Blue chips dưới mệnh giá

(ĐTTCO) - Dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP không chỉ diễn ra với những CP của doanh nghiệp (DN) ít tên tuổi hay thanh khoản kém, mà cả những CP một thời là blue chips, có tính dẫn dắt của thị trường cũng rơi vào tình cảnh này.
Blue chips dưới mệnh giá
PET thụt lùi vì quá… ổn định
Ngày 12-9 tới tròn 11 năm PET (Petrosetco) lên sàn HOSE. 25,53 triệu CP PET lần đầu tiên niêm yết tại HOSE và có giá đóng cửa ngày 12-9-2017 đạt 58.000 đồng/CP, nhưng giá của PET hiện nay chỉ xấp xỉ “số lẻ” giá năm xưa. Đóng cửa phiên giao dịch 7-9, PET chỉ đạt 8.950 đồng/CP.
Những năm gần đây, nhóm CP phân phối bán lẻ như MWG (Thế giới di động), DGW (Digitworld), FRT (FTP Retail)… gây nhiều sự chú ý, nhưng xét về thâm niên lên sàn những CP này vẫn là “đàn em” so với PET. Có thể xem PET là CP phân phối đầu tiên trên sàn, tại một số thời điểm CP này đã bộc lộ sức hút nhất định của mình.
Thậm chí,  thời điểm cách đây chục năm, vốn hóa của PET thuộc vào nhóm lớn trên sàn. Năm 2013 đã có lúc PET tăng giá gần gấp đôi, thu hút nhiều sự chú ý của NĐT trong và nước ngoài. PET cũng chính là nhà phân phối các sản phẩm điện thoại như Nokia (thời thương hiệu này đình đám trên thị trường), Sony, các thương hiệu laptop, máy tính bảng, phụ kiện số… 
Nhìn vào KQKD của PET sẽ thấy doanh thu trong nhiều năm liền duy trì ở mức 10.000-11.000 tỷ đồng, lợi nhuận 100-200 tỷ đồng và chỉ số P/E của CP này cũng chỉ khoảng 6,6 lần. Vậy tại sao PET lại suy yếu về thị giá, thanh khoản và ảnh hưởng của mình trên sàn? 
Nguyên nhân nằm ở việc PET vẫn ổn định nhưng các đối thủ khác lại tăng trưởng. Thí dụ DGW, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương đồng với PET là bán buôn các sản phẩm điện tử. Thời gian đầu lên sàn, DGW lao dốc khá nhanh do thị trường khó khăn, cộng với mô hình kinh doanh ban đầu gây nhiều hoài nghi với NĐT.
Tuy nhiên, giá CP của DGW bắt đầu phục hồi khi về mức hấp dẫn, cộng với chiến lược tham gia phân phối dược phẩm. Thông tin này ít nhiều tạo ra kỳ vọng về mặt tăng trưởng cho DGW dù hiệu quả thực tế nằm ở thì tương lai. Trong khi đó, doanh thu của PET dù cao và khá ấn tượng, nhưng cứ đều đều theo năm tháng và không có thông tin gì liên quan đến khả năng tăng trưởng. 

