Thu hồi dự án Cảng CMH chưa đúng quy định

(ĐTTCO) -Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, về việc giải quyết khiếu nại kéo dài tại dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ (gọi tắt là Cảng CMH, tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), do CTCP đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VTSC) làm chủ đầu tư. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận, việc các cơ quan chức năng tỉnh Bà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án Cảng CMH của VTSC khi chưa thực hiện thủ tục gia hạn là chưa phù hợp với quy định của Luật đất đai. UBND tỉnh BR-VT chủ trương giao dự án Cảng CMH cho Công ty TNHH MTV Tân Cảng Sài Gòn khi chưa giải quyết dứt điểm khiếu nại, kiến nghị của VTSC, dẫn đến hai dự án triển khai trên một địa bàn.
Để giải quyết quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh BR-VT tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện về quá trình triển khai thực hiện đầu tư dự án, năng lực của nhà đầu tư, việc giao và chấm dứt hoạt động của dự án nêu trên, và đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2018.
Dự án Cảng CMH có diện tích đất sử dụng khoảng 86,6ha, tổng mức đầu tư trên 10.235 tỷ đồng, được tỉnh BR-VT thỏa thuận địa điểm và diện tích xây dựng năm 2006. Đến năm 2008, Cảng  CMH chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch vào nhóm cảng biển số 5. Tiếp đó, năm 2011, UBND tỉnh BR-VT có quyết định giao đất cho VTSC. Dự kiến, khi hoàn thành dự án sẽ đón những con tàu có tải trọng lên tới 160.000 tấn và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2013. 
Thu hồi dự án Cảng CMH chưa đúng quy định ảnh 1 Khu vực quy hoạch làm Cảng CMH đến nay vẫn là bãi đất trống,
do đường liên cảng kết nối mới hoàn thành 2017, dự án rơi vào tranh chấp. Ảnh: Minh Tuấn 
Kế hoạch là vậy, nhưng dự án đã không thể triển khai theo kế hoạch vì nhiều nguyên nhân khách quan. Cụ thể, theo đại diện chủ đầu tư, mãi đến năm 2014, UBND tỉnh mới có quyết định về giá đất thuê cho dự án nên công ty không thể khởi công, không thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh. Bên cạnh đó, tiến độ làm cầu đường của tỉnh chậm trễ đã khiến dự án rơi vào bế tắc.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải là công trình đầu tư bằng vốn ngân sách. Giai đoạn 1 (2009-2012) song song với giai đoạn 1 của dự án Cảng CMH. Cho đến năm 2017, đường liên cảng mới được kết nối vào chân công trình dự án.
Trước tình hình đó, VTSC đã có hàng trăm văn bản báo cáo chính quyền địa phương về các khó khăn, và kiến nghị tỉnh có biện pháp tháo gỡ nhưng không nhận được phản hồi nào, trong khi liên tục bị thanh tra để tiến tới thu hồi dự án. Thế nhưng, tại Kết luận thanh tra 5115/KL-STNMT ngày 2-12-2016 của Sở Tài nguyên - Môi trường BR-VT: VTSC vi phạm quy định Điểm I, Điểm g, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai 2013, về hành vi vi phạm không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng kể từ ngày giao đất tại thực địa, và không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Chính vì vậy, ngày 13-10-2017, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh BR-VT đã ban hành quyết định chấm dứt đầu tư dự án Cảng CMH và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho VTSC. 
Thế nhưng, Bộ Tài nguyên -Môi trường cho rằng, cơ quan thanh tra chỉ ra vi phạm, nhưng chưa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Theo quy định hiện hành chủ đầu tư có thể xin gia hạn việc sử dụng đất (quy định tại Khoản 12, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP). Còn đối với hành vi vi phạm không thực hiện nghĩa vụ tài chính, thực tế ngày 29-8-2016, CTCP Aqua One - đơn vị hợp tác đầu tư với chủ đầu tư - đã nộp tiền sử dụng đất với số tiền 88,2 tỷ đồng là đúng quy định pháp luật. 
Trong khi VTSC đứng trước áp lực bị thanh tra và thu hồi dự án, thì trước đó, ngày 17-11-2015, Công ty TNHH MTV Tân Cảng Sài Gòn đã có văn bản gửi UBND tỉnh BR-VT bày tỏ mong muốn xin tiếp quản và đầu tư xây dựng Cảng CMH. Cũng tại văn bản này, Tân Cảng Sài Gòn cho biết nếu tỉnh BR-VT chấp thuận, công ty và Tân Phú Thịnh cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung, trong đó có liên doanh với các hãng tàu lớn trên thế giới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo mối quan hệ bền vững và hiệu quả trong khai thác.
Khoảng 3 tháng sau nhận đề xuất trên, tỉnh BR-VT đã giới thiệu Tân Cảng Sài Gòn và Tân Phú Thịnh làm việc với VTSC về việc chuyển giao dự án. Điều đáng nói, sau khi chủ đầu tư ký biên bản ghi nhớ với Tân Phú Thịnh và giao cho Tân Cảng Sài Gòn hồ sơ khảo sát và thiết kế dự án, các nhà đầu tư mới này đã không tiếp tục liên hệ làm việc hay triển khai hợp tác. 

Các tin khác