Tập đoàn Mường Thanh sai phạm nối tiếp sai phạm (Bài 3)

(ĐTTCO) - Hiện nay Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đang tiến hành điều tra để đưa ra kết luận những sai phạm của CTCP Tập đoàn Mường Thanh. 
Dư luận mong muốn là các sai phạm đó phải được xử lý dứt điểm theo quy định pháp luật, để tránh tạo ra tiền lệ xấu, xử lý xong thì chuyện đã rồi.

Xử lý đúng mức, gìn giữ kỷ cương

Lợi nhuận khủng, chế tài quá nhẹ

Những vi phạm xây không phép, xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch đô thị, rồi sai phạm trong chuyển nhượng các dự án của Mường Thanh và các công ty con trong thời gian qua, đã được các cơ quan chức năng quản lý hoạt động xây dựng các địa phương xác định hết sức nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra tại sao những sai phạm đã quá rõ ràng này lại không được xử lý dứt điểm.
Nhiều ý kiến nghi ngờ tập đoàn này đang có người “chống lưng” nên mới làm liều như vậy. Điều này có thể đúng, nhưng cũng cần xem lại các quy định pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng có quá lỏng nẻo, quá nhẹ so với mức lợi nhuận khủng chủ đầu tư thu được khi cố tình xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Đơn cử, tòa nhà VP6 Linh Đàm xây dựng trên lô đất khoảng 2.600m2, được phê duyệt theo quy hoạch 25 tầng nổi, 3 tầng hầm, DNTN Số 1 đã xây dựng 35 tầng nổi, 1 tầng áp mái và chỉ xây 1 tầng hầm. Tổng  số căn hộ trong tòa nhà VP6 khoảng 750 căn. Riêng 11 tầng xây dựng không phép, tính cả tầng áp mái lên tới hơn 200 căn hộ, giá bán ước tính trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ tùy theo diện tích 50-80m, nếu thực hiện trót lọt chủ đầu tư sẽ thu về trên 200 tỷ đồng từ việc bán căn hộ sai phép.
Đây chỉ là dự án đơn lẻ vi phạm về trật tự xây dựng tại Hà Nội nằm trong số hàng loạt dự án đô thị quy mô lớn của Mường Thanh có sai phạm, như 12 tòa nhà chung cư HH Linh Đàm, khu đô thị Đại Thanh, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ… Đằng sau đó là khoản lợi nhuận khổng lồ Mường Thanh thu được từ hoạt động xây dựng sai phép những năm qua.
Lợi nhuận thu về từ hoạt động xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch là rất lớn, nhưng chế tài xử phạt chủ đầu tư dự án lại quá nhẹ, không đủ sức để ngăn cản chủ đầu tư cố ý làm sai. Theo pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm xây dựng, khi xây dựng không phép, sai phép, sai thiết kế, chủ đầu tư sẽ bị buộc ngừng thi công, bị yêu cầu tự tháo dỡ và nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Nhưng hầu hết dự án sai phạm của Mường Thanh tại 21 tỉnh, thành hiện nay, chưa có dự án nào bị địa phương tiến hành cưỡng chế sai phạm.
Tập đoàn Mường Thanh sai phạm nối tiếp sai phạm (Bài 3) ảnh 1 Khách sạn Mường Thanh xây không phép tại 81 Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Ảnh: Thái Thịnh 
Hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từng tuyên bố sẽ chuyển những hồ sơ vi phạm của Mường Thanh sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự. Nhưng thực tế để dựa vào các quy định về xử lý vi phạm về trật tự xây dựng rất khó thực hiện chỉ đạo này.
Bởi theo quy định hiện hành, chỉ có tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” mới bị xử lý hình sự theo Điều 229 Bộ luật Hình sự. Với tội này, đối tượng bị xử lý phải có vi phạm về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công... gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Các công trình xây dựng trái phép của Tập đoàn Mường Thanh lại không có các dấu hiệu phạm tội này nên rất khó khởi tố.

