Cổ phiếu vua đang bị “thổi” giá?

(ĐTTCO) - Sau thời gian ngụp lặn trong khó khăn, nhóm CP ngân hàng (NH) đang dần lấy lại vị thế của CP vua trên TTCK. 
Tuy nhiên, bên cạnh những ông vua mới, không ít CP NH đang giao dịch lặng lẽ trong sự thờ ơ của NĐT.
Thách thức ngôi vương
NHTMCP Tiên Phong (TPB) là tân binh mới nhất trên TTCK sau khi NH này chính thức niêm yết 555 triệu CP trên sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 19-4. Như vậy, đây là NH thứ 9 niêm yết trên sàn HOSE, đồng thời đưa vốn hóa nhóm CP vua trên sàn này lên khoảng 905.000 tỷ đồng, tương đương 22% tổng quy mô các CK niêm yết trên HOSE.
Nếu tính luôn cả sàn HNX và UPCoM, toàn thị trường có 16 mã CP NH đang niêm yết gồm: NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG), NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), NHTMCP Quân đội (MBB), NHTMCP Á Châu (ACB), NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB), NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), NHTMCP Bắc Á (BAB), NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), NHTMCP Kiên Long (KLB), NHTMCP Quốc dân (NVB) và NHTMCP Tiên Phong (TPB).
 NĐT săn CP NH sắp lên sàn nhiều khả năng sẽ gặp rủi ro lớn khi nhóm này đã có thời gian tăng quá dài với mức tăng lớn, nếu không chọn được thời điểm và giá tốt có thể thua lỗ.
Ông PHAN DŨNG KHÁNH
Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
VCB hiện là NH có vốn hóa lớn nhất với quy mô tính đến hết này 20-4 là 10 tỷ USD. Đứng ở các vị trí tiếp theo là BID, CTG và VPB với quy mô lần lượt là 5,86 tỷ USD, 5,42 tỷ USD và gần 4 tỷ USD. Trước đó, nhóm NH cổ phần có vốn nhà nước chi phối gồm VCB, BID, CTG thường công bố mức lợi nhuận rất cao, nhưng đến thời điểm hiện nay BID và CTG đã không còn thống trị về số lợi nhuận tuyệt đối và cả hiệu quả kinh doanh sau khi có sự góp mặt của VPB. 
Theo thống kê, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPB đạt 8.126 tỷ đồng so với 8.800 tỷ đồng của BID và 9.206 tỷ đồng của CTG. Điều đáng nói, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VPB lên đến  27,47%. Đây là những mức rất cao mà đã rất lâu ngành NH mới ghi nhận được, trong khi tỷ lệ này của VCB cũng chỉ đạt 14,2%.
Nhờ kết quả này, VPB nhanh chóng trở thành thế lực mới trong nhóm CP vua đang niêm yết trên TTCK, thậm chí đe dọa ngôi vương của VCB. Chính thức niêm yết trên sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 17-8-2017 với giá tham chiếu 39.000 đồng/CP nhưng đến phiên giao dịch ngày 10-4, mã CP, này đã tăng chạm mốc 70.000 đồng/CP (tương đương mức tăng gần 80%). Cũng trong phiên giao dịch ngày 10-4, VCB dao động trong khoảng từ 73.000-75.000 đồng/CP.
Cổ phiếu vua đang bị “thổi” giá? ảnh 1  
Phân hóa mạnh 
Sau biến cố của ngành NH những năm trước đây, mối bận tâm lớn nhất của NĐT với nhóm CP NH chính là vấn đề xử lý nợ xấu, và sự phân hóa giữa các NH cũng nằm ở khâu xử lý nợ xấu. VCB là NH duy nhất xử lý xong nợ VAMC, dự kiến ACB và HDB sẽ dứt điểm trong năm 2018.
Mặc dù hoạt động xử lý nợ đã được đẩy mạnh hơn nhưng nhiều NH hàng vẫn đang đối mặt với lượng nợ xấu lớn như BID, STB và EIB. 
Sự phân hóa còn được thể hiện qua việc tăng vốn để đạt chuẩn Basel II trong năm 2018. Basel II có quá nhiều quy định các NH phải tuân thủ, nhưng một góc cạnh sẽ tác động tới giá CP. Đó là yêu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR).Việc phát hành lượng lớn CP sẽ tạo ra độ pha loãng giá, chưa nói việc chia cổ tức bằng CP (để giữ lại vốn) sẽ khiến thị giá phải điều chỉnh giảm. 
Theo giới phân tích, Basel II là thách thức lớn với nhiều NH hiện nay. Trong năm 2017, TTCK chứng kiến một số NH tăng vốn rất mạnh như VPB (tăng 71,1%), ACB (tăng 9,6%), HDB (tăng 21,1%). Đây là các NH đã sẵn sàng về vốn theo chuẩn Basel II nên dự báo sẽ không phải tăng thêm.
Trong đó, HDB là điểm sáng hiếm hoi khi phát hành thành công cho các NĐTNN theo cách “phân lẻ”, mỗi NĐT không nắm quá 5% vốn điều lệ của HDB. Trong khi đây là điều rất khó khăn với nhóm NHTMCP vốn nhà nước nắm cổ phần chi phối. Do cổ đông nhà nước khó có khả năng góp thêm tiền để tăng thêm vốn điều lệ, nên sẽ phải kỳ vọng vào cơ chế nới room ngoại để phát hành thêm cho các NĐT chiến lược. 
Vấn đề này càng khó hơn đối với các NH nhỏ, vì phát hành tăng vốn bằng việc phát hành một lượng lớn hàng ngàn tỷ đồng là không hề đơn giản, bởi nhiều NH dù mang “thương hiệu” CP vua nhưng thanh khoản rất thấp.
Đơn cử là trường hợp BAB. NH này bất ngờ chào sàn UPCoM trong phiên giao dịch ngày 28-12-2017 với giá tham chiếu lên đến 20.000 đồng/CP. Âm thầm lên sàn với mức giá cao hơn 53% so với giá trị sổ sách, nên BAB gần như không nhận được sư quan tâm của NĐT. Đây được xem là CP NH kém thanh khoản nhất ở thời điểm hiện nay.

