Chứng khoán không còn rẻ, nhưng dòng tiền vẫn đang chờ

(ĐTTCO) - Một nửa tháng 12, tháng cuối cùng của một năm tài chính đã đi qua và thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn đang phục hồi khá ấn tượng sau cú sụt giảm hơn 110 điểm đầy bất ngờ hồi đầu tháng.
Chứng khoán không còn rẻ, nhưng dòng tiền vẫn đang chờ
Thông thường tháng 12 là tháng có diễn biến tích cực về cuối bởi hội tụ nhiều yếu tố, trong đó có kỳ vọng kết quả kinh doanh sớm, các quỹ đầu tư muốn làm đẹp hơn danh mục để chia thưởng...
Trong 10 năm gần đây TTCK Việt Nam chỉ có nửa sau tháng 12-2018 là giảm, còn lại đều tăng ở mức độ khác nhau. Tháng 12-2021 được đánh dấu bằng cú sốc điều chỉnh hơn 110 điểm cực nhanh chỉ trong vòng 7 phiên, trong đó đặc biệt là 2 ngày 3 và 6-12.
VN Index từ đỉnh cao lịch sử 1.511.68 điểm rơi thẳng về 1.400,87 điểm. Chính từ đáy này thị trường phục hồi cũng nhanh không kém, lấy lại gần 80 điểm cho đến cuối tuần qua.
Tuy nhiên hiện tượng lình xình những ngày cuối tuần lại cho thấy sự bối rối nhất định. Nhà đầu tư (NĐT) cảm thấy “chơi vơi” giữa một bên là đỉnh cao lịch sử 1.500 điểm và một bên là đáy 1.400 điểm chưa rõ ràng.
Sự ngập ngừng đó không hẳn thể hiện thị trường thiếu lực, mà thể hiện sự cân bằng và chờ đợi một “điểm nổ” cho sự thay đổi trạng thái... Thanh khoản trên thị trường giai đoạn hiện tại thể hiện rất rõ sự ngập ngừng chờ đợi nói trên.
Thí dụ trong tháng 11 vừa qua, giá trị khớp lệnh trung bình của sàn HoSE khoảng 30.700 tỷ đồng mỗi phiên. Nửa đầu tháng 12 này, giá trị trung bình chỉ còn hơn 23.700 tỷ đồng mỗi phiên, tức là giảm 23%.
Thanh khoản giảm không hàm ý rằng dòng tiền bị rút khỏi TTCK. Bởi lượng tiền trong thời gian ngắn về cơ bản vẫn nằm trong thị trường, nhưng giảm nghĩa là NĐT ít giao dịch, tiền nằm lại trong các tài khoản và không được sử dụng tối đa. 
Với mức P/E xấp xỉ 18 lần khi VN Index quanh ngưỡng 1.500 điểm ngày 25-11 vừa qua, TTCK Việt Nam không còn rẻ nữa nếu tính cho dự phóng lợi nhuận 2021. Mức phục hồi hiện tại đến cuối tuần qua đã đưa P/E quay trở về ngưỡng 17,4 lần.
Nói cách khác, những gì thị trường trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua đã phản ánh trước những kỳ vọng thuận lợi sau khi các hoạt động kinh tế được tái khởi động, cũng như trông đợi gói kích thích kinh tế được công bố và triển khai từ đầu năm 2022.
Các NĐT trên TTCK cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu được “phân loại” dựa trên tài sản quản lý. Các “tay chơi lớn” là các quỹ đầu tư, các tổ chức, thực hiện đầu tư có nguyên tắc, tiêu chí không dễ dàng như các NĐT cá nhân. Khi đầu tư bằng tiền của người khác (tài sản được giao quản lý), có những ràng buộc chặt chẽ, thậm chí là khắt khe.
Đó là lý do tại sao hiệu quả đầu tư của các tổ chức thường thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận mà các NĐT cá nhân có thể kiếm được. Đơn giản là mục tiêu của quản lý tài sản là hướng đến lợi nhuận hợp lý bền vững theo thời gian, chứ không phải để lãi 100% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thua lỗ 200% để tham gia vào các con sóng làm giá của các CP kém thanh khoản, doanh nghiệp phát hành thua lỗ hay không có doanh thu. 
Thời gian gần đây con sóng đầu cơ thể hiện rất rõ khi có nhiều CP tăng giá cả trăm phần trăm. Thí dụ P/E của sàn HNX hồi cuối tháng 7-2021 mới khoảng 17,6 lần thì đến giữa tháng 10 đã lên 24 lần. Khi VN Index đạt đỉnh 1.500 điểm ngày 25-11 vừa qua thì P/E của sàn này đã tới 27,7 lần.
Những phiên đầu tháng 12 VN Index sụt giảm nhưng P/E của HNX tiếp tục tăng lên trên 29 lần. P/E của sàn UpCOM thậm chí đang quanh mức 52 lần. Tỷ trọng thanh khoản của các CP trong nhóm blue chip VN30 - những CP chủ yếu được các tổ chức đầu tư giao dịch nhiều nhất - sụt giảm từ mức trên 50% hồi tháng 7, tháng 8-2021 xuống còn 30% tuần qua. 
Tình trạng này đã tạo nên một bức tranh không thật về thị trường nếu chỉ nhìn qua các trào lưu đầu cơ đang diễn ra. Đâu đó không ít NĐT cá nhân nhỏ lẻ đang lãi lớn trên các con sóng đầu cơ, nhưng dòng tiền lớn vẫn đang hạn chế vận động. 

Các tin khác