Bất ngờ dòng vốn ngoại

(ĐTTCO) - Đầu năm 2019, khi nhận định về dòng vốn ngoại, giới phân tích đưa ra những dự báo không quá lạc quan. Tuy nhiên, động thái mua ròng của NĐTNN trong những phiên giao dịch gần đây, đặc biệt là phiên giao dịch ngày 14-2 với giá trị mua ròng đạt hơn 1.400 tỷ đồng, khiến nhiều người bất ngờ.

Bất ngờ dòng vốn ngoại
Hơn 1.200 tỷ đồng vào MSN
Phiên giao dịch ngày 14-2, NĐTNN mua vào 34,2 triệu CP (tương đương 2.041 tỷ đồng) và bán ra 13,6 triệu CP (tương đương 587 tỷ đồng). Như vậy, tổng khối lượng mua ròng trong phiên giao dịch này đạt 20,6 triệu CP, tương ứng giá trị mua ròng 1.454,8 tỷ đồng. Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 14-2 là khối lượng giao dịch khủng của khối ngoại tại mã MSN (CTCP Tập đoàn Masan).
Cụ thể, NĐTNN đã mua thỏa thuận hơn 14 triệu CP MSN (tương đương 1.190 tỷ đồng). Nếu tính cả giao dịch khớp lệnh, khối ngoại đã mua ròng 14,6 triệu CP (tương đương 1.230,8 tỷ đồng).
Trước đó, khoảng thời gian cuối năm 2018, MSN cũng được nhiều quỹ đầu tư ngoại mua ròng khá mạnh. Cụ thể, từ tháng 10 đến 11-2018, Arnolis Investment Pte.Ltd, quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore (Government of Singapore), đã chi ra gần 200 triệu USD để mua CP MSN. Sau những giao dịch này, Arnolis Investment Pte.Ltd sở hữu 103,15 triệu CP MSN, tương ứng 8,87% và trở thành cổ đông ngoại lớn thứ 2 tại MSN sau SK Group (Hàn Quốc).
Đầu tháng 10-2018, SK Group còn chi gần 11.000 tỷ đồng mua lại 110 triệu CP quỹ của MSN với mức giá 100.000 đồng/CP. Sau giao dịch này, SK Group trở thành NĐTNN lớn nhất nắm giữ 9,45% cổ phần tại MSN.
Việc khối ngoại mạnh tay rót vốn vào MSN là điều dễ hiểu, nhất là sau khi doanh nghiệp này có những bước chuyển mình rất ấn tượng trong các hoạt động cốt lõi. Đầu tháng 1 vừa qua, MSN đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 5.622 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuần sau thuế từ các hoạt động cốt lõi phân bổ cho công ty mẹ đạt 3.478 tỷ đồng (tăng 57%).
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT MSN, với kết quả này MSN đã hoàn thành xuất sắc năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi động cho chiến lược “cao cấp hóa” các dòng sản phẩm với đà tăng trưởng đạt 20%/năm. “Mục tiêu chiến lược của MSN là thỏa mãn tối đa các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trong nước” - ông Quang chia sẻ.  

Thêm dòng vốn mới
Đầu năm 2019, trong bài phân tích dành riêng cho ĐTTC, các chuyên gia phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), cho rằng trong năm 2018 dù khối ngoại vẫn bơm ròng gần 43.000 tỷ đồng vào TTCK, nhưng phần lớn số tiền này chỉ đổ vào một số thương vụ thỏa thuận lớn tại các mã CP, như NVL (Novaland), VHM (Vinhomes) hay MSN.
Tuy nhiên, trong các giao dịch thông qua phương thức khớp lệnh, NĐTNN bán ròng xuyên suốt cả năm với giá trị đạt 16.000 tỷ đồng. Điều này phần nào lý giải diễn biến kém tích cực của thị trường chung do chính sách thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu. Tâm lý sợ rủi ro đã khiến NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để quay về những thị trường phát triển.
Dù vậy, nếu đặt lên bàn cân, Việt Nam vẫn là quốc gia nổi bật với tăng trưởng GDP cao và dân số vàng. Điều này sẽ cần nhiều thời gian vì NĐT cần hồi phục sau năm 2018 đầy bão tố. Trên thực tế, sẽ mất nhiều thời gian để dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi, nhưng vẫn sẽ có các dòng vốn mới chủ động đổ vào Việt Nam.
Thực tế, dòng vốn mới này có thể xuất phát từ kỳ vọng đón đầu việc TTCK Việt Nam được thăng hạng trong năm 2019. Theo CTCK BIDV (BSC), được kỳ vọng nhất trong năm 2019 là khả năng nâng hạng thị trường từ MSCI, qua đó giúp thu hút dòng tiền từ NĐTNN. Bên cạnh đó, Luật CK sửa đổi được thông qua, sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xem xét nâng hạng thị trường mới nổi.
Dự kiến, Luật CK sửa đổi sẽ được xin ý kiến vào tháng 6, trong trường hợp khả quan nếu được thông qua trong tháng 11, TTCK Việt Nam có thể được MSCI đưa vào danh sách theo dõi sớm nhất từ tháng 6-2020. Cũng theo BSC, dòng vốn từ NĐTNN này sẽ tập trung vào các CP có mức vốn hóa lớn, thanh khoản cao, còn room ngoại. Đó là những mã CP trong nhóm VN30.
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), năm 2019 nguồn vốn từ Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí rẻ, có thể tiếp tục chảy vào Việt Nam thông qua cả 2 kênh FDI (vốn đầu tư trực tiếp) và FII (vốn đầu tư gián tiếp). Với kênh FII, kỳ vọng dòng vốn từ 2 thị trường này có thể cân bằng được sự khó khăn của dòng vốn từ thị trường Mỹ và châu Âu, khi NĐT đến từ 2 khu vực này phải đối diện với bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ, chi phí vốn cao. Đây có thể là trợ lực tốt về dòng tiền đối với TTCK trong năm 2019.
 Dòng vốn ngoại được kỳ vọng giúp cải thiện thanh khoản và tạo nên những con sóng ngắn hạn cho thị trường trong năm 2019. Dự báo, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong năm 2019 đạt từ 3.000-5.000 tỷ đồng. 

Các tin khác