Bỏ qua cảnh báo rủi ro, nhà đầu tư đua nhau gom CP Louis

(ĐTTCO) - Dù nhận nhiều cảnh báo rủi ro nhưng nhóm Louis lại bất ngờ “quay đầu” tăng mạnh nhờ lực cầu bắt đáy trong phiên sáng nay.
Bỏ qua cảnh báo rủi ro, nhà đầu tư đua nhau gom CP Louis

Tăng 70 lần trong 9 tháng

DDV là mã tiên phong với mức tăng 15% lên 29.900 đồng/CP. Trước đó, DDV có loạt phiên lao dốc từ 38.600 đồng/CP xuống chỉ còn 25.500 đồng/CP.

Với mức giá xấp xỉ 30.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại thì thị giá DDV cao hơn 50% so với giữa tháng 8.

Chứng kiến sự hồi phục ấn tượng của DDV, nhiều NĐT đẩy mạnh lên mua ở những mã còn lại trong nhóm Louis. Nhiều mã thậm chí “cháy hàng” trước lực cầu lớn từ bên mua, như TDH, APG, BII và SMT.

Đang nằm trong tình trạng trắng bên mua, mã TGG cuối cùng cũng bật mạnh sau khi hơn 1 triệu CP đang đặt bán giá sàn được bên mua vét sạch. Từ mức giá sàn 48.550 đồng, có thời điểm TGG bật lên gần chạm mốc 55.000 đồng/CP.

Trước đó, TGG có 5 phiên giảm sàn liên tiếp, từ 74.800 đồng/CP xuống chỉ còn 48.550 đồng/CP đầu phiên sáng nay. Đáng chú ý là mức đỉnh 74.800/CP trước khi điều chỉnh nằm ngoài mọi dự đoán của giới đầu tư, bởi nó cao hơn rất nhiều so với mức giá của mã CP này ở thời điểm đầu năm 2021 là 1.170 đồng/CP, và đang nằm trong diện bị kiểm soát.

Với mức tăng đạt hơn 70 lần trong vòng 9 tháng, TGG là mã CP tăng mạnh nhất trong thời gian ngắn của TTCK Việt Nam.

Khi lãnh đạo "phím" hàng

Bỏ qua cảnh báo rủi ro, nhà đầu tư đua nhau gom CP Louis ảnh 1  "Mua CP là kỳ vọng vào tương lai, nhưng nếu đặt quá nhiều kỳ vọng vào doanh nghiệp có lãi đột biến trên giấy, và lãnh đạo chỉ quan tâm đến giá CP, là quá rủi ro".
Sóng tăng của TGG bắt đầu tư khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn, là Louis Holdings. Sau khi nắm cổ phần chi phối, Louis Holding đổi tên TGG từ CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang thành CTCP Louis Capital.  

Đầu tháng 9, TGG đã tổ chức ĐHCĐ bất thường với sự tham gia ông Đỗ Thành Nhân đến từ Louis Holdings, tư cách là Thành viên HĐQT, đã điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu tăng gấp 5 lần, từ mức 70 tỷ lên 350 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng từ 2 tỷ lên 50 tỷ đồng.

ĐHCĐ bất thường của TGG cũng đã thông qua kế hoạch chào bán tối đa 30 triệu CP, với giá chào bán 15.000 đồng/CP, thấp hơn so với thị giá thời điểm đó 35.300 đồng/CP, nâng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt 573 tỷ đồng. Số tiền thu về từ đợt chào bán khoảng 450 tỷ đồng sẽ được TGG cho cho các hoạt động mua bán và sáp nhập.

Lý giải với cổ đông về mức giá của TGG thời điểm này, ông Nhân cho biết giá trị của TGG thể hiện qua chất lượng của các công ty mà doanh nghiệp đã và đang đầu tư.

Cụ thể, hệ sinh thái Louis Holdings với TGG đóng vai trò hạt nhân, đã và đang tích cực triển khai các thương vụ M&A để mở rộng sang các lĩnh vực giàu tiềm năng, như: bất động sản với BII (Louis Land), viễn thông với SMT (Samtel), dịch vụ tài chính với APG (CTCK APG), nông nghiệp với AGM (Angimex).

Không chỉ phát biểu chính thức tai ĐHCĐ, trước đó ông Nhân còn liên tục “phím” giá của nhóm CP mà TGG dự định thâu tóm trên trạng Facebook cá nhân.

Và thực tế đúng như dự báo của ông Nhân, các CP mà nhóm Louis tham gia như SMT, BII, APG, AGM đều đạt mức tăng chóng mặt, dù hoạt động sản xuất kinh doanh đang trong tình trạng khó khăn. Thậm chí, sức nóng còn lan ra những mã có sự tham gia góp vốn của nhóm Louis, như DDV (Vinachem) hay TDH (Thuduc House).

Đây là lý do khiến cho nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT F0, lao vào bắt đáy nhóm mã CP Louis, dù nhận được sự cảnh báo rủi ro từ các chuyên gia CK. Đơn cử là TGG, dù dùng tiền đi thâu tóm nhưng doanh nghiệp này vẫn đang kinh doanh khá bết bát (năm 2020 lỗ 43 tỷ đổng), dòng tiền kinh doanh âm, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Đáng chú ý là TGG, TDH và BII đều nằm trong danh sách CP bị cảnh báo và kiểm soát, do lợi nhuận năm 2020 âm.

Nhận định về diễn biến của nhóm Louis trong những phiên giao dịch gần đây, một NĐT có thâm niên, cho rằng đây thực chất là hành động mua bán sang tay, để tạo cảm giác CP đã chạm đáy. Chỉ cần NĐT nhảy vào mua là sẽ có lượng hàng lớn từ các đội lái đẩy ra để chốt lời. Với những mã CP tăng tính bằng lần, thì bán mức giá nào lái cũng có lãi.

“Mua CP là kỳ vọng vào tương lai, nhưng nếu đặt quá nhiều kỳ vọng vào doanh nghiệp có lãi đột biến trên giấy, và lãnh đạo chỉ quan tâm đến giá CP, là quá rủi ro. Những phiên lao dốc nhưng không có người mua vừa qua là minh chứng”, NĐT này chia sẻ.

Các tin khác