Quản lý lỏng lẻo

Không chỉ chế tài quá nhẹ, hiện nhiều địa phương còn đang “nương tay” với những sai phạm của Mường Thanh. Mới đây, khi tập đoàn này xây dựng sai phép 104 căn hộ tại Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã xử phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng về hành vi xây dựng trái phép. Kết quả, sau khi xử phạt, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây dựng thêm 2 tầng không phép.

Một trường hợp điển hình khác là dự án Mường Thanh Khánh Hòa xây vượt 3 tầng so với quy hoạch được duyệt, nhưng đến thời điểm này địa phương vẫn chưa thể xử lý dứt điểm sai phạm. Nguyên nhân do chính cơ quan cấp phép xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép dự án Mường Thanh Khánh Hòa 47 tầng, vượt 7 tầng so với quy hoạch chung đã được duyệt của TP Nha Trang.
Vì thế, khi các cơ quan chức năng ra quyết định điều chỉnh quy hoạch cấp phép xuống 40 tầng, Mường Thanh đã vin vào lý do trên để không tuân thủ. Thực tế tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa đã cho thấy trong hoạt động cấp phép xây dựng, chính các cơ quan chức năng quản lý quy hoạch xây dựng địa phương cũng không tuân thủ nghiêm quy hoạch được duyệt. 

Điều đáng buồn hơn là tình trạng buông lỏng quản lý quy hoạch, cấp phép đầu tư xây dựng đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Có thể kể đến tại Đắk Lắk, Mường Thanh đã thản nhiên thi công không phép cả nửa năm 1 khách sạn cao cấp ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột.
Tại Bình Thuận tập đoàn này còn được điều chỉnh giấy phép xây dựng để được bảo toàn 1 dự án xây vượt tầng ở Mũi Né. Hay tại Quảng Ninh, tỉnh này đã buộc phải cấp phép để hợp thức hóa việc xây dựng sai phép khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh… 

Việc Mường Thanh và các công ty con liên tục để xảy ra các sai phạm tại 21 địa phương trên cả nước, đương nhiên có trách nhiệm của các cơ quan quản lý hoạt động xây dựng địa phương. Bởi với chức năng là cơ quan cấp phép, giám sát, quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn, những dự án ngàn tỷ đồng xây dựng sai phép của Mường Thanh không thể nói là khó phát hiện.
Vấn đề là có sự bao che dung túng cho những sai phạm của tập toàn này. Thí dụ, trong số 38 công trình nhà cao tầng được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội phát hiện không đảm đảm bảo an toàn phòng cháy thời gian qua, có tới 15 công trình của Mường Thanh.

Trong thông báo kết luận thanh tra hồi đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội tại dự án Khu đô thị Đại Thanh. Đặc biệt, đến thời điểm thanh tra, Khu đô thị Đại Thanh chưa có quyết định giao đất, chưa phê duyệt dự án, nhưng Mường Thanh vẫn chuyển nhượng bất hợp pháp từ đất sản xuất gạch ngói sang đất ở.
Với những sai phạm tại dự án này, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý hình sự đối với các sai phạm của Mường Thanh. Nếu các sai phạm này không được xử lý dứt điểm, sẽ dẫn đến tình trạng coi thường kỷ cương phép nước trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Những vi phạm trật tự xây dựng tại nhiều nơi trên cả nước của Tập đoàn Mường Thanh là quá trầm trọng. Một nhà dân xây dựng một bức tường, mở một cái cửa sổ là bị phạt lên phạt xuống, còn công trình xây dựng lớn, vi phạm ở nhiều nơi mà không xử lý, người dân biết tin vào đâu. Để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không tiếp tục xảy ra, quan trọng nhất là cả phía chủ dự án, chủ đầu tư, người thi công, giám sát và các chủ thể khác phải tự giác tuân thủ pháp luật. Trong trường hợp có sai phạm cần xem xét xử lý trước tiên người đứng đầu, sau đó xử lý các cá nhân, tổ chức khác. Cần áp dụng chế tài xử phạt nặng về kinh tế để sung công và bảo đảm tính răn đe.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội

Các tin khác