Cổ phiếu dệt may: Kỳ vọng quá sớm vào EVFTA?

(ĐTTCO)-Việt Nam chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong kỳ họp quốc hội tháng 5 này, đang tạo động lực lớn cho cổ phiếu (CP) ngành dệt may, trùng thời điểm CP dệt may là một trong những nhóm phục hồi ấn tượng nhất với đà phục hồi chung của thị trường chứng khoán (TTCK). Nhưng thực tế là kết quả kinh doanh quý I-2020 của nhóm CP dệt may không tốt, nhiều doanh nghiệp giảm lãi sâu, thậm chí là lỗ. 
Lợi nhuận yếu, giá tăng mạnh
Kết quả kinh doanh quý I-2020 của nhóm CP dệt may dù có nhịp tăng 2 tháng qua nhưng không tích cực. Mức tăng giá đã đưa nhiều CP thậm chí quay về sát giá thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Những CP có mức tăng hàng đầu trong nhóm là TNG tăng 79,22%, MSH tăng 62,02%, GMC tăng 58,54%, VGT tăng 49,15%, TCM tăng 46,93%.
Ảnh hưởng của dịch bệnh là nguyên nhân được dẫn ra trong tất cả các báo cáo giải trình kết quả kinh doanh kém trong quý đầu năm 2020. Chẳng hạn TCM báo doanh thu thuần quý I-2020 giảm 19,2%, xuất khẩu giảm 25%, lợi nhuận gộp giảm 21,5% cùng kỳ.
Tháng 4 vừa qua TCM tiếp tục báo doanh thu giảm 13,6% cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 59%. TNG là doanh nghiệp (DN) được đồn đoán hưởng lợi từ dịch Covid-19 khi nhanh nhạy chuyển sang sản xuất khẩu trang, nhưng doanh thu quý I cũng giảm 4%, lãi sau thuế giảm 10% so với cùng kỳ. MSH ghi nhận doanh thu giảm 3,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 28,6%...
Cổ phiếu dệt may: Kỳ vọng quá sớm vào EVFTA? ảnh 1
Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán (CTCK) Rồng Việt, tăng trưởng doanh thu của nhóm CP dệt may trong quý I-2020 giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong khi quý I-2019 tăng 10,2%, quý I-2018 tăng 17,5%. Tăng trưởng lợi nhuận quý I-2020 cũng giảm 9,4%, trong khi quý I-2019 tăng 6,5%, quý I-2018 tăng 22,5%. 
Thực ra diễn biến giá CP dệt may nói riêng và cả thị trường nói chung gần như bỏ qua các yếu tố cơ bản, mà chỉ dựa nhiều hơn vào kỳ vọng tương lai. 2 yếu tố quan trọng nhất tạo động lực cho CP ngành này: thứ nhất nếu được phê chuẩn EVFTA thì hiệu lực có thể áp dụng ngay từ tháng 7 tới; thứ hai là việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế thông thường của nhiều quốc gia, trong đó có những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, sẽ phục hồi lại nhu cầu tiêu dùng.
Song hầu hết các nước dự kiến mở cửa từng phần kể từ đầu tháng 5, nghĩa là hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất sẽ bình thường trở lại từ quý II trở đi.

