Cổ phiếu ngân hàng đang định vị lại

(ĐTTCO) - Sau khi giúp VN Index lập kỷ lục 1.204 điểm, nhóm CP ngân hàng (NH) bất ngờ suy giảm và tạo áp lực điều chỉnh lên chỉ số từ nửa cuối tháng 4 đến nay.
Cổ phiếu ngân hàng đang định vị lại
 Dù áp lực bán ra chưa có dấu suy giảm, nhưng theo nhận định của giới phân tích, nhóm CP NH có nhiều khả năng hồi phục bởi mặt bằng giá đang về mức hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua.
Hầu hết điều chỉnh giảm
Đợt điều chỉnh của thị trường ở thời điểm hiện nay, ghi nhận ảnh hưởng rõ nét của nhóm NH lên chỉ số chung (kể từ phiên giao dịch ngày 10-4). Theo thống kê, trong thời điểm này ngoại trừ TPB (NHTMCP Tiên Phong), EIB (NHTMCP Xuất nhẩu khẩu Việt Nam) và NVB (NHTMCP Quốc dân), hầu hết mã CP NH đều ghi nhận mức giảm mạnh và sâu hơn VN Index là 13,24%.
Trong đó, các mã CP ghi nhận mức giảm mạnh gồm có VCB (NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam), CTG (NHTMCP Công thương Việt Nam), VPB (NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng), MBB (NHTMCP Quân đội) đều giảm hơn 20%. Những mã CP này đã kéo VN Index giảm 62,8 điểm trên tổng số 159,5 điểm giảm trong tháng 4. Tổng giá trị vốn hóa của nhóm NH chiếm 24% toàn sàn nhưng đóng góp tới 39% điểm số giảm của VN Index.
Việc CP NH điều chỉnh không khiến NĐT bất ngờ, bởi nhóm CP này đã ghi nhận mức tăng mạnh kể từ đầu năm 2018. Thống kê 15 CP NH đang giao dịch trên 3 sàn giao dịch đến ngày 16-4, ngoại trừ BAB (NHTMCP Bắc Á) giảm 8% so với đầu năm 2018, 14/15 mã CP còn lại đều ghi nhận mức tăng ấn tượng. Đơn cử mã BID (NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) tăng hơn 48% so với đầu năm 2018 và gấp 2,7 lần thời điểm đầu năm 2017. Tương tự, VPB tăng 48%, ACB (NHTMCP Á Châu) tăng 38%, CTG tăng 36% và MBB tăng 27%. Với mức tăng này, nhóm CP NH đóng góp đáng kể vào diễn biến của các chỉ số CK.
Cụ thể, tính đến ngày 16-4, Top 20 CP có vốn hóa lớn nhất thị trường có sự góp mặt của 7 CP NH, gồm BID, VCB, CTG, MBB, VPB, HDB (NHTMCP Phát triển TPHCM) và STB (NHTMCP Sài Gòn Thương tín). Tổng vốn hóa của nhóm này đạt 749.000 tỷ đồng, tương đương 23,8% vốn hóa của sàn HOSE. 

Dự báo khả quan
Ngành NH sau những thời kỳ khó khăn đã có những bước đi vững chắc hơn, các kết quả kinh doanh được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây. Sự khởi sắc này phần nào được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I-2018 vừa được các NHTMCP công bố. Cụ thể, tổng thu nhập và lợi nhuận trước thuế của 14 NH niêm yết đạt 56.340 tỷ đồng và 20.126 tỷ đồng, tương đương mức lần lượt tăng 35% và 52% so với quý I-2017.
Điều này cho thấy thu nhập tăng và chi phí của các NH đã được kiểm soát tốt. Kết quả cũng cho thấy hầu hết NH đều có mức tăng trưởng đột biến so với năm ngoái. 
Từ kết quả kinh doanh quý I, đã có nhiều dự báo hết sức khả quan về kết quả kinh doanh năm 2018 của các NH. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Chuyên viên phân tích ngành NH của CTCK Rồng Việt (VDSC), các NH có thể vượt kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Nhận định khả quan này dựa trên các yếu tố như biên lãi ròng (NIM) của các NH đều tăng trong năm 2017 và sẽ tiếp diễn trong năm 2018; sự hậu thuẫn từ các chính sách; dư địa nhờ tăng phí dịch vụ.
Đặc biệt, chất lượng tài sản được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu giảm nhờ việc tái cơ cấu giai đoạn 2 và đẩy mạnh thu hồi nợ; tỷ lệ dự phòng nợ xấu cao dẫn đến khả năng phòng vệ tốt; lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các NH tăng mạnh so với giai đoạn 1 thực hiện tái cơ cấu. 
Ngoài các yếu tố trên, theo quan điểm của các chuyên gia CK, NĐT cần theo dõi tiến độ thu hồi nợ xấu để đánh giá triển vọng của các NH và việc áp dụng Basel II. Đây là những yếu tố khiến tăng trưởng ngành NH chậm lại để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR).
Việc phát hành lượng lớn CP sẽ tạo ra độ pha loãng giá, chưa nói việc chia cổ tức bằng CP (để giữ lại vốn) sẽ khiến thị giá phải điều chỉnh giảm. Theo đó, tăng trưởng cao và bền vững rơi vào nhóm NHTMCP có thu nhập đóng góp chủ yếu từ hoạt động cốt lõi. 
Ngược lại, nhóm tăng trưởng chậm hơn rơi vào nhóm NH quốc doanh do giới hạn về khả năng tăng vốn. Trong năm 2017, TTCK chứng kiến một số NH tăng vốn rất mạnh như VPB tăng 71,1%, ACB tăng 9,6%, HDB tăng 21,1%. Đây là các NH đã sẵn sàng về vốn theo chuẩn Basel II nên dự báo sẽ không phải tăng thêm.
CP giảm mạnh cũng là cơ hội cho những NĐT có tiền mặt, nhưng cần lựa chọn đúng nhóm ngành dựa trên 2 yếu tố tăng trưởng và định giá. Trong đó, CP NH vẫn là nhóm CP đáng quan tâm bởi khả năng hồi phục cao sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua. 

Các tin khác