Chứng khoán vẫn hấp dẫn nhưng thanh khoản khó bùng nổ

(ĐTTCO) - Tại tọa đàm “Triển vọng đầu tư năm 2022” do FiinGroup và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 25-2, các chuyên gia dự báo, năm 2022, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng tốt, nhất là các nhóm ngành đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 2 năm qua nhưng thanh khoản khó tăng mạnh.
Với cổ phiếu nhóm phi tài chính, P/E đang ở vùng cao so với lịch sử
Với cổ phiếu nhóm phi tài chính, P/E đang ở vùng cao so với lịch sử
Nhiều triển vọng tăng trưởng
Số liệu kế hoạch và dự báo cập nhật được FiinGroup tổng hợp từ các doanh nghiệp lớn chiếm 58% tổng vốn hóa thị trường cho thấy, mức tăng trưởng kế hoạch được kỳ vọng ở mức khoảng 20%. 
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối Dịch vụ thông tin tài chính (FiinGroup), lưu ý, về triển vọng tăng trưởng năm 2022, các ngân hàng dự kiến sẽ vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính. Đây là điểm khác biệt so với năm 2021, khi lợi nhuận ngành ngân hàng  tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường. 
Ngành ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20-25%/năm nhờ các yếu tố: tín dụng dự kiến tăng 14% với sự phục hồi kinh tế cùng gói kích thích của Chính phủ; NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi… 
Tiếp đó, nhiều ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dự kiến có lợi nhuận tăng chậm lại hay gần như không tăng trưởng năm 2022, bao gồm thép, cao su, logistics. Cuối cùng, những nhóm suy giảm do Covid-19 dự kiến phục hồi mạnh trong năm nay khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại, trong đó gồm hàng cá nhân, dược phẩm, bán lẻ, điện và đồ uống.
VN Index đang ở nền định giá tương đối cao, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Theo các chuyên gia đến từ FiinGroup, định giá tính theo lợi nhuận (P/E) của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đã tăng (định giá P/E của VN Index hiện ở mức 17,2 lần). Đây là mức tương đương với trung bình của giai đoạn 2018 đến nay. Nhưng định giá của thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi khối ngân hàng. 
Hiện, các ngân hàng niêm yết chiếm khoảng 1/3 lợi nhuận cũng như vốn hóa trong các tính toán về định giá cho thị trường. Tuy nhiên, do đặc thù ngành, P/B (tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) là chỉ số hợp lý hơn để định giá cổ phiếu ngân hàng thay vì P/E. 
Vì vậy, để thấy rõ hơn bức tranh định giá của thị trường thì nên xem xét định giá khối ngân hàng và khối phi tài chính riêng biệt. Với cổ phiếu ngân hàng, P/B hiện đã tiệm cận mức cộng 2 lần độ lệch chuẩn. Tần suất mà định giá của khối ngân hàng chạm vùng cao này trong hơn 10 năm qua là rất ít, cho thấy năm 2022 bắt đầu trên một nền định giá cao.
Lựa chọn nhóm ngành năm 2022
Nhà đầu tư nên lưu ý khi xây dựng danh mục đầu tư hay chọn lựa cổ phiếu cho năm 2022. Thứ nhất, trên nền định giá cao như hiện tại, để giá cổ phiếu có thể tăng tiếp thì lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cần phải tăng tương ứng hay thậm chí tăng cao hơn P/E. Do vậy những cổ phiếu có tăng trưởng dự kiến cho năm 2022 thấp hơn P/E sẽ có thể gặp rủi ro khi nhìn trên chiều dài 1 năm nếu không kể lướt sóng ngắn hạn. 
Thứ hai, nhà đầu tư cần quan tâm tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 liệu có tiếp diễn được sang năm 2023 hay không. Nếu câu chuyện tăng trưởng không còn kéo dài sang năm 2023, cổ phiếu có khả năng chỉ tăng được nửa đầu năm và đối mặt với rủi ro đảo chiều trong nửa cuối năm giống như diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép trong năm 2021 (tăng mạnh nửa năm và giảm mạnh cuối năm).
