Cân nhắc điều chỉnh các sắc thuế

(ĐTTCO) -  VCCI vừa có văn bản góp ý về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập DN (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế tài nguyên, sau khi đã lấy ý kiến DN, hiệp hội, chuyên gia tại TPHCM và Hà Nội.
Cân nhắc điều chỉnh các sắc thuế
Tăng thuế GTGT, tăng khoảng cách giàu nghèo
Đối với thuế suất phổ thông, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng thuế từ 5% lên 6% và tăng từ 10% lên 12% đối với các loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng. Đây là một sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ, mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế này.
Về mặt xã hội, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thuế GTGT là loại thuế lũy thoái đánh vào tiêu dùng. Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn, do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao.
Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế GTGT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.
 Cơ quan soạn thảo cần sớm bổ sung báo cáo đánh giá tác động đối với mỗi chính sách được đề xuất: chính sách đó sẽ tác động ra sao đến ngân sách, làm tăng, giảm nguồn thu như thế nào? Tác động cụ thể như thế nào đến người có thu nhập thấp? Chính sách đó liệu có giúp đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra? 
Đề xuất của VCCI
Về mặt kinh tế, tăng thuế GTGT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của DN và các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra. Theo VCCI, qua tham luận và trao đổi của các chuyên gia và DN, Bộ Tài chính cần cân nhắc một số hệ quả của chính sách này. Thứ nhất, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm trở lại đây, việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập niên, và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này.

Thứ hai, trong 3 nhóm DN (quốc doanh, dân doanh trong nước và FDI), các DN dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng thuế GTGT. Bởi các DN FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế GTGT. Các DN nhà nước mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn, nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế.
Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đặt ra tại Đại hội Đảng XII.
Thứ ba, việc tăng thuế còn có nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam có trên dưới 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các DN tư nhân trong nước có khả năng tạo việc làm tốt nhất trên mỗi đồng vốn đầu tư, nên tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tăng thuế GTGT.

Thuế TTĐB với nước ngọt chưa rõ
Dự thảo đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%, nhằm mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe nhân dân do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì. Đây là một mục tiêu hợp lý, vì sức khỏe cộng đồng, lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc liệu đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt như vậy sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Ngoài ra, việc đánh thuế còn phải đánh giá ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, DN. Bởi lẽ, thứ nhất, mức thuế 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng sẽ là tác động đáng kể đối với khả năng chi tiêu của nhiều gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, theo đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các DN sản xuất nước giải khát, các DN mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những DN, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa (mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế, nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có). Đơn cử ngành công nghiệp mía đường, hiện nay thuế GTGT đối với đường chỉ là 5%.
Nói cách khác, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế đối với ngành mía đường, nhằm bảo đảm quyền lợi của người nông dân trồng mía. Thế nhưng, cũng chính sản phẩm đường đó, pha vào nước đóng chai lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là Nhà nước không khuyến khích. Như vậy, ở đây đã thể hiện một sự thiếu nhất quán về chính sách.
Do đó, theo VCCI, chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam. Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của Singapore. 

Không nên bỏ quyết toán thuế
Liên quan đến quyết toán thuế TNCN, dự thảo nghiêng về phương án bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế hay nộp thêm thuế TNCN. Theo VCCI, nếu áp dụng phương án 1 có thể giúp giảm rất nhiều chi phí làm thủ tục quyết toán thuế của cả người dân và cơ quan thuế, nhưng có thể ảnh hưởng đến tính lũy tiến của thuế TNCN và gây ra tình trạng tránh thuế hợp pháp.
Thứ nhất, tính lũy tiến là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của thuế TNCN, giúp tái phân phối tài sản trong xã hội. Khi bỏ quyết toán thuế đối với thu nhập từ nhiều nguồn và thu nhập vãng lai, sẽ làm lợi cho những cá nhân có thu nhập rất cao. Những cá nhân có thu nhập rất cao lên đến khung thuế suất 20%, 28%, thậm chí 35% và trong đó có nhiều thu nhập vãng lai (như những cá nhân nổi tiếng thu nhập từ chương trình biểu diễn hoặc hợp đồng quảng cáo) sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc bỏ quyết toán thuế. Bởi khi đó, họ sẽ chỉ phải chịu mức thuế suất khấu trừ tại nguồn 10%, thay vì mức thuế suất cao của phần thu nhập rất cao.
Ngược lại, đối với những cá nhân có thu nhập thấp hưởng thu nhập vãng lai (như người lao động thời vụ), khoản hoàn thuế vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng lại rất có ý nghĩa với họ. Việc bỏ quyết toán thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những người lao động.
Thứ hai, việc bỏ quyết toán thuế còn có khả năng gây ra tình trạng tránh thuế của các DN. Thí dụ, để giảm số thuế phải nộp cho người lao động có thu nhập cao, một DN có thể tách thành nhiều DN, ký nhiều hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê khoán (thu nhập vãng lai). Cách làm này sẽ dễ dàng giảm đáng kể số thuế phải nộp cho những cá nhân thu nhập cao, và không phản ánh đúng bản chất lũy tiến của loại thuế này.

Các tin khác