2020: Trái phiếu DN tăng trưởng ấn tượng

(ĐTTCO) - Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 11 tháng năm 2020 đã có 2.311 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. 

Trong đó có 1.970 đợt phát hành thành công với tổng giá trị phát hành thành công đạt 348.400 tỷ đồng (chiếm 68,5% tổng giá trị đăng ký), so với mức 296.700 tỷ đồng năm 2019 (số liệu tính từ tháng 4 - tháng 12). Quy mô phát hành qua kênh TPDN đã gấp 1,17 lần giá trị trái phiếu chính phủ (TPCP) trúng thầu qua HNX. 

Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông NGUYỄN NHƯ QUỲNH, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX, cho biết năm 2020, quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng DN và giá trị trái phiếu phát hành.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2020 khi năm 2019 chỉ có 217 DN chào bán tổng cộng 440.426 tỷ đồng, tổng giá trị phát hành thành công 296.712 tỷ đồng?
2020: Trái phiếu DN tăng trưởng ấn tượng ảnh 1
Ông NGUYỄN NHƯ QUỲNH: - Nếu so sánh quy mô của thị trường TPDN với GDP chúng ta cũng thấy con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, quy mô của thị trường TPDN tính đến cuối năm 2019 đạt 10,68% GDP (tương đương 665.000 tỷ đồng); đến cuối tháng 11-2020 đạt 14,3% GDP (tương đương 890.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân trong 11 tháng năm 2020 là 4,07 năm, lãi suất phát hành bình quân 9,4%/năm. Thị trường TPDN phát triển nhanh góp phần đáp ứng nhu cầu huy động vốn của DN, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, qua đó giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.
- Tháng 7 Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN, với việc siết chặt hơn hoạt động phát hành TPDN. Vậy Nghị định 81 có tác động ra sao đến thị trường TPDN, thưa ông?
- Thực tế, cơ quan quản lý và các chuyên gia nhiều lần khuyến nghị đối với DN phát hành trái phiếu và nhà đầu tư, do lo ngại những rủi ro đến từ việc phát hành TPDN của nhiều DN. Vì thế, Nghị định 81 ban hành tháng 7, có hiệu lực từ 1-9-2020, đã có những sửa đổi cơ bản về điều kiện phát hành, giới hạn quy mô phát hành riêng lẻ phù hợp với quy mô vốn của DN… Theo dõi thông tin công bố qua HNX của các DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, từ thời điểm Nghị định 81 có hiệu lực, hoạt động phát hành TPDN có một số biến động khá mạnh, cả về quy mô phát hành, kỳ hạn phát hành và cơ cấu phát hành. 
Về quy mô phát hành, do quy định khắt khe hơn về điều kiện, tình hình phát hành TPDN đã có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, ngay sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, giá trị đăng ký phát hành trong 3 tháng 9, 10 và 11 đã giảm khoảng 80-90% so với tháng 8. Trong đó, giá trị phát hành thành công trong 3 tháng này lần lượt đạt 10.529 tỷ đồng, 9.504 tỷ đồng và 10.675 tỷ đồng, với tổng cộng 30.620 tỷ đồng - chỉ bằng khoảng 1/4 giá trị phát hành thành công của tháng 8 và tỷ lệ chỉ gần 0,1% của cả 11 tháng.
- Ông nhận xét ra sao về cơ cấu DN phát hành trước và sau khi có Nghị định 81?
- Kỳ hạn phát hành trong tháng 9 và tháng 10 có xu hướng tăng. Nếu trong tháng 8, kỳ hạn phát hành bình quân 3,97 năm, thì tháng 9 và tháng 10 kỳ hạn phát hành bình quân 4,07 năm và 5,47 năm. Điều đó cho thấy DN có xu hướng tập trung vào các kỳ hạn trung và dài hạn so với việc phát hành nhiều tại kỳ hạn ngắn như trước đó.
Về cơ cấu phát hành, đã có sự thay đổi về tỷ trọng phát hành giữa các nhóm DN. Trong tháng 8, các DN thuộc lĩnh vực bất động sản là nhóm có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất, chiếm 30,39% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Tuy nhiên, trong 3 tháng 9, 10 và 11 sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, khối DN thuộc lĩnh vực tổ chức tín dụng là nhóm có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất, lần lượt chiếm tỷ trọng 90,2%, 38,99% và 49,75% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. 
Tôi cho rằng, Nghị định 81/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm hạn chế rủi ro mất khả năng thanh toán đối với trái phiếu và giảm hiện tượng DN xé nhỏ các đợt phát hành, phát hành trái phiếu với quy mô lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu; đẩy mạnh minh bạch thông tin, lành mạnh hóa thị trường; tần suất báo cáo cũng được tăng thêm với định kỳ tháng; quy định trách nhiệm các tổ chức tư vấn phát hành, đấu thầu, đại lý, bảo lãnh phát hành… Nghị định này không nhằm hạn chế sự phát triển TPDN mà hướng tới chuẩn hóa khung pháp lý; nâng cao nhận thức của nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu đầu tư cá nhân; tăng tính chuyên nghiệp, độ minh bạch của tổ chức lưu ký, tư vấn...
- Để phát triển thị trường TPDN, tới đây HNX sẽ có kế hoạch gì?
- Với mục tiêu phát triển thị trường TPDN riêng lẻ minh bạch, hỗ trợ tổ chức phát hành và tổ chức lưu ký thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, đồng thời giúp nhà đầu tư tiếp cận với thông tin một cách thuận lợi, trong thời gian tới HNX sẽ chính thức vận hành chuyên trang thông tin TPDN đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 81 và thông tư hướng dẫn.
Khi chuyên trang đi vào hoạt động, toàn bộ hoạt động công bố thông tin sẽ được thực hiện tự động qua chuyên trang. Cụ thể, chuyên trang thông tin TPDN sẽ công bố những nội dung cơ bản của tất cả đợt phát hành riêng lẻ TPDN của các tổ chức thực hiện phát hành riêng lẻ, nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của nhà đầu tư, cũng như công tác thống kê, báo cáo về các đợt phát hành riêng lẻ TPDN. 
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu giao dịch thứ cấp của các TPDN phát hành riêng lẻ, HNX hiện nay đang tiến hành bước đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống giao dịch cho loại sản phẩm này. Việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch, giúp các chủ thể quan tâm tới thị trường này, có đầy đủ thông tin từ khâu phát hành đến giao dịch, đồng thời tăng tính thanh khoản của TPDN.
- Xin cảm ơn ông.
 Với các quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành, Nghị định 81 đã góp phần giảm thiểu rủi ro cho DN phát hành cũng như nhà đầu tư mua trái phiếu, đã giúp thị trường TPDN tăng trưởng ấn tượng.

Các tin khác