Còn về nhóm ngành, theo FiinGroup, có 3 chủ đề đầu tư đáng quan tâm cho năm 2022. Đầu tiên, cổ phiếu của nhóm ngành giúp tránh rủi ro lạm phát. Lạm phát dự kiến sẽ nhích dần lên trong năm 2022 do độ trễ về hấp thụ tăng giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. 
Do đó, điện và dược phẩm là 2 nhóm nên được lưu ý do tính chất phòng thủ của nhóm cổ phiếu này; và có triển vọng lợi nhuận 2022 tích cực nhờ câu chuyện hồi phục về cầu sau giãn cách xã hội. Riêng với ngành dược phẩm, một số doanh nghiệp có nhà máy mới sắp đi vào hoạt động nên tăng trưởng cao của ngành có thể kéo dài sang năm 2023. 
Về dự báo năm 2022, số liệu của FiinGroup cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành được dự báo ở mức 35% năm 2022 trong khi tăng trưởng năm 2021 ở mức 8%. Chỉ số giá cổ phiếu ngành đã tăng khoảng 19% năm 2021. Thứ hai là cổ phiếu kỳ vọng từ hưởng lợi từ đầu tư công đang triển khai: ngân hàng; bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp; vật liệu Xây dựng. Trong đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tốt các yếu tố đã nêu trên. 
Với nhóm vật liệu xây dựng, giãn cách xã hội và chi phí vận chuyển tăng cao đã tác động đến doanh thu cũng như biên lợi nhuận của nhóm này trong năm vừa qua, và lợi nhuận dự kiến đổi chiều từ suy giảm mạnh năm 2021 sang tăng trưởng cao vào năm 2022. 
Thứ ba là nhóm ngành hưởng lợi từ cầu hồi phục sau Covid-19 như: bán lẻ, hàng cá nhân, thủy sản. Với bán lẻ, triển vọng tăng trưởng 2022 sẽ rất phân hóa trong nội bộ ngành và cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng thấp hơn so với trung bình ngành. Hàng cá nhân là câu chuyện tăng trưởng trên nền suy giảm của năm 2021, trong khi thủy sản dù tăng trưởng ghi nhận ở mức cao trong năm 2021 nhưng vẫn chưa về mức trước dịch Covid-19.
Tuy vậy, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường lưu ý, năm 2022, ngân hàng vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhưng nền định giá đã cao so với quá khứ cũng như có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hơn 10 lần và có tính rủi ro hơn trước bất lợi của thị trường như lãi suất tăng. Định giá P/B của ngân hàng khoảng 2,4 lần. Nếu tăng trưởng của ngân hàng là 20-25%, giá cổ phiếu không tăng trong năm nay thì P/B khoảng 1,8-2 lần - quay về mức trụng bình và không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Nếu giá cổ phiếu ngân hàng tăng thì phải hút được dòng tiền vào. 
“Kỳ đại hội cổ đông tới đây sẽ là điểm bản lề, thu hút sự chú ý của thị trường”, ông Tường nhận xét và bổ sung thêm, tỷ trọng tiền đổ vào lĩnh vực ngân hàng so với thị trường 2 tháng qua không tăng, “nếu như không muốn nói là thấp so với vị thế cổ phiếu được coi là vua trong quá khứ”. 
Về thanh khoản, theo bà Vân, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn năm 2022. Các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng margin của nhà đầu tư với kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ tăng. “Song, tôi cho rằng, dù thanh khoản thị trường năm nay tăng nhưng để đạt được như năm 2021 là khó”, bà Vân nhận định.
Số lượng nhà đầu tư mới tăng trong quý 2, 3, 4-2021 nhưng chưa gắn với chất lượng. Số lượng cho vay margin trên mỗi tài khoản đang giảm xuống. Có vẻ như thị trường chưa thu hút được dòng tiền và cần cú hích để nhà đầu tư bỏ tiền vào thị trường. Đó là kỳ vọng lãi suất, thoái vốn, hệ thống giao dịch mới… Nhưng, tôi chưa nhìn thấy triển vọng của các yếu tố này. Do đó, “thanh khoản năm 2022 cần phải thận trọng”, ông Tường nói.

Các tin khác