Bảo hiểm gian nan giành thị phần

(ĐTTCO) - Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực sự hồi phục từ năm 2012 và tăng trưởng mạnh 2 con số từ năm 2014. 
Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các DN, đặc biệt là DNBH phi nhân thọ đang niêm yết khiến khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh DNBH không hề đơn giản.
“Miếng bánh” khó xơi

BH phi nhân thọ là ngành dịch vụ tài chính gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế và hoạt động giao thông vận tải, thương mại. Giai đoạn 2007-2011 chứng kiến sự hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ, ngành BH phi nhân thọ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 26%/năm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế suy thoái (2012-2013), tốc độ tăng trưởng của ngành giảm chỉ còn 9%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí tăng trở lại trên mức 10% từ năm 2014 và được kỳ vọng duy trì ổn định trong các năm tới. Đặc biệt, thị trường BH đang đứng trước nhiều cơ hội tiếp tục tăng trưởng nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, gia tăng đầu tư vào hạ tầng và các hoạt động đầu tư mở rộng của khu vực tư nhân. 

Trong năm 2017, Cục Quản lý giám sát và Kinh doanh BH (Bộ Tài chính) tiếp tục dự báo tốc độ tăng trưởng phí BH gốc sẽ đạt 14%, tức tổng doanh thu phí BH toàn ngành ước đạt hơn 41.900 tỷ đồng. Ở góc nhìn dài hạn, hiện phí BH chiếm khoảng 1,5% GDP so với mức 3,8% ở Đông Nam Á. Tỷ lệ thâm nhập BH còn thấp bên cạnh cơ cấu dân số hiện tại với hơn 60% người trẻ, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành còn rất lớn. 

Song song với sức mạnh tăng trưởng, các DNBH phi nhân thọ cũng cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn để giữ thị phần, trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều DNBH ngoại.
Hiện tại Việt Nam có 29 công ty BH phi nhân thọ, nhưng các công ty có yếu tố nhà nước vẫn đang có tiếng nói quyết định trên thị trường, đó là các công ty có thị phần lớn trong top 5 hiện nay, gồm CTCP Tập đoàn Bảo Việt (BVH), CTCP PVI (PVI), TCTCP Bảo hiểm bưu điện (PTI), TCTCP Bảo Minh (BMI), TCTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI). Việc cạnh tranh của các DNBH không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn chú trọng hơn đến công tác quản trị rủi ro, định hướng phát triển bền vững.
Bảo hiểm gian nan giành thị phần ảnh 1 Trong top 5 DNBH BVH vẫn dẫn vị trí đầu, các DN còn lại nguy cơ rớt khỏi top 5. 
Lung lay top 5
Trong năm 2016, hầu hết DNBH đều đạt tăng trưởng về doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận của các công ty lại phân hóa ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Cụ thể, BVH là DNBH đầu tiên trong ngành có doanh thu cán mốc 1 tỷ USD. Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất BVH đạt 25.675 tỷ đồng (vượt kế hoạch 14,1%, tăng trưởng 23,5% so với cùng kỳ); lợi nhuận sau thuế đạt 1.022 tỷ đồng (hoàn thành 101,7% kế hoạch, tăng trưởng 1,9% so với năm 2015).
Trong khi đó, BMI là DN có mức tăng trưởng EPS tốt nhất thị trường với EPS năm 2116 đạt 2.061 đồng/CP (tăng 35,5% so với năm 2015). Còn lại kết quả kinh doanh đa số công ty BH đều không tăng, thậm chí sụt giảm như trường hợp của PTI. Do không còn lợi nhuận đột biến từ bất động sản nên kết quả kinh doanh giảm mạnh. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của PTI đạt 104,5 tỷ đồng (giảm 32,4% so với năm 2015 và hoàn thành 76,5% kế hoạch).

Có thể nói, nguy cơ bị rớt khỏi top 5 đối với PTI là điều có thể xảy ra với sự vươn lên mạnh mẽ của các DNBH nằm ở nhóm dưới. Đơn cử, TCTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG) dù chỉ đứng ở vị trí thứ 6 trong các công ty BH phi nhân thọ có thị phần lớn nhất hiện nay, nhưng MIG liên tục có tỷ lệ bồi thường gần như tốt nhất thị trường cũng như có lãi nghiệp vụ kinh doanh BH. MIG không chỉ là đơn vị BH tốt nhất cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, mà còn đẩy mạnh phục vụ ra bên ngoài với 130 sản phẩm BH đáp ứng yêu cầu mọi đối tượng khách hàng.
Hiện DN có hơn 100 sản phẩm dịch vụ BH phù hợp với thị trường trong nước và thông lệ quốc tế, mạng lưới hoạt động phủ sóng 55/63 tỉnh thành trên cả nước. Hoạt động đầu tư của MIG theo hướng linh hoạt khi tỷ trọng tiền gửi và trái phiếu DN có đảm bảo chỉ chiếm 59,8%, còn lại chủ yếu đầu tư vào CP. Tuy nhiên, thay vì trực tiếp thực hiện, MIG chỉ quản lý những khoản mục đầu tư vào CP chưa niêm yết với tỷ trọng không cao. Phần còn lại dùng để ủy thác cho quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Xu thế này sẽ phổ biến ở các DNBH và được đánh giá là bước đi tiến bộ của MIG. 

Do hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể dự báo, phần lớn DNBH phi nhân thọ theo đuổi chiến lược kinh doanh khá thận trọng. Vì vậy, kết quả kinh doanh của các DNBH thường không có được mức tăng trưởng đột biến, hoặc duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn ở mức cao.
Điểm nhấn đầu tư đối với CP các công ty BH phi nhân thọ chủ yếu là các sự kiện ảnh hưởng lớn tới mô hình kinh doanh và cơ cấu nguồn vốn của DN, như phát hành riêng lẻ cho NĐT chiến lược, thoái vốn nhà nước hay tiến hành cổ phần hóa, niêm yết.

Hoạt động đầu tư của DNBH phi nhân thọ có đặc thù tập trung vào tiền gửi với tỷ trọng ngày càng gia tăng để đảm bảo tính thanh khoản, đáp ứng nhu cầu bồi thường. Trong khi đó, xu hướng tăng của lãi suất huy động tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2017 sẽ là yếu tố tích cực cho danh mục đầu tư của các DNBH.

Các tin khác