Vi phạm xây dựng do bất cập quy định

(ĐTTCO)-Sau 4 tháng triển khai Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, số vụ vi phạm về xây dựng giảm nhiều. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các quận huyện, việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng có nguyên nhân xuất phát từ bất cập của quy định hiện hành.
Nhiều ngôi nhà xây dựng sai phép tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Nhiều ngôi nhà xây dựng sai phép tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Giảm nhưng vẫn phức tạp
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, sau hơn 4 tháng (tháng 7, 8, 9, 10) thực hiện Chỉ thị 23, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực. Số công trình vi phạm 804 công trình, trong đó sai phép 309 công trình và không phép 495 công trình, bình quân 5,4 vụ/ngày.
“So với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 8,5 vụ/ngày, số vụ vi phạm đã giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 36,9%” - ông Bình nói. 
Việc thực hiện Chỉ thị 23 đã tạo hiệu ứng sâu rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, ý thức chấp hành nhiệm vụ được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Từ đó đã phần nào hạn chế tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan. 
“Tuy nhiên, việc xử lý các công trình vi phạm còn tồn đọng trước đây vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tỷ lệ thực hiện chưa cao. Cùng với đó, còn một số khó khăn về nhân sự do đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện chưa được phê duyệt. Một số vướng mắc cần xin hướng dẫn như xử lý vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, xử lý công trình xây dựng nhỏ hơn giấy phép xây dựng, việc cưỡng chế xử lý nhanh đối với công trình vi phạm…” - ông Bình cho biết thêm.
Cụ thể, tại huyện Bình Chánh, địa bàn nóng về vi phạm trật tự xây dựng, việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu chưa đạt hiệu quả, có dấu hiệu che giấu vi phạm. Sự phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND các xã chưa chặt chẽ, nhiều công trình xây dựng không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Đặc biệt, việc 13 công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch có quy mô lớn, phức tạp, tồn tại trong thời gian dài, đã gây bức xúc dư luận. Theo UBND huyện Bình Chánh, trong quý I-2020 địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế dứt điểm 13 công trình vi phạm xây dựng này. 

Tại quận 9, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép tại một số phường cũng diễn biến hết sức phức tạp, với hàng trăm vụ vi phạm/năm. Nhưng qua 4 tháng thực hiện Chỉ thị số 23, số vụ xây dựng không phép trên địa bàn quận 9 giảm 0,14 vụ/ ngày (tỷ lệ giảm 48,27%). Trong 4 tháng thực hiện Chỉ thị 23-CT/UB, quận ban hành 16 quyết định xử phạt (thời điểm xây dựng sau tháng 8-2019), số công trình xử phạt giảm so với 7 tháng trước khi có Chỉ thị 23 (76 quyết định).

Phó Chủ tịch UBND quận 9 ông Hoàng Minh Tuấn Anh, cho biết sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, lập biên bản các công trình vi phạm xây dựng (không phép), ngăn chặn ngay từ đầu đối với các trường hợp vi phạm (tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm; tổ chức chốt chặn ngăn chặn đối với các công trình đang bị xử lý hành chính mà vẫn tiếp tục thi công...) đảm bảo 100% công trình xây dựng được kiểm tra và xử lý kịp thời.

 UBND quận 9 cũng đã chỉ đạo thành lập tổ xét duyệt sửa chữa nhà tại UBND 13 phường để kịp thời xét duyệt, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân dân đồng thời theo dõi giám sát công tác sữa chữa nhằm hạn chế phát sinh xây dựng không phép. UBND quận 9 chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp hỗ trợ UBND 13 phường thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm, theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện theo tuần, tháng để có chỉ đạo kịp thời đảm bảo các công trình phải thực hiện trước tháng 6-2020.

 Trong khi đó, tại quận 12, đa phần các công trình vi phạm xây dựng sai phép trên địa bàn đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Một số công trình xây dựng sai phép phân căn đã được chủ đầu tư chuyển nhượng qua hình thức vi bằng cho nhiều người (phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông).
Do đó, việc tổ chức khảo sát, lập phương án tháo dỡ gặp nhiều khó khăn. Hiện quận 12 đã lập hồ sơ 107 trường hợp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng sai phép.

Hài hòa thực tiễn với quy định pháp luật
 Tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Việc thực hiện phải hài hòa giữa thực tiễn tại TP và các quy định pháp luật. Trường hợp có bất cập về quy định pháp luật, báo cáo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, điều chỉnh quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế tại TP. 
Bí thư Thành ủy TPHCM
Nguyễn Thiện Nhân
Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4, cho biết theo quy định hiện hành nhà dưới 15m2 chỉ được sửa chữa không được cấp phép xây dựng. Trong khi đó trên địa bàn quận 4 số lượng nhà dân có diện tích dưới 20m2 rất nhiều, chiếm đến 70%. “Chính vì không được cấp phép xây dựng, người dân lén xây dựng không phép.
Hiện mật độ dân số quận 4 lên đến 44.000 dân/km2, trong khi bình quân của TP chỉ 11.000 dân/km2. Do đó nhu cầu về chỗ ở của người dân rất bức xúc. Từ đó dẫn đến xây dựng, sửa chữa nhà không phép, sai phép…” - ông Quân cho biết và kiến nghị TP cần có quy chế cấp phép riêng cho các quận nội thành. 
Trong khi đó, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, phản ánh việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm quá chậm. Đã đến hết năm 2019 nhưng kế hoạch sử dụng đất của nhiều quận, huyện vẫn chưa được TP thông qua. “Không chuyển được mục đích sử dụng đất nên người dân xây dựng nhà trên đất chưa phải là đất ở. Đây cũng là nguyên nhân xây nhà không phép”- ông Tùng chia sẻ, kiến nghị nên cho các quận huyện đăng ký kế hoạch sử dụng đất 2 lần/năm.  
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt Chỉ thị 23; kiện toàn, tổ chức lại các lực lượng tham gia công tác quản lý trật tự xây dựng nhằm chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; đảm bảo mọi công trình xây dựng trên địa bàn TP phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật nhà nước, quốc phòng, an ninh).
Về những bất cập các quận huyện phản ánh, ông Hoan giao các sở chuyên môn rà soát, nghiên cứu để đưa ra quy định chung làm sao thuận lợi cho dân nhất.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 23, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tổ chức lại lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác, thống nhất trong hoạt động và trong sạch trong tổ chức bộ máy.
Kiên quyết xử lý nghiêm, chuyển ra khỏi ngành cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm. UBND TP, các sở ban ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn  khẩn trương, kiên quyết thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được giao, tiến tới mục tiêu chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép. 
UBND các quận huyện khẩn trương rà soát, xác định tình trạng pháp lý của các công trình sai phạm đã xảy ra trước thời điểm tháng 8-2019 (trước ngày ban hành Chỉ thị 23), đề xuất hướng xử lý để giải quyết ngay, dứt điểm các trường hợp này, hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện (tháng 6-2020).
Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về xây dựng, đảm bảo phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, các tổ chức ngân hàng, tín dụng chung tay, phối hợp với TP cùng chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. 

Các tin khác