Tiềm năng bất động sản Đông Nam bộ

(ĐTTCO) - Đông Nam bộ (ĐNB) là vùng địa lý kinh tế có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh nhất cả nước. Địa hình bán bình nguyên với những khoảng đất bằng xen lẫn đồi núi thấp phù hợp với nông nghiệp trồng cây lâu năm và phát triển công nghiệp, dịch vụ. 
Tiềm năng bất động sản Đông Nam bộ
Từ 1991, khi Đại hội Đảng khóa VII đặt ra chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất liên tiếp được xây dựng và vận hành tại vùng ĐNB. Đến 2019, vùng này trở thành vùng có động lực phát triển mạnh nhất nước, đóng góp 45% GDP, chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách cả nước, tỷ lệ đô thị hóa đạt 62,8%.
Vùng ĐNB đang có 1 thành phố loại đặc biệt, 4 thành phố loại I, 1 thành phố loại II, 8 thành phố loại III. Theo tự nhiên, ĐNB có một hệ thống sông ngòi, hồ đập thuận lợi cho giao thông nội thủy kết nối giữa các tỉnh, nối với cảng nước sâu quốc tế Cái Mép - Thị Vải - nơi tiếp giáp của Đồng Nai, TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
ĐNB cũng có vùng biển rộng, bình yên với tiềm năng phát triển kinh tế biển rất lớn như hàng hải, khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, du lịch, năng lượng tái tạo. Hệ thống giao thông đường bộ đã được nâng cấp nhiều lần đủ tạo nên kết nối thuận tiện giữa các trung tâm kinh tế của vùng, đặc biệt tại tứ giác kinh tế TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đầu năm 2021, Đại hội Đảng khóa XIII đã đặt ra mục tiêu phát triển đất nước thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045. Theo nhịp độ này, vùng ĐNB có thể tiến trước một bước, thành vùng công nghiệp vào năm 2025 và thành vùng phát triển vào năm 2035.
Theo lý luận địa kinh tế, việc phải làm là tăng mật độ kinh tế của vùng và hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông nội vùng, kết nối giao thông với các trung tâm kinh tế ngoại vùng, trong nước và quốc tế.
Để tăng mật độ kinh tế, việc phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị dưới dạng liên kết cộng sinh theo phương thức kinh tế tuần hoàn cần được đặt ra. Đây là cách thức sử dụng mọi nguồn lực với hiệu suất cao, thải ra môi trường ít nhất. Phát triển dịch vụ chất lượng cao có thể giúp chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế thông minh, kinh tế số.
Bên cạnh các khu công nghiệp trên đất liền, các thành phố biển là một hướng phát triển mới gắn với kinh tế biển. Hiện nay, nhiều nước đã bắt đầu xây dựng các thành phố trên biển, trên đảo. Theo xu hướng mới, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo từ sóng biển, thủy triều đang phát triển khá mạnh. Tỷ lệ đô thị hóa vùng ĐNB có thể sớm đạt mức 80%.
Để tăng khả năng kết nối, việc nâng cấp hệ thống mạng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không cần được đặt ra ngay từ thời điểm hiện nay. Kể từ khi Quốc hội và Chính phủ quyết định đầu tư sân bay quốc tế mới Long Thành với kỳ vọng tối thiểu trở thành điểm nút hàng không của khu vực ASEAN, việc kết nối giao thông trong vùng ĐNB cần phải điều chỉnh lại theo hướng Long Thành trở thành điểm trung tâm của kết nối.
Từ Long Thành, cần có kết nối thuận tiện bằng đường bộ, đường sắt tốc độ cao đến các thành phố trong vùng ĐNB. 
Theo lý thuyết về thị trường bất động sản (BĐS), hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng nhất để phát triển thị trường. Một mặt, giao thông thuận tiện có tác động mở rộng vùng phát triển thị trường, tức thị trường BĐS có phạm vi ngày càng rộng hơn. Mặt khác, mặt đường giao thông luôn có tác động làm giá trị đất đai tăng thêm.
Mức độ đô thị hóa cao cũng có nghĩa là dân số sẽ tăng cao tại các đô thị, làm cho cầu về BĐS tăng cao. Người ta không chỉ quan tâm tới các BĐS nhà ở mà còn quan tâm nhiều hơn tới các BĐS sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp. Lúc đó, các hoạt động dịch vụ trong khung cảnh kinh tế phát triển làm tăng cầu về cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, tụ điểm văn hóa, trung tâm đào tạo, cơ sở y tế... 
Với điểm nút hàng không quốc tế Long Thành, điểm nút hàng hải quốc tế Cái Mép - Thị Vải cũng đặt ra yêu cầu phải cấu trúc lại hệ thống kết nối giao thông thủy nội địa gắn với các bến cảng tại các thành phố bên sông. Cảng Cái Mép - Thị Vải có tiềm năng phát triển mạnh vì nằm trên tuyến hàng hải chiến lược nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Hơn nữa, cảng này nằm ở cực Nam biển Đông nên không chịu ảnh hưởng nhiều của xung đột địa chính trị biển Đông. Các đô thị biển cũng vì thế mà phát triển mạnh, làm cho thị trường BĐS vùng ven biển phát triển theo.
Theo định hướng phát triển đã được Đại hội Đảng khóa XIII hoạch định, Việt Nam phải tiến về phía trước để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đô thị hóa sẽ ở mức cao và chứa trong nó khả năng kinh tế lớn.
Vùng ĐNB luôn dẫn đầu các vùng trong cả nước về phát triển kinh tế. Đây chính là điều kiện để khẳng định tiềm năng phát triển thị trường BĐS rất lớn của vùng ĐNB.

Các tin khác