PXS lãi từ trăm tỷ còn trăm triệu
Năm 2014 chứng kiến cơn sóng thần của CP dầu khí, khi giá của rất nhiều mã trong ngành tăng gấp đôi, gấp ba, trong đó PXS (CTCP Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí) là một trong những CP tăng giá ấn tượng nhất. Nếu so về vốn hóa hay VĐL, PXS ở dưới tầm nhóm GAS, PVD, PVS, nhưng lại là một trong những CP có tính dẫn dắt của cả thị trường, không riêng gì nhóm dầu khí.
Phần lớn thời gian của năm 2014, PXS thường giảm nhẹ khi thị trường điều chỉnh, còn khi thị trường phục hồi lại tăng rất mạnh cộng với thanh khoản lên đến vài trăm ngàn CP, thậm chí hàng triệu CP mỗi phiên.
Sau năm 2014 huy hoàng, PXS bắt đầu có dấu hiệu sa sút về KQKD cũng như giá CP. Năm 2014 công ty báo lãi ròng gần 124 tỷ đồng, sang 2015 con số này còn xấp xỉ 110 tỷ đồng, đến 2016 mức lãi giảm xuống còn hơn 88 tỷ đồng và đến năm 2017 PXS lãi ròng… 944 triệu đồng. 
Cuối năm 2017, sau khi giảm về mức giá gần 6.000 đồng/CP, PXS đã có đợt phục hồi khá ấn tượng lên khoảng 11.000 đồng/CP, nhưng sau đó lại trở về mức 6.000 đồng/CP và nay giảm xuống chỉ còn 5.800 đồng/CP. Trường hợp của PXS rất khó để nói rằng giá CP này quá rẻ hay bị bán quá mức.
Nhưng nỗ lực phục hồi về giá CP phải đi kèm với những tín hiệu tích cực về KQKD, trong khi về điều này rõ ràng PXS chưa đạt. Những ai đã từng mua PXS giá trên 10.000 đồng/CP rồi bán trên 20.000 đồng/CP thu về lãi đậm cách đây 4 năm, chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi giá của CP này lại “còi cọc” như hiện nay.
Có lẽ nguyên nhân nằm ở sự thất vọng, chán nản khi lãi trăm tỷ giờ chỉ còn trăm triệu đồng. Thanh khoản của CP này giờ cũng không còn dồi dào như trước, khi mỗi phiên chỉ khớp vài chục ngàn CP, có phiên đạt trên 100.000 CP nhưng cũng không ổn định.

HAP chỉ còn là hoài niệm
Những ai đã từng chứng kiến thời kỳ huy hoàng của TTCK vào năm 2006-2007 chắc chắn sẽ biết đến HAP (Hapaco). Xét về thâm niên niêm yết, HAP thuộc đời “đầu của đầu” và có lẽ chỉ thua REE và SAM.
Vào ngày 4-8-2000, hơn 2 triệu CP HAP lên sàn và đóng cửa giá 16.000 đồng/CP, tức giá trị vốn hóa của HPA khi đó chỉ vỏn vẹn 32 tỷ đồng. Những doanh nghiệp niêm yết giai đoạn trước 2006 cũng không lạ gì HAP bởi lãnh đạo doanh nghiệp này là những người rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm cũng như kêu gọi doanh nghiệp khác niêm yết trên sàn. Một trong những người nổi bật nhất chính là ông Vũ Dương Hiền, hiện đang là Chủ tịch HĐQT của HAP. 
Vì thế, dù giai đoạn 2006-2007 có quá nhiều tên nổi bật như SJS, FPT, REE, SAM, nhưng HAP vẫn là CP có tính dẫn dắt và được xếp vào nhóm blue chips của thị trường. Cùng với bà Nguyễn Thị Mai Thanh, CEO của REE, ông Đỗ Văn Trắc, CEO của SAM (Sacom) ông Vũ Dương Hiền cũng là CEO nổi bật trên thị trường, và HAP là điển hình cho những công ty lên sàn với những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, khi công ty bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề, thông qua đầu tư tài chính, rồi tham gia thành lập cả CTCK Hải Phòng (Haseco), cũng là lúc ghi nhận sự suy thoái. 
Một dẫn chứng rõ ràng nhất là lợi nhuận của HAP ngày càng teo tóp, khi trong 2 năm gần nhất chỉ lãi hơn 13 tỷ đồng, trong khi VĐL lên đến hơn 550 tỷ đồng. HAP vẫn là tên tuổi lớn nhưng có lẽ gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử nhiều hơn là hiện tại. Với những ai đã có thâm niên gắn bó với TTCK, khi nhìn về CP này với mức giá chỉ 3.600 đồng/CP có lẽ sẽ mong tập đoàn này sớm quay trở lại thời hoàng kim như hơn 1 thập niên trước.

Các tin khác