EVFTA – “Nước xa không cứu được lửa gần”
 Trước khi đến được giai đoạn tăng trưởng nhờ EVFTA, ngành dệt may chỉ có thể cầm cự ở thời điểm khủng hoảng hiện tại mà chưa biết khi nào sẽ kết thúc.
Việc thị trường xây dựng kỳ vọng dựa trên các giả định là điều bình thường. Do đặc điểm của giới đầu tư là suy luận tương lai hơn là nhìn vào hiện tại, nên các quan điểm phụ thuộc vào góc nhìn để đưa ra giả định nhiều hơn. Yếu tố chủ quan trong các giả định luôn chi phối các kịch bản.
Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I-2020 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm 1,4% so với cùng kỳ, trong đó 2 thị trường chính là Mỹ và EU giảm tương ứng 0,4% và 6,1%.
Có một sự tương đồng rất lớn giữa việc suy giảm sức mua từ các thị trường nói trên với dịch Covid-19. EU là khu vực có dịch bệnh lan đến trước và bắt đầu ở Italia, sau đó tới các nước như Pháp, Anh, Đức. Mỹ phải đến giữa tháng 3 mới bắt đầu phong tỏa từng phần. 
Cổ phiếu dệt may: Kỳ vọng quá sớm vào EVFTA? ảnh 2
Theo số liệu mới nhất đến tháng 4-2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam giảm 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ.
Liệu sự sụt giảm xuất khẩu như vậy đã thể hiện toàn bộ khó khăn của các DN dệt may hay chưa? Nếu chỉ nhìn vào sự tăng giá CP của các DN dệt may niêm yết thì dường như TTCK cho rằng các yếu tố xấu nhất đã được bộc lộ. Tuy nhiên khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mới là vấn đề. Việc kỳ vọng quá mức vào EVFTA dường như là câu chuyện “nước xa không cứu được lửa gần”.
Thực vậy, bản thân các DN dệt may lại đang thừa nhận sự khó khăn rất lớn phía trước, một bức tranh hoàn toàn khác với kỳ vọng của TTCK. Một khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đối với 200 DN dệt may quy mô vừa và lớn của Việt Nam, cho thấy 48% số được hỏi cho biết dự kiến doanh thu năm 2020 giảm so với 2019 từ 20-30%, chỉ 4% có thể tăng doanh thu tối đa 10%.
Đặc biệt 74% số DN nhận định ảnh hưởng của Covid-19 có thể làm giảm trên 30% đơn hàng, chỉ 10% nhận định mức giảm dưới 10% và không có DN nào cho rằng đơn hàng sẽ tăng. 
Cổ phiếu dệt may: Kỳ vọng quá sớm vào EVFTA? ảnh 3
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương đầu tháng 5-2020, VITAS cho rằng kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với 2019. Với kịch bản cơ sở, kim ngạch khoảng 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch có thể chỉ đạt 30 - 31 tỷ USD.
Năm 2019, con số này khoảng 39 tỷ USD. VITAS cũng cho rằng mức sụt giảm 4 tháng đầu năm nay vẫn chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu. Mức giảm mạnh phải chờ đến tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này. 
Như vậy dường như các nhà đầu tư đã tỏ ra lạc quan quá mức trong ngắn hạn về cơ hội phục hồi nhanh của lĩnh vực dệt may khi các thị trường chính dỡ bỏ phong tỏa. Bởi từ giả định đến thực tế có thể là một câu chuyện khác xa. 2 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ (chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) và EU (chiếm 12%) đều đang cho thấy sự sụt giảm tiêu dùng rất đáng lo ngại.
Khối EU chứng kiến mức sụt giảm doanh số bán lẻ kỷ lục trong tháng 3 tới 11,2% so với tháng 2, và giảm 9,2% so với cùng kỳ 2019. Các mặt hàng sụt giảm doanh số lớn nhất là dệt may và dày dép. Tương tự, Mỹ sụt giảm doanh số bán lẻ tháng 4-2020 tới 16,4% sau khi đã giảm 8,7% trong tháng 3. Mặt hàng sụt giảm lớn nhất cũng là dệt may.
Trong ngắn hạn, điều tiên quyết vẫn là thị trường. Khi các thị trường nhập khẩu chính của hàng dệt may Việt Nam vẫn đang suy giảm, và mặt hàng dệt may đặc biệt gặp bất lợi trong giai đoạn người tiêu dùng hạn chế sử dụng, thì cơ hội phục hồi xuất khẩu của DN vẫn sẽ gặp khó.
Về dài hạn, các thị trường này vẫn có thể phục hồi lại như cũ, nhưng thời gian bao lâu mới là điều quan trọng khi tâm lý tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn do dịch bệnh. Đây có lẽ là điều khiến các DN dệt may tỏ ra thận trọng, điều mà TTCK không chú ý.
EVFTA vẫn sẽ là cơ hội lớn đối với ngành dệt may, nhưng đó là câu chuyện dài hạn. Bộ Công Thương từng dự báo nhờ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. 
Tuy nhiên theo phân tích của CTCK SSI, EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may. Hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay mà chỉ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực. EVFTA cũng yêu cầu các loại vải phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hoặc Hàn Quốc (quốc gia có FTA với châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam.
Trong khi đó hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan. Việc các nhà sản xuất trong nước chuyển sang nguồn vải của Hàn Quốc là không kinh tế ngay cả khi được hưởng lợi từ mức thuế suất 0% từ EVFTA. 

Các tin khác