TPHCM: Tiếp tục kỳ vọng mở rộng khu Tây Bắc

(ĐTTCO) - Tây Bắc TPHCM (huyện Hóc Môn và Củ Chi) là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị, đặc biệt lợi thế về quỹ đất. Tuy nhiên, thời gian qua một số dự án lớn đầu tư vào khu vực này đều triển khai rất chậm, thậm chí bị thu hồi chủ trương đầu tư. Mới đây Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn cần tháo gỡ, thúc đẩy vùng đất này phát triển đúng tiềm năng.

Một góc khu Tây bắc TPHCM.
Một góc khu Tây bắc TPHCM.
Nhiều dự án lớn đã 10 năm vẫn còn… trên giấy
Dọc Quốc lộ 22 đoạn qua trung tâm thị trấn Hóc Môn, dễ dàng nhận thấy 2 bên đường có rất nhiều đất trống cỏ mọc um tùm. Đi sâu vào các trục đường xương cá như Trần Văn Mười, Dương Công Khi, Lê Thị Hà… đất bị hoang hóa cũng không ít. Những khu đất bỏ hoang này một phần của các dự án tỷ đô đã được TP phê duyệt nhưng chậm triển khai, hoặc đã bị rút giấy phép. Điển hình của việc chậm triển khai đã bị TP chấm dứt chủ trương đầu tư, là dự án Khu đô thị (KĐT) An Phú Hưng (huyện Hóc Môn) có quy mô gần 700ha, được kỳ vọng là Phú Mỹ Hưng thứ 2 của TPHCM. 
Ngày 12-2-2004, UBND TPHCM có Quyết định 573/QĐ-UB giao đất đầu tư dự án KĐT mới An Phú Hưng cho Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư. Dự án được tư vấn thiết kế bởi Công ty HOK (Mỹ), với định hướng hình thành KĐT, thương mại và dịch vụ, đồng thời là cụm công nghiệp sạch và là KĐT vệ tinh ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM. Dự án trải dài trên 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì.
Khi bắt đầu triển khai dự án, chủ đầu tư kỳ vọng xây dựng An Phú Hưng không thua kém KĐT mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), bởi khu vực này có lợi thế về độ cao, ruộng vườn thiên nhiên hầu hết còn nguyên, dấu ấn đô thị hóa chưa hề có. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm gặp khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, dự án gần như giậm chân tại chỗ. Đến năm 2016, UBND TPHCM có quyết định xóa bỏ chủ trương đầu tư dự án này. 
Tương tự, dự án KĐT Đại học Quốc tế (huyện Hóc Môn) được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 1-7-2008 cho Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam. Dự án có diện tích đất sử dụng 880ha, vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD từ chủ đầu tư Malaysia (Tập đoàn Bất động sản Berjaya).
Mục tiêu của dự án nhằm phát triển KĐT - đại học quốc tế trong KĐT Tây Bắc, bao gồm khu giáo dục (tiểu học, trung học, dạy nghề bậc cao), khu đại học, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ; khu giải trí, y tế, thể thao, khu công viên, công viên công nghệ thông tin. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 1-7-2008. KĐT có sức chứa 75.000 người sống, học tập và làm việc. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn là bãi đất trống hoang hóa.
Theo quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt, KĐT phía Tây Bắc nằm gọn tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, với diện tích hơn 9.000ha. Ðây sẽ là trung tâm thương mại, y tế, thể dục, thể thao… cấp TP, với 11 phân khu chức năng như khu trung tâm công cộng, khu thương mại, dịch vụ, y tế, công nghiệp, kho bãi trung chuyển… Tầm quan trọng và quy mô là vậy, nhiều dự án xây dựng KÐT đã được cấp phép. Tuy nhiên, sau đó vì khó khăn, nhà đầu tư phải thu hẹp dự án, thậm chí xin trả lại dự án khiến sau hơn 10 năm quy hoạch, KĐT vẫn chưa hình thành. 
Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ khu vực này chưa phát triển được do thiếu giao thông kết nối với khu trung tâm. Hiện nay, muốn tới KÐT này gần như chỉ có Quốc lộ 22. Trong nhiều năm, tuyến đường này đã rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên ùn tắc tại các nút cửa ngõ. Vì thế, để phát triển kinh tế khu vực này phải đầu tư xây dựng các công trình giao thông. 

Tháo gỡ những nút thắt lớn
Vừa qua, trong đợt làm việc việc với lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói về định hướng phát triển 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn. Chủ tịch nước cho rằng trong thời gian tới 2 huyện phải phát triển thành đô thị sinh thái. Trong đó, KĐT Tây Bắc (Củ Chi) sẽ là động lực chính để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao. Theo Chủ tịch nước, vị trí huyện Củ Chi và Hóc Môn là địa bàn kết nối các đô thị trong vùng TPHCM, gắn với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương. TPHCM cần quy hoạch Củ Chi, Hóc Môn trên quan điểm liên kết phát triển vùng, đưa 2 huyện sớm trở thành vành đai xanh, đô thị sinh thái. 
Chỉ ra nút thắt lớn nhất hiện nay của vùng đất này là giao thông, Chủ tịch nước nhấn mạnh nếu huyện Củ Chi có đường sắt quốc gia đi qua, đường sắt đô thị kết nối với trung tâm TP, có đường ven sông Sài Gòn… sẽ giúp huyện phát triển. Do vậy, Chủ tịch nước đề nghị cần sớm triển khai những tuyến giao thông huyết mạch, trong đó có tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), vành đai 3, tuyến đường ven sông nối trung tâm TP với Củ Chi; đồng thời phát triển giao thông đường thủy, đường bộ, metro, giúp khu vực huyện Củ Chi và Hóc Môn phát triển. 
Nút thắt lớn thứ 2 cần tháo gỡ, theo Chủ tịch nước là đẩy nhanh tiến độ dự án KĐT Tây Bắc. Hiện có 3 xã nằm trong quy hoạch KĐT này nhưng hơn 10 năm nay dự án chưa được triển khai đồng bộ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nơi đây. Đó là các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và Tân An Hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ cùng các bộ, ngành trung ương và TPHCM kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư vào khu vực này.
Giám đốc Sở QH-KT TP Nguyễn Thanh Nhã cho biết, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, TP định hướng phát triển 2 hướng chính là Đông và Nam ra biển, 2 hướng phụ là Tây Bắc và Tây - Tây Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần rà soát lại các hướng phát triển, trong đó đẩy mạnh về phía Đông - khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi về địa chất, thủy văn và quỹ đất để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh; kết nối với sân bay Long Thành và nhiều cực động lực của vùng như Biên Hòa, Nhơn Trạch… TP cũng đang xem xét ưu tiên hướng Tây Bắc vì khu vực này còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị, giá đất còn rẻ; kết nối về phía tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài… 
 Khu Tây Bắc đang “tràn đầy sinh khí”, thu hút nhiều nhà đầu tư kết nối tốt với các khu vực lân cận, kỳ vọng trở thành KĐT kiểu mẫu và là cực tăng trưởng mới của TPHCM trong thời gian tới.

Các tin khác