Cổ phiếu nhiệt điện ‘lên ngôi’ trong năm 2022 nhưng có sự phân hóa giữa than và khí

(ĐTTCO) - Các nhà máy nhiệt điện miền Bắc được kỳ vọng sẽ hưởng lợi sớm hơn miền Nam dựa trên điều kiện thời tiết và phục hồi kinh tế.
Cổ phiếu nhiệt điện ‘lên ngôi’ trong năm 2022 nhưng có sự phân hóa giữa than và khí

Xác suất El Nino cao hơn trong năm 2022

Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, mùa khô dự kiến sẽ quay trở lại, khi xác suất có El Nino cao hơn vào năm 2022. Điều này cho thấy các nhà máy nhiệt điện sẽ bước vào giai đoạn được huy động cao hơn.

Cụ thể, khu vực phía Bắc, mùa khô sẽ tới sớm hơn dự kiến, mực nước trung bình thấp hơn đáng kể so với các năm trước. Do đó, các nhà máy nhiệt điện sẽ sớm được hưởng lợi vào năm 2022. Trong khi đó, tại phía Nam, mực nước trong tháng 10-2021 tương đối cao hơn năm trước nên thủy điện được kỳ vọng sẽ hoạt động tốt đến đầu năm 2022.

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), sản lượng huy động nhiệt điện năm 2022 dự kiến sẽ cao hơn do 2021 là năm khó khăn nhất đối với nhiệt điện. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: thủy điện hoạt động tốt và sự bùng nổ của năng lượng tái tạo.

Do đó, nhiệt điện sẽ phục hồi vào 2022 và dự kiến sẽ hoạt động tốt đến 2023 dựa trên các dự báo thủy văn. Công suất huy động trong 2022 sẽ cao hơn năm 2021, cho thấy thời gian khó khăn đối với nhà máy nhiệt điện đã qua và triển vọng tươi sáng hơn sắp tới.

Hưởng lợi nhờ giá trên thị trường phát điện cạnh tranh

Ngoài yếu tố thời tiết, việc giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) sẽ quay trở lại mức cao như những năm khô hạn cũng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhiệt điện. Hiện tại, do mùa khô đang diễn ra ở miền Bắc và sớm xảy ra ở miền Nam, nên giá trên các thị trường phát điện cạnh tranh dự kiến sẽ trở lại mức của những năm khô hạn của năm 2019 và đầu năm 2020.

Trong kế hoạch 2022, mức trần giá điện năng thị trường (SMP) là 1.602,3 đồng (tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái). Hơn nữa, giá công suất thị trường (CAN) năm 2022 dao động từ 266-479 đồng, trung bình là 346 đồng, trong khi năm 2021 là 139 đồng.

Do đó, giá điện toàn phần (FMP) = SMP + CAN trong năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021 khá nhiều, tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà máy nhiệt điện tăng thu nhập trên thị trường cạnh.

Có sự khác biệt về tăng trưởng lợi nhuận giữa điện than và điện khí

Với nhận định tương tự VDSC, các chuyên gia phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI), cho rằng tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi trong năm 2022 và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện. Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt về tăng trưởng lợi nhuận giữa nhóm công ty điện than và công ty điện khí.

Cụ thể, theo SSI, lợi nhuận của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang trong 2022. Hiện tại, giá khí ở mức cao làm cho nhóm công ty điện khí kém cạnh tranh hơn nhóm điện than khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ ưu tiên huy động nguồn điện có chi phí thấp hơn là điện than.

Sản lượng than nhập khẩu chiếm khoảng 20-25% sản lượng than cung cấp cho các nhà máy điện than hàng năm. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu than từ Úc và Indonesia với tỷ trọng chiếm hơn 80% sản lượng than nhập khẩu.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình giá than của Úc và Indonesia đã tăng 151% và 103%. Do vậy, giá than nhiệt trong nước có khả năng sẽ tăng trong năm 2022 khi huy động sản lượng điện than tăng.

Dự báo, mức tăng giá than vào khoảng 15% trong kịch bản cơ sở. Thậm chí, nếu giá than tăng 20% thì giá bán của nhóm công ty điện than (1.300-1.500 đồng) vẫn thấp hơn nhiều so với nhóm điện khí (1.800-2.000 đồng).

“Do vậy khi tiêu thụ hồi phục năm 2022, chúng tôi tin rằng sản lượng của nhóm công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn nhóm điện khí”, theo SSI.

Các tin khác