Chưa qua ‘phốt’ tăng giá giữa dịch, Thế Giới Di Động lại bị tố chuyện mặt bằng, cổ phiếu sẽ ra sao?

(ĐTTCO) - Sau nghi vấn tăng giá trục lợi trong đại dịch của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) lại tiếp tục dính làn sóng tẩy chay, liên quan đến việc đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng, thiếu tôn trọng chủ cho thuê nhà.

Trước đó, ngay cả với BHX dù hưởng lợi nhờ giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, nhưng Thế Giới Di Động cũng “xin” chủ cho thuê mặt bằng giảm 50% giá thuê.

Đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng

Sự việc Thế Giới Di Động đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng từ 70-100% được nhiều người biết đến sau khi một chủ nhà tại Bình Định, là ông T.K.M công bố các văn bản và sao kê số tiền mà doanh nghiệp này chuyển trả.

Theo ông M., phía Thế Giới Di Động chuyển vào tài khoản của ông chỉ 24,1 triệu đồng, thay vì 75 triệu đồng như hợp đồng đã ký trước đó. Với số tiền này, Thế Giới Di Động đã tự ý cắt giảm đến 70% tiền thuê nhà trong 3 tháng.

Điều khiến cho dư luận bức xúc chính là văn bản mà Thế Giới Di Động gửi cho khách hàng ngày 2-8, với nhiều nội dung được đánh giá là quá phi lý và sử dụng nhiều từ ngữ thiếu tôn trọng đối tác (chủ cho thuê mặt bằng).

Chưa qua ‘phốt’ tăng giá giữa dịch, Thế Giới Di Động lại bị tố chuyện mặt bằng, cổ phiếu sẽ ra sao? ảnh 1 Công văn đầu tiên gửi từ 15-6, Thế Giới Di Động yêu cầu chủ cho thuê mặt bằng giảm đến 50% giá thuê mặt bằng trong suốt 12 tháng tới. Riêng những cửa hàng đóng cửa theo chỉ thị chống dịch thì miễn phí tiền thuê hoàn toàn trong tháng đóng cửa.
Chưa qua ‘phốt’ tăng giá giữa dịch, Thế Giới Di Động lại bị tố chuyện mặt bằng, cổ phiếu sẽ ra sao? ảnh 2 Đến 20-7, Thế Giới Di Động tiếp tục có công văn cho biết chỉ thanh toán 50% số tiền thuê của các kỳ thanh toán sắp tới và kéo dài đến hết năm 2021. 
Chưa qua ‘phốt’ tăng giá giữa dịch, Thế Giới Di Động lại bị tố chuyện mặt bằng, cổ phiếu sẽ ra sao? ảnh 3 Công văn ngày 2-8 khiến không chỉ đối tác cho thuê nhà bức xúc mà dư luận cũng không đồng tình cách bắt chẹt đối tác của Thế Giới Di Động khi đơn phương không thanh toán chi phí thuê mặt bằng, thiếu tôn trọng chủ mặt bằng.
Cụ thể, công văn của Thế Giới Di Động cho biết sẽ không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu giãn cách xã hội của chính quyền, để chống dịch.

Với những cửa hàng bị hạn chế hoạt động để phối hợp phòng chống dịch, Thế Giới Di Động sẽ thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng cho các đối tác, và không tính tiền thuê 70% còn lại. Thời gian áp dụng trong suốt 8 tháng đầu năm 2021 (từ ngày 1-1 đến ngày 1-8).

Công văn của doanh nghiệp này cũng thông báo tiền thuê đã thanh toán trước sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng, buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

“Tôi biết đại dịch Covid-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải vì vậy mà Thế Giới Di động muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm mà không quan tâm đến ý kiến người cho thuê”, ông Mùi bức xúc nói.