Tăng giá ảo?
Mức giá hiện tại của BAB là 22.700 đồng/CP, cao hơn 70% so với giá trị sổ sách của NH này là 13.190 đồng/CP. So với các NH niêm yết khác, BAB gần như không có gì nổi bật nhưng giá hiện tại của BAB lại cao hơn hẳn, thậm chí so với các NH có quy mô và thương hiệu lớn hơn gấp nhiều lần như: STB (15.450 đồng/CP), EIB (16.200 đồng/CP), SHB (12.800 đồng/CP). 
Tương tự là trường hợp NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB). NH này vừa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 1,1 tỷ CP trên HOSE. Dù chưa xác định được mức giá chào sàn, nhưng trên thị trường OTC mã TCB đang được giao dịch ở mức giá lên đến 125.000 đồng/CP. Mức giá hiện tại của TCB trên thị trường OTC khiến cho nhiều người ngỡ ngàng bởi nó cao hơn rất nhiều so với mức giá vào cuối tuần qua của những NH nằm Top trên như: VCB (64.000 đồng/CP), VPB (60.200 đồng/CP), HDB (50.100 đồng/CP), ACB (48.100 đồng/CP), BID (39.450 đồng/CP), CTG (33.500 đồng/CP), MBB (32.800 đồng/CP).
Thậm chí, mức giá quá cao của nhiều mã CP NH khiến cho không ít NĐT lo ngại về tình trạng “bong bóng”. Theo một chuyên gia CK, mức tăng giá của nhóm NH trong thời gian gần đây không có gì bất thường nhờ vào sự tăng trưởng của về quy mô, doanh thu, lợi nhuận của ngành. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại trong những tháng đầu năm 2018, thị giá CP NH tăng rất nhanh, mức tăng có sự chênh lệch giữa các CP.
Chẳng hạn, những NH nhỏ như BAB lên sàn có giá cao hơn hẳn so với các NH lớn và lâu đời hoặc có kết quả kinh doanh tốt hơn. Nếu điều này diễn biến lâu dài có thể tạo tác động xấu lên ngành, hoặc ít nhất sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ trong nhóm trong thời gian tới khi mà chỉ những NH có nền tảng vững chắc sẽ duy trì đà tăng trưởng tạo khoảng cách với nhóm còn lại.
Theo chuyên gia Lê Trí Hiếu, giá CP NH tăng mạnh bất chấp những thiếu sót, yếu kém bộc lộ trong những tháng đầu năm nay, đây có lẽ là điều không hoàn toàn phù hợp với thị trường. Bởi với một tình trạng hệ thống NH có nhiều lỗi như thế, đáng lẽ CP NH bị tác động mạnh theo chiều đi xuống, thì ngược lại nhóm CP này vẫn dẫn dắt thị trường.

Các tin khác