Tháo gỡ khó khăn hàng trăm dự án nhà ở

(ĐTTCO) - Quốc hội vừa thông qua  Luật Đầu tư và Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, giúp tháo gỡ những vướng mắc cho hàng trăm dự án nhà ở hiện nay; đồng thời xác lập quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án có quyền sử dụng đất, phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận nhà đầu tư, trong thời gian tới.
Cụ thể, Luật Đầu tư thống nhất thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất; hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bao gồm các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác. Luật Đầu tư đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, đối với trường hợp có nhiều “nhà đầu tư” được chấp thuận, việc xác định “chủ đầu tư” theo quy định của Luật Xây dựng. Luật Xây dựng (sửa đổi), quy định trường hợp dự án sử dụng các nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân (dự án sử dụng vốn khác) phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, thì chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Như vậy, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng (sửa đổi), kết hợp với việc sửa đổi đồng bộ một số điều của Luật Nhà ở, sẽ giải quyết được ách tắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng hiện nay. Bởi lẽ, “nhà đầu tư” không được trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do Khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị, quy định “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”. Luật Đầu tư đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở. 
Về quy định “đất ở hợp pháp và các loại đất khác” của Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, sẽ đảm bảo sự thống nhất với khái niệm “đất” của Luật Đất đai. Luật Đầu tư cũng chỉ yêu cầu đánh giá sơ bộ tác động môi trường để chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Luật Xây dựng (sửa đổi) cũng giúp doanh nghiệp phía Nam không còn “ôm” hồ sơ ra Bộ Xây dựng chờ thẩm định như trước. Cụ thể, đối với công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m, doanh nghiệp 19 tỉnh thành phía Nam không phải ra Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế. 
Luật Xây dựng sửa đổi đã giảm bớt bước thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở. Công tác thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Theo đánh giá của đại diện doanh nghiệp bất động sản, quy định mới này đã khắc phục được những bất cập của luật cũ. Như trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp 1 (trên 24 tầng), trước đây chủ đầu tư phải trình Cục Quản lý Hoạt động xây dựng Bộ Xây dựng thẩm định cả 2 bước thiết kế là thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở, sau đó mới được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. 
Liên quan đến khâu thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định cho phép Cục Công tác phía Nam của bộ được thực hiện công tác của cơ quan chuyên môn về xây dựng, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m. 

Các tin khác