Chứng khoán đã dần ổn định khi có sự can thiệp

(ĐTTCO) - Với mức giảm 42% so với đầu năm, VN Index được xếp vào nhóm các thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh nhất trên thế giới. Bên cạnh những phiên lao dốc, VN Index còn có những phiên tăng điểm khó tin. 
Nói về diễn biến bất thường của TTCK trong thời gian qua, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital MICHAEL KOKALARI, cho rằng sau phản ứng có phần tiêu cực của nhà đầu tư (NĐT), TTCK đã bắt đầu “dễ thở” khi mối quan ngại về chính sách thắt chặt tín dụng dần được gỡ bỏ. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tại phiên giao dịch ngày 16-11 liệu NĐT đã phản ứng quá tiêu cực với các chính sách thắt chặt tiền tệ? 
Ông MICHAEL KOKALARI: - Phiên giao dịch 16-11 là một trong những ngày kịch tính đối với TTCK, khi VN Index giảm hơn 4% ngay sau khi mở cửa, nhưng lại đảo chiều và tăng hơn 3% ở phiên buổi chiều, với hy vọng mối lo ngại về thắt chặt tín dụng có thể được giảm bớt.
Diễn biến này khiến VN Index trở thành 1 trong những chỉ số CK bất ổn nhất thế giới trong năm nay. Thực ra ngoài nỗi lo thắt chặt tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) mà  có thể lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến VN Index giảm tới 42% so với đầu năm. 
Theo thống kê, VN Index giảm do nhóm ngành BĐS bị giảm khoảng 50% và nhóm ngân hàng (NH) cũng đánh mất 40% thị giá so với đầu năm (tỷ trọng của 2 ngành này chiếm đến 55% trong VN Index). Theo tôi, TTCK hiện đang quá tiêu cực về tác động của việc thắt chặt tín dụng đối với DN BĐS, bởi lĩnh vực BĐS đóng góp chưa đến 10% GDP của Việt Nam, trái ngược với mức gần 30% ở Trung Quốc.
Chúng tôi đã trực tiếp khảo sát nhiều DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cho rằng chính sách thắt chặt tín dụng hiện nay chủ yếu ảnh hưởng đến các DN BĐS và một số công ty nhỏ. Trong khi đó, các công ty lớn ngoài công ty BĐS vẫn tiếp tục tiếp cận đến các nguồn tín dụng, dù lãi suất cao hơn. 
Quay lại phiên giao dịch 16-11, hàng loạt mã CP quay đầu tăng giá sau khi đã có các gợi ý từ một số thành viên Chính phủ về các bước có thể thực hiện để tháo gỡ vấn đề. Các gợi ý này được hiện thực hóa khi Thủ tướng đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực BĐS. GDP của Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng 8% vào năm 2022 và gần 6% vào năm 2023, trong khi lợi nhuận các DN đang trên đà tăng trưởng với dự báo khoảng 17% trong năm nay và năm sau. 
- Theo ông mặt bằng giá CP hiện tại đủ hấp dẫn để NĐT giải ngân?
- Sự kết hợp giữa giá CP giảm và lợi nhuận DN niêm yết tăng, đã khiến hệ số P/E năm 2022 của VN Index giảm từ mức trên 17 lần vào đầu năm 2022 xuống còn 9 lần hiện tại. Thậm chí, P/E dự phóng 2023 là 8 lần, thấp hơn 40% so với định giá P/E dự phóng của các nước trong khu vực. 
Từ các kết quả khảo sát của VinaCapital đối với các DN trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi tin các công ty lớn, uy tín ngoài lĩnh vực BĐS không gặp khó khăn trong việc đảo nợ. Điều đó thể hiện qua các NH trong nước đã chọn lọc hơn trong việc cho vay và NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ (tăng lãi suất 200 điểm cơ bản so với đầu năm lên 6%), cùng với việc sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ VNĐ cũng đang hạn chế điều kiện tín dụng tổng thể. 
Thêm vào đó, dư nợ tín dụng đã tăng 11,4% so với đầu năm tính đến ngày 20-10, vượt xa mức tăng trưởng tiền gửi NH toàn hệ thống là 4,8% so với đầu năm. Ước tính tăng trưởng tiền gửi NH sẽ vào khoảng 9% so với đầu năm, nếu NHNN đã không bán ra khoảng 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối để hỗ trợ giá trị của VNĐ. 
Lưu ý, NHNN giao hạn mức tín dụng hàng năm cho các NH, tương đương 14% tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vào năm 2022. Và thị trường tăng mạnh phiên 16-11 cũng nhờ những thông tin như NHNN sẽ tăng chỉ tiêu hạn mức tín dụng thêm khoảng 2%, và Chính phủ có thể thành lập công ty quản lý tài sản mới (AMC) để cung cấp thanh khoản cho thị trường trái phiếu (TP) DN, chủ yếu là TP của các công ty BĐS. 
- DN BĐS lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay theo ông từ đâu?
- Tính từ thời điểm các công ty BĐS mua lô đất thô cho đến khi lô đất đó được chuyển mục đích sử dụng là đất ở, và đến lúc các tòa nhà chung cư/nhà ở được xây dựng, thông thường mất khoảng 5 năm. Các miếng đất thô đó không thể dùng để đi vay vốn cho đến khi nó được chuyển đổi mục đích sang thành đất ở và dự án đã được phê duyệt. Lúc này DN BĐS mới có thể sử dụng lô đất làm tài sản thế chấp để đảm bảo các khoản vay NH. Đặc biệt, ngay cả khi đã được phê duyệt, các NH cũng chỉ cung cấp khoản vay với thời hạn ngắn. 
NHNN gần đây bắt đầu khuyến khích các NH cho vay đến người mua nhà (cho vay thế chấp) hơn là cho DN BĐS vay. Ngoài ra, các DN BĐS cũng bị hạn chế huy động vốn trước khi mở bán, chỉ có thể thu tiền từ người mua nhà sau khi đã hoàn thành xong phần móng. Hệ quả, các DN BĐS phải thu hút vốn để thu gom quỹ đất của họ thông qua thị trường TPDN.
Họ phát hành TP với các điều kiện dễ dàng, hoặc đã bỏ qua các quy định về phát hành TP. Tôi được biết, TPDN các NĐT cá nhân đã mua chủ yếu với thời hạn 2-3 năm với lãi suất 10-12%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi NH kỳ hạn 18 tháng vào năm 2021 chỉ 7%/năm. Điều này dẫn đến việc phát hành tăng vọt từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 32 tỷ USD năm 2021.
 - Xin cảm ơn ông.
TTCK hiện đang quá tiêu cực vì tác động của việc thắt chặt tín dụng đối với DN BĐS, bởi lĩnh vực BĐS đóng góp chưa đến 10% GDP của Việt Nam, trái ngược với mức gần 30% ở Trung Quốc.

Các tin khác