Vi phạm xây dựng vượt tầng: Quy trách nhiệm cơ quan quản lý

(ĐTTCO) - Những vi phạm trong các dự án xây dựng công trình nhà cao tầng ở Hà Nội đã xảy ra trong thời gian dài, được ví như những “hạt sạn” đang phá hỏng bức tranh tổng thể về kiến trúc đô thị của thủ đô. 

Tòa nhà số 8 Lê Trực
Tòa nhà số 8 Lê Trực
Vi phạm tràn lan
Trong một báo cáo về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn gần đây, đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều đơn vị vi phạm quy hoạch.
Trong 50 dự án nhà ở, chung cư cao tầng được lựa chọn ngẫu nhiên để kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất, có tới 38 dự án có sai phạm như xây dựng vượt số tầng, thông tầng; vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng; sử dụng sai công năng một số tầng trong tòa nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng… 
 Chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã khiến những sai phạm trên mặc nhiên tồn tại và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phá hỏng quy hoạch tổng thể kiến trúc đô thị của Hà Nội. Vì vậy, vấn đề đặt ra là không chỉ xử phạt nhà đầu tư mà còn phải quy trách nhiệm cơ quan quản lý đã để xảy ra vi phạm.
KTS. TRẦN NGỌC CHÍNH, 
Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam 
Điển hình như khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông), do Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành làm chủ đầu tư, chưa làm thủ tục xác định và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số căn hộ được điều chỉnh tăng từ 992 lên 1.478 căn.
Đến thời điểm thanh tra, công ty chưa nộp phí xây dựng. Hay dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng công ty Tài nguyên - Môi trường Việt Nam và CTCP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư, đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu PCCC.
Còn Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1 - chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân - đã tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá, chưa được nghiệm thu PCCC.
Một số dự án nữa vi phạm là tòa nhà chung cư - trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung (quận Hà Đông) của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Bình Vượng. Chủ đầu tư đã tự ý xây tăng thêm 5 tầng, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về PCCC. Hoặc CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội tự ý điều chỉnh tăng số lượng căn hộ tại các tầng, xây thêm 1 tầng hầm tại dự án ở khu đô thị mới Sài Đồng. Công ty TNHH Hanotex tự ý xây dựng thêm 6 căn penhouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ở dự án 88 Láng Hạ...

Quản lý lỏng lẻo
Thực tế cho thấy những vi phạm của các doanh nghiệp đều diễn ra công khai, quy mô lớn và trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, chính quyền cùng các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ giám sát đã không phát hiện và xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng bán số căn hộ vi phạm.
Các căn hộ dân đã vào ở không dễ cưỡng chế, chủ đầu tư có thể hợp pháp hóa vi phạm, coi như chuyện đã rồi. 
Bất cập lớn nhất hiện nay trong xây dựng các nhà cao tầng ở TP Hà Nội là sự manh mún, thiếu tập trung thành các khu dự án. Điều này cho thấy việc quy hoạch các khu vực nhà cao tầng thời gian qua chưa thực sự rõ ràng, khiến nhà đầu tư khi xây dựng rất lúng túng.
Bên cạnh đó, dù quy hoạch khá cụ thể nhưng bản thân nhiều nhà đầu tư vẫn vi phạm. Từ thực tế này, theo nhiều chuyên gia đô thị, chúng ta nói doanh nghiệp xây dựng trái phép chưa hẳn đã đúng. Bởi thực tế họ phải được chính quyền sở tại hoặc cơ quan chức năng cho phép mới dám xây. Thêm vào đó, các dự án vượt tầng làm công khai nên không thể nói cơ quan chức năng không biết. Do đó, để thực trạng trên tồn tại là trách nhiệm của chính quyền sở tại, của cơ quan chức năng. 
Thực tế hiện nay, do chưa có các quy hoạch cụ thể, tất cả khu đất dành để xây dựng nhà cao tầng đều mới chỉ dừng ở mức làm thí điểm, nên mới xảy ra nhiều chồng chéo. Thí dụ có những tòa nhà cao tầng như ở 8B Lê Trực, khi đã xây vượt tầng mới xác định là sai phạm và yêu cầu tháo dỡ, cắt ngọn, và khi thực hiện cơ quan nọ đổ trách nhiệm cho cơ quan kia.
Hay như ở khu đô thị Linh Đàm - bán đảo từng được quy hoạch là đô thị kiểu mẫu của TP Hà Nội - trong những năm qua cơ quan chức năng lại cho nhà đầu tư xây rất nhiều tòa nhà cao tầng, dẫn đến phá nát cảnh quan kiến trúc đô thị. Vấn đề là mỗi TP đều có cách tổ chức khác nhau để đạt hiệu quả cao, nhưng quan trọngphải có quy hoạch. Vì chỉ khi có quy hoạch mới buộc nhà đầu tư khi đầu tư dự án phải xây dựng theo đúng quy hoạch và cơ quan chức năng cũng quản lý dựa trên quy hoạch.

Các tin khác