Cùng lúc, một đối tác tại TPHCM, chia sẻ: Chuyện là nhà mình có một mặt bằng cho Thế Giới Di Động thuê. Từ giai đoạn đầu dịch, nhân viên bên đó có gọi cho mình thương lượng về việc giảm giá thuê.
Theo đối tác này, ban đầu phía Thế Giới Di Động yêu cầu giảm 50%. Chủ nhà không đồng ý và đưa ra đề xuất giảm 10% trong vòng 1 năm. Thế Giới Di Động không có phản hồi gì, và đến nay gửi cho chủ nhà công văn, nói rằng đang ngưng không thanh toán tiền mặt bằng.
"Mình cũng là người vay vốn ngân hàng để làm ăn kinh doanh. Mùa dịch này ngân hàng giảm chỉ tiền lãi suất 1% đến hết năm nay. Trong khi đó mình thấy yêu cầu của bên Thế Giới Di Động là quá bất hợp lý và thiệt cho mình. Mặt bằng của mình cho thuê là 30 triệu đồng/ tháng với diện tích hơn 180 mét vuông, trong khi đó mặt bằng Pharmacy gần khu vực giá thuê đã là 50 triệu cho 60 mét vuông. Thời điểm mình cho thuê cách đây nhiều năm trước nên giá mặt bằng so ra bây giờ là quá rẻ", chủ nhà nói.
Chủ nhà này cũng cho biết mùa dịch năm ngoái, công ty cũng có đòi giảm 50% giá thuê trong vòng 1 năm hay 2 - 3 năm gì đó, và nhận lại nhiều ý kiến trái chiều.
Chưa qua ‘phốt’ tăng giá giữa dịch, Thế Giới Di Động lại bị tố chuyện mặt bằng, cổ phiếu sẽ ra sao? ảnh 4 Dù than nghèo kể khổ với đối tác việc hàng ngàn cửa hàng phải dừng kinh doanh theo yêu cầu chống dích, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt giữa dịch.
Trao đổi với báo chí, Thế Giới Di Động xác nhận có văn bản như các chủ nhà phản ánh, và không bình luận gì thêm. 

Lãi lớn vẫn “than nghèo kể khổ”

Theo Thế Giới Di Động, chuỗi cửa hàng TGDĐ/ĐMX phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng tại gần 2.000 cửa hàng trên cả nước trong tháng 7. Điều này khiến cửa hàng không phát sinh doanh thu hoặc sụt giảm nhiều, ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động.

"Đây là sự tiếp sức và động viên rất lớn của quý đối tác cho TGDĐ/ĐMX để chúng tôi duy trì hoạt động kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, đóng góp phúc lợi cho xã hội", văn bản của Thế Giới Di Động nêu.

Dù công văn “than nghèo, kể khổ” vì khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn dịch. Cụ thể, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 8 tháng là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với kỳ năm 2020).

Đáng chú ý là chuỗi TGDĐ/ĐMX vẫn đóng góp rất lớn vào kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động, với doanh thu lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 57.500 tỷ đồng (giảm 4%). Riêng trong tháng 8, có 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế, vẫn đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của TGDĐ/ĐMX trong điều kiện bình thường nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online.

Chuỗi BHX ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng sau 8 tháng (tăng 56%). Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu trong tháng của BHX đạt hơn 3.000 tỷ đồng (tăng 52%). Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng nhờ nhu cầu tích trữ hàng hóa và thay thế chợ truyền thống bị đóng cửa.

Với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của 3 chuỗi cửa hàng kinh doanh kể trên, lợi nhuận sau thuế 8 tháng của Thế Giới Di Động đạt 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái).

CP MWG không bị bán tháo nhưng sẽ bị tác động trong dài hạn

Kết quả kinh doanh vượt trội ngay trong đại dịch là yếu tố giúp cho Thế Giới Di Động có thể tránh được sức ép bán tháo trước làn sóng tẩy chay trên khắp các diễn đàn mạng xã hội và diễn đàn CK.

Chưa qua ‘phốt’ tăng giá giữa dịch, Thế Giới Di Động lại bị tố chuyện mặt bằng, cổ phiếu sẽ ra sao? ảnh 5 Một phần phản hồi của đối tác cho thuê mặt bằng gửi Thế Giới Di Động sau khi phải nhận công văn đơn phương giảm tiền thuê.
Trên thực tế, nếu làn sóng tẩy chay có đẩy lên cao trào thì giá CP cũng khó giảm mạnh, vì CP MWG đang nằm trong tay các tổ chức lớn. Thế nên, sức ép bán ra từ các NĐT cá nhân sẽ không đủ lớn để kéo giá CP xuống mạnh.
Được biết, ở làn sóng tẩy chay BHX do nghi vấn tăng giá trục lợi trong đại dịch trong tháng 7, mã MWG chỉ bị kéo giảm gần 7% trong phiên giao dịch này 20-7. Ở phiên kế tiếp, MWG đã hồi phục trở lại khi tăng gần 5,2%.

Tuy vậy, do liên tục dính "phốt" trong thời điểm cả nước gồng mình chống dịch, các thương hiệu của Thế Giới Di Động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, không chỉ với khách hàng mà cả NĐT trên TTCK.

Đặc biệt, với các quỹ đầu tư nước ngoài, vốn luôn đặt nặng vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sẽ cân nhắc khi đầu tư vào doanh nghiệp thường xuyên bị người tiêu dùng tẩy chay vì thiếu trách nhiệm xã hội.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến ứng xử của doanh nghiệp đối với các chủ thể và đối tượng có liên quan, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ người sản xuất, tiếp thị, tiêu thụ, tiêu dùng đến các nhà cung ứng; từ  đội ngũ cán bộ, nhân viên cho đến các cổ đông của doanh nghiệp.

Các tin khác