Cổ phiếu thủy sản bị vạ lây

(ĐTTCO)-Thông tin “vua tôm” CTCP Minh Phú (MPC) bị cáo buộc né thuế tại thị trường Mỹ không chỉ khiến CP của doanh nghiệp này lao dốc, còn đẩy khó khăn lên CP ngành. 
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Minh Phú.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Minh Phú.
Thông tin gây sốc
Trong bức thư gửi đến Cục Hải quan và Biên phòng (CBP), ông Darin LaHood, đại diện của bang Illinois, cho biết đã nhận được đơn kiện liên quan tới việc MPC tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ. Cụ thể, MPC bị cáo buộc mua tôm Ấn Độ và chế biến tại Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ, nhằm trốn thuế chống bán phá giá đang áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ. 
Nội dung thư cho biết: “Dựa trên thông tin đơn kiện đưa ra, tôi đề nghị CBP điều tra xem liệu một nhà nhập khẩu của Mỹ và công ty liên quan tại Việt Nam có đang tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ không”. Được biết, 2 trong số các công ty ông LaHood đề cập đến, được xác định là MPC và công ty nhập khẩu tại Mỹ Mseafood Corporation. 
Thông tin trên khiến giới đầu tư hết sức hoang mang, bởi MPC hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong nước về xuất khẩu tôm. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng thông tin này sẽ tác động xấu đến đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC).
Trong đợt xem xét hành chính trước đó (POR12), thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm của hơn 31 doanh nghiệp Việt Nam là 4,58%, thấp hơn nhiều so với mức sơ bộ 25,76%, cũng như mức áp dụng của đợt xem xét POR11 4,78%.

Vạ lây vì MPC
 Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam trong năm 2018, với kim ngạch đạt 1,63 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 16%). Kế đến là các thị trường EU (15,8%), Nhật Bản (15,8%), Trung Quốc (11,3%), Hàn Quốc (9,8%).
Việc MPC bị cáo buộc né thuế chống bán phá giá đã tác động tiêu cực không chỉ với MPC, còn ảnh hưởng dây chuyền lên nhóm CP thủy sản đang niêm yết. Thống kê cho thấy, ngay khi thông tin trên được công bố, MPC đã lao dốc từ mức giá trên 40.000 đồng/CP xuống sát mốc 34.000 đồng/CP (tương đương mức giảm lên đến 15%).
Các mã còn lại cũng nằm trong xu hướng giảm, như CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Nam Việt (ANV). Đặc biệt, CP của CTCP Hùng Vương (HVG) đã giảm hơn 50% chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, do kinh doanh thua lỗ và thông tin xấu từ MPC.
Điều đáng nói, trước đó nhóm CP thủy sản đã có đợt sóng tăng mạnh trong tháng 4, khi DOC thông báo kết quả sơ bộ POR13 với kết luận các sản phẩm tôm đông lạnh của FMC và Nha Trang Seaproduct Company không bán phá giá trong giai đoạn 1-2-2017 đến 31-1-2018. Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty này 0%.
Vì đây là 2 bị đơn bắt buộc trong đợt POR13, nên 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt, hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên, cũng được hưởng mức thuế 0%. Đây chưa phải là kết quả cuối cùng của POR13, nhưng theo các chuyên gia, mức thuế 0% được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới.

Không quá lo ngại
Theo đại diện của MPC, tới thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ CBP hay cơ quan nào của Chính phủ Mỹ, liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của MPC vẫn tiến hành thông quan bình thường. 
Theo tư vấn từ luật sư của MPC tại Mỹ, sau khi CBP nhận được yêu cầu, cáo buộc từ các bên liên quan hoặc một cơ quan nhà nước khác, theo quy định tại Đạo luật về Bảo vệ và Thi hành năm 2015 của Mỹ, CBP có 95 ngày để cân nhắc các thông tin liên quan, trước khi tiến hành khởi xướng điều tra. Sau khi hoàn tất việc điều tra theo quy định, CBP sẽ ra thông báo về kết luận. 
Như vậy, bức thư của Nghị sỹ LaHood chỉ là yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và không phải là quyết định hay kết luận của cơ quan chức năng về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT của MPC, thừa nhận giai đoạn 2003-2004 do nguồn nguyên liệu thiếu hụt, doanh nghiệp phải nhập tôm Ấn Độ. Thời điểm này tôm xuất khẩu của Ấn Độ chưa bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Từ khoảng tháng 8-2004, Việt Nam bị Mỹ kiện và áp thuế chống bán phá giá tôm chung với thị trường Ấn Độ. Hiện tại, MPC vẫn phải nhập khẩu tôm từ Ấn Độ nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu trong nước. 
Theo thống kê sơ bộ, hiện lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm nhập đầu vào của MPC. Dù bị cáo buộc né thuế, nhưng theo ông Quang hoạt động xuất sang Mỹ của MPC vẫn diễn ra bình thường, thậm chí có nhiều đơn hàng hơn. 
Mới đây, trả lời báo chí về sự kiện MPC, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC, cho rằng việc này không ảnh hưởng kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR13. Sắp tới Ấn Độ sẽ không còn ưu đãi thuế quan vào Mỹ và sẽ chịu 2 loại thuế. Khi tôm Ấn Độ hết ưu đãi thuế quan khi bán vào Mỹ, tôm Việt Nam sẽ tăng lợi thế ở thị trường này. 
Trong khi đó, ông John Sackton, nhà sáng lập trang tin chuyên ngành thủy sản SeafoodNews (Mỹ), cho rằng các nhà chế biến tôm trong nước đang cố gắng làm suy yếu niềm tin của người mua tôm đối với tôm nhập khẩu, bằng cách lặp đi lặp lại các cáo buộc sai lệch liên quan đến việc thiếu kiểm tra và sự xuất hiện của kháng sinh trong tôm nhập khẩu vào Mỹ.

Các tin khác