Khu dân cư Phước Kiển

Xây nhà tạm đòi bồi thường giá cao

(ĐTTCO) - Với quy mô 91ha, dự án Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của Công ty Quốc Cường Gia Lai triển khai gần 10 năm qua vẫn loay hoay và gần như bế tắc khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

 Hàng trăm ngôi nhà tạm bợ cố thủ trong điều kiện sinh hoạt hết sức thiếu thốn (thiếu điện, nước sạch) và ô nhiễm môi trường để chờ giá bồi thường cao hơn.

Bám trụ chờ đền bù Ngày 23-5, có mặt tại Khu dân cư Phước Kiển, chúng tôi thấy còn lổm chổm nhiều căn nhà cấp 4, tạm bợ nằm ven bờ đê, rạch nước đen ngòm bốc mùi hôi thối. Một người dân sinh sống tại đây cho biết dù cuộc sống hết sức khó khăn, điều kiện sinh hoạt điện, nước thiếu thốn, mất an ninh, nhưng muốn bám trụ để mong giá đền bù sẽ được cải thiện. Khi được hỏi mức giá bồi thường chủ đầu tư thỏa thuận đã hợp lý chưa, người này thừa nhận đã “khá hơn” trước đây, nhưng giá đất đang sốt xình xịch nên muốn chủ đầu tư phải bồi thường đúng giá thị trường chứ không thể áp giá thấp. Theo ghi nhận của ĐTTC, phần lớn người dân sinh sống ở đây đều biến những căn nhà ống thành nhiều phòng nhỏ để kinh doanh nhà trọ, còn lại là dân làm nông, nuôi trồng thủy sản, gia cầm, buôn bán tạp hóa và nước giải khát. Một người thuê nhà trọ tại đây phản ánh, giá phòng tuy rẻ nhưng bên trong ẩm thấp, tối tăm, thiếu điện - nước sinh hoạt, không đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt các đối tượng lạ mặt thường xuyên xuất hiện với nhiều tệ nạn khiến vấn đề an ninh không được đảm bảo. Theo báo cáo của UBND huyện Nhà Bè, toàn bộ khu vực lập dự án đa số là đất trống, phần lớn nhà, đất ở hiện hữu tập trung tại khu vực phía Bắc dự án, kết nối qua cầu Trắng (rạch Mỏ Neo) và đường hẻm nhỏ (hẻm 724) để ra trục đường Lê Văn Lương, sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tự phát. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 76,28ha; diện tích đất phi nông nghiệp khoảng 4,87ha; diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 9,5ha. Tổng số nhà 151 căn, trong đó nhà lá 49 căn, nhà tôn 97 căn, nhà đúc 5 căn. Được biết, do công tác GPMB của Quốc Cường Gia Lai quá chậm, nên tháng 10-2015 Sở Xây dựng TPHCM đã ra thông báo mời gọi đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Bắc Phước Kiển. Theo đó, mời gọi đầu tư đối với khu đất chưa hoàn tất công tác bồi thường, GPMB thuộc khu dân cư này để dự án được đầu tư đồng bộ và theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, tháng 12-2015, sau thời gian kêu gọi và không có nhà đầu tư nào đáp ứng yêu cầu, UBND TPHCM đã chấp thuận để Quốc Cường Gia Lai tiếp tục làm chủ đầu tư toàn bộ dự án này.
Xây nhà tạm đòi bồi thường giá cao ảnh 1 Một khu nhà tạm tại dự án. Ảnh: M. TUẤN 
Trách nhiệm chính quyền địa phương?
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, cho biết những vướng mắc tồn đọng khiến dự án sa lầy trong suốt 1 thập niên qua, dù doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình nhưng chính sách thay đổi quá nhanh gây khó khăn cho công ty. Lúc mới triển khai, luật pháp thời điểm này quy định chủ đầu tư GPMB được 80%, UBND TP sẽ ra quyết định thu hồi và giao đất. 20% còn lại sẽ được địa phương thành lập ban bồi thường hỗ trợ di dời nhằm giao đất sạch cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đến năm 2010, luật thay đổi áp dụng Nghị định 71/2010, các chủ đầu tư phải tự đi thương lượng đền bù với người dân đủ 100% Nhà nước mới thu hồi và giao đất. Và đến nay, luật lại thay đổi áp dụng vào Nghị định 99/2015, chủ đầu tư vẫn phải tự thương lượng đền bù 100% mới được thu hồi và giao đất. “Cơ chế pháp lý thay đổi liên tục, người dân lợi dụng chính sách thay đổi để đầu cơ trục lợi đất, cố tình xây dựng nhà trái phép, không phép để cho thuê, cất nhà tạm cho thuê, chủ nhà không ở tại những căn nhà lấn chiếm này nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn” - bà Loan nêu thực trạng. Tính đến nay bà Loan khẳng định đã đền bù được 92% trong tổng số 91,69ha của dự án, chỉ còn 7ha chưa đền bù được trong vòng 2 năm qua. Khó khăn lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai là khoảng 100 căn nhà tự phát với diện tích khoảng 7.000m2, trong đó 30% (khoảng 2.000m2) là nhà có sổ đỏ đất nông nghiệp và 70% là lấn chiếm cất thêm nhà trên đê, rạch và tự phát.
Hơn 100 căn nhà tạm được ngăn ra khoảng 500-600 phòng trọ, mỗi phòng khoảng 5m2 cho thuê 2-3 người ở. Trong 100 căn nhà nói trên, Quốc Cường Gia Lai đã bồi thường cho gần 10 hộ với mức giá từ 10-12 triệu đồng/m2. Số còn lại đa số đòi hỗ trợ giá từ 15-20 triệu đồng/m2 lấn chiếm, công ty không thể đáp ứng được.

Cũng theo bà Loan, với diện tích khoảng 6ha của 12 hộ dân đang sống bằng nghề nuôi cá và găm giữ đất, cho thuê phòng trọ và đòi giá đền bù tăng từ 5-6 lần so với giá công ty đang đền bù. Người dân cứ chờ các hộ lấn chiếm trên đê, đền bù giá nào thì đòi hơn giá đó và không chịu thương lượng, không cho chủ đầu tư gặp.
Vì vậy, số tiền đền bù dự toán chừng 200 tỷ đồng, nay người dân đòi bồi thường tăng lên 1.000 tỷ đồng. “Việc không đền bù dứt điểm để triển khai dự án khiến công ty gặp rất nhiều áp lực. Chúng tôi đã đầu tư vào dự án này hơn 5.000 tỷ đồng và hiện phải trả lãi vay mỗi ngày hơn 500 triệu đồng” - bà Loan than phiền.
 Dự án Khu dân cư Phước Kiển đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm từ nhiều năm trước. Về nguyên tắc, chính quyền địa phương không được cấp phép xây dựng hoặc lơ là để người dân xây dựng nhà tự phát, lấn chiếm cất nhà trái phép sẽ khiến chủ đầu tư đối mặt với rất nhiều nan giải trong khâu thương lượng, thỏa thuận giá, tăng chi phí vốn và kéo dài thời gian bồi thường GPMB. Nếu kéo dài sẽ hình thành nên khu dân cư ổ chuột, nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị và an ninh trật tự địa bàn. Do đó, cần phải xem xét trách nhiệm của cán bộ buông lỏng quản lý để xảy ra thực trạng nói trên.
Luật sư Thái Văn Chung

Các tin khác