Chiến lược đầu tư cổ phiếu ngân hàng

(ĐTTCO)-Tăng trưởng kinh tế không có nghĩa thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ bứt phá mạnh và mặt bằng cổ phiếu (CP) sẽ lên mức giá mới. CP hàng đầu của các nhóm ngành cơ bản đang niêm yết nhiều khả năng không có biến động lớn về điểm số chính. Bởi lẽ TTCK không nhiều dư địa để tăng mạnh trước bối cảnh thiếu vắng dòng tiền nội và ngoại vì những rủi ro địa chính trị leo thang, sự bùng phát trở lại của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…
Chiến lược đầu tư cổ phiếu ngân hàng
Với riêng nhóm CP ngân hàng (NH), cho dù có những thuận lợi đến từ nền kinh tế nhưng sẽ khó bứt phá trong năm nay. Sẽ có những CP tăng giá tốt và những CP đứng im, đi ngang hoặc điều chỉnh giảm.
Lợi nhuận giảm sút
Bức tranh ngành NH năm 2018 tiếp tục khả quan, nhưng cùng với sự tăng lên của lợi nhuận, nợ xấu cũng có xu hướng nhích nhẹ. Tăng trưởng huy động và tín dụng vẫn ổn định. Thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như trước nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Dự trữ ngoại hối tiếp tục đạt mức kỷ lục khi hết tháng 12-2018 đạt 65 tỷ USD.
Mặt bằng lãi suất ổn định những tháng đầu năm nhưng có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm. Áp lực tăng vốn vẫn hiện hữu khi các NH đang đẩy nhanh quá trình thí điểm Basel II. Triển vọng ngành NH tiếp tục khả quan nhưng tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại và tiếp tục có sự phân hóa trong thời gian tới.
Tăng trưởng tín dụng quý I-2019 đạt 1,9% so với cuối năm 2018. NHNN tái khẳng định mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 14% và chỉ xem xét nới room với các NH đạt đủ điều kiện Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ CAR. Các CP như VCB, CTG, MBB, ACB, TCB có rất nhiều dư địa để tăng trưởng lợi nhuận, nhưng mức tăng dự báo không cao. 
Chiến lược đầu tư cổ phiếu ngân hàng ảnh 1 Tại thời điểm 31-5-2018, quy mô tổng tài sản có toàn hệ thống NH đạt 10.329.259 tỷ đồng, tăng 3,27% so với thời điểm cuối năm 2017. Vốn tự có và vốn điều lệ tại thời điểm này đạt 749.548 tỷ đồng và 516.951 tỷ đồng, tăng trưởng 4,96% và 0,88% so với cuối năm 2017 (nguồn: SBV, PSI tổng hợp). 
Theo thống kê của các NH trong quý I, mức tăng lợi nhuận khoảng 11,8% so với cùng kỳ 2018. Ngoại trừ Sacombank với mức tăng tốt nhất khoảng 110%, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Trong đó, Vietcombank vẫn là điển hình hàng đầu của hệ thống khi đạt kết quả kinh doanh tốt với lợi nhuận quý I hợp nhất tăng 34,8% so với cùng kỳ 2018, đạt 5.878 tỷ đồng, riêng NH mẹ có lãi 5.751 tỷ đồng.
Kết quả trên phản ánh giá CP VCB đã hồi phục mạnh kể từ đầu năm, ở mức giá khoảng 50.000 đồng/CP lên đến 66.900 đồng/CP vào cuối tháng 4. Các NH lớn có những kết quả kinh doanh tốt dù vài trường hợp dư nợ giảm nhờ cơ cấu lại thị trường cho vay, tập trung vào phân khúc có NIM cao hơn, phân khúc bán lẻ, đồng thời tăng thu ngoài lãi.
Ngoài ra, để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các NH, tiềm năng của các CP NH cũng được đo lường chỉ tiêu NIM. Tỷ lệ NIM cao là một dấu hiệu quan trọng cho thấy NH đang thành công trong việc quản lý tài sản và nợ. Ngược lại, NIM thấp sẽ cho thấy NH gặp khó khăn trong việc tạo lợi nhuận. 

Ưu tiên mục tiêu vốn, mạng lưới
 Dù có nhiều tác động nội tại và ngoại lai, CP NH lúc này vẫn đáng cân nhắc để mua vào. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư không dành cho tất cả. Nếu phải chọn ra để đầu tư trong năm 2019, đó vẫn là những cái tên quen thuộc như VCB, MBB, BID, ACB…
Theo NHNN, năm 2018 và 2019 Chính phủ không ưu tiên phát triển mạnh tín dụng, đẩy mạnh các khoản cho vay bởi đang tuân thủ lộ trình cơ cấu lại hệ thống NH, định hướng phát triển kinh tế bền vững, cũng như giảm tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống, nhất là kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ liên quan đến chứng khoán và bất động sản. 
Năm 2019 theo định hướng của NHNN, chính sách siết chặt tín dụng vẫn được ưu tiên, các NH đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng phổ biến ở mức 12-14% như MB, ACB, SCB, bên cạnh những ngoại lệ như VCB đặt mục tiêu lên tới 15% trong khi CTG chỉ khoảng 7%.
Điều này cho thấy, một số NH vẫn đang chạy đua để đạt chuẩn Basel II, trong khi một số khác lại theo đuổi chiến lược mở rộng mạng lưới hoặc xử lý nợ xấu. Như vậy, mục tiêu của các NHTM trong năm nay bên cạnh tìm kiếm lợi nhuận là ổn định bộ máy quản lý. 
Đặc tính phòng thủ của các CP NH cũng như tỷ lệ free float (tỷ lệ khối lượng CP tự do chuyển nhượng so với khối lượng CP đang lưu hành trên thị trường) cao khiến CP NH khó hấp dẫn nhà đầu tư giai đoạn hiện nay. Về bản chất, nhóm CP NH được xếp vào nhóm CP giá trị với tỷ lệ P/E thấp, khác nhiều so với các nhóm CP dạng tăng trưởng như các CP ngành dược, ô tô, công nghệ…
Trong nhiều giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế cũng như TTCK, chỉ khi thị trường tăng trưởng mạnh về điểm số, nhóm CP NH mới trở nên hấp dẫn nhà đầu tư. 
Theo thống kê giao dịch trên TTCK giai đoạn 2008-2018, chỉ những năm TTCK bùng nổ mạnh năm đó có sự góp sức của các CP NH. Như vậy ngoại trừ giai đoạn 2009, 2015, 2017 và giai đoạn đầu năm 2018, năm nay các CP NH sẽ không phải là nhóm được thị trường quan tâm.
Tuy nhiên, các CP NH thường biết cách giữ nhịp trước những biến động của VN Index. Thí dụ, TTCK biến động biên độ hẹp hoặc điều chỉnh đi ngang trong trường hợp các CP lớn, nhóm CP VN30, nhóm CP NH không bứt phá về mặt điểm số. Ngoài ra, các CP NH vốn dĩ phù hợp với trường phái đầu tư giá trị, nên khi thị trường định giá thấp lại là cơ hội. Tất nhiên có những ngoại lệ ở những CP NH hàng đầu các phân khúc, NH có lợi thế cạnh tranh lớn hoặc nhiều dư địa tăng trưởng như VCB, TCB, ACB, BID… 

Các tin khác