, đảm bảo đường giao thông, cây xanh… Ở một số khu vực cần thiết phải lập quy hoạch 1/500. 
Tăng cường trách nhiệm
Một trong mối quan tâm hàng đầu của các sở ngành, quận huyện là nếu quản lý không chặt sẽ dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều khu dân cư hạ tầng không đảm bảo, thiếu sự kết nối với khu dân cư hiện hữu. Nhưng nếu làm quá chặt chẽ sẽ gây thiệt thòi quyền lợi cho người dân.
Đại diện huyện Bình Chánh cho rằng nếu cứ sợ cho tách thửa những khu đất có diện tích lớn người dân vẫn có thể lách được. Quan trọng là việc giám sát việc thực hiện ban hành các điều kiện đi cùng, tạo ra những khu dân cư đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu người dân.
Đại diện huyện Củ Chi - địa phương hiện có số hồ sơ tách thửa nhiều nhất - cho biết những trường hợp tách thửa hình thành đường giao thông mới, huyện lập tổ liên ngành, xem xét giải quyết từng hồ sơ. Những hồ sơ nào chưa đảm bảo yêu cầu người dân bổ sung, thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của các cơ quan chuyên môn sau đó mới nghiệm thu.
Theo đại diện Sở TN-MT, quá trình tách thửa phải đảm bảo quy chuẩn, phù hợp quy hoạch, kết nối với hạ tầng xung quanh. Sở TN-MT không quan tâm nhiều đến việc tách thửa để kinh doanh hay không, mà phải đảm bảo điều kiện.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, UBND TP rất quan tâm đến vấn đề này. Qua ghi nhận người dân cũng rất bức xúc vì thời gian qua nhiều hồ sơ chậm được giải quyết. Sở QH-KT và TN-MT sẽ lắng nghe để tiếp tục hoàn chỉnh, vấn đề nào chưa hoàn chỉnh sẽ hoàn chỉnh theo chỉ đạo của UBND TP.
Trước mắt sẽ tập hợp ý kiến phản ánh từ các quận huyện và đề nghị các địa phương đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn đang tồn tại, sau đó Sở sẽ báo cáo UBND TP kiến nghị xem xét giải quyết.

Các tin khác