Công ty chứng khoán lãi to áp lực lớn

(ĐTTCO)-Tiền đổ mạnh vào TTCK không chỉ giúp VN Index chinh phục được mốc 1.000 điểm, còn tạo điều kiện cho các CTCK lật ngược tình thế sau quý I khá bết bát. Thế nhưng, khi áp lực lợi nhuận tạm thời được “xả áp”, vấn đề cạnh tranh vẫn là bài toán khó có lời giải của các CTCK.   
Công ty chứng khoán lãi to áp lực lớn
Doanh thu đột biến 
Trái ngược với tâm lý thận trọng ở những tháng đầu năm khi nhiều CTCK bất ngờ báo lỗ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, kết quả kinh doanh (KQKD) của các CTCK bất ngờ tăng mạnh trong quý III. Điều này đã giúp các CTCK lật ngược tình thế từ lỗ quý I thành lãi sau 9 tháng.
Thống kê báo cáo tài chính (BCTC) của 50 CTCK có quy mô lớn nhất thị trường, cho thấy doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng trưởng lần lượt 38,3% (đạt 23.682 tỷ đồng) và 41,2% (đạt 6.940 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. 
Theo thống kê, CTCK Sài Gòn (SSI) tiếp tục dẫn đầu về quy mô doanh thu trên thị trường, với tổng doanh thu 9 tháng năm 2020 đạt 3.192 tỷ đồng (tăng gần 37%). Đứng ở vị trí kế tiếp là CTCK VPBank (VPBS) với 2.669 tỷ đồng (tăng 36,8%).
Trong khi đó, CTCK Techcombank (TCBS) dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, với mức tăng trưởng 9 tháng đạt 123,5% (đạt 2.490 tỷ đồng). Các CTCK có doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng sau 9 tháng còn có CTCK TPHCM (HCM) đạt 1.400 tỷ đồng, CTCK VNDirect (VND) đạt 1.378 tỷ đồng, CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) đạt 1.121 tỷ đồng, CTCK Bản Việt (VCI) đạt 1.066 tỷ đồng và CTCK Mirae Asset (MAS) đạt 1.005 tỷ đồng. 
Đặc thù của các CTCK là doanh thu càng lớn lợi nhuận càng cao. Chính vì vậy, các CTCK kể trên cũng nằm trong top đầu về lợi nhuận trên thị trường. Cụ thể, TCBS dẫn đầu về lợi nhuận 9 tháng với 1.707 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2019). Tiếp sau là SSI và VND với 875 tỷ đồng (tăng 27%) và 441 tỷ đồng (tăng 90%).
Top 10 CTCK báo lãi lớn nhất thị trường sau 9 tháng còn có VCI đạt 419 tỷ đồng, SHS đạt 406 tỷ đồng, HCM đạt 393 tỷ đồng, VPBS đạt 363 tỷ đồng, MAS đạt 353 tỷ đồng, CTCK VIX (VIX) đạt 196 tỷ đồng và CTCK MB (MBS) đạt 171 tỷ đồng.

Sóng tăng mạnh
Theo giới phân tích, có 2 yếu tố lý giải cho sự đảo chiều về KQKD của các CTCK. Đầu tiên là sự gia tăng của giá CP trên TTCK giúp danh mục tự doanh của các CTCK có lãi trở lại sau thời gian thua lỗ.
Yếu tố quan trọng nhất, đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của các CTCK là thanh khoản của thị trường. Trong quý III, thanh khoản của thị trường tăng đột biến với nhiều phiên có tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Đây là con số trong mơ đối với các CTCK, bởi cách đây vài năm, lãnh đạo một CTCK từng chia sẻ chỉ cần giá trị giao dịch của toàn thị trường mỗi phiên đạt 4.000-5.000 tỷ đồng, các CTCK có thể sống khỏe.
Tình hình càng khả quan hơn đối với các CTCK trong những tháng cuối năm, khi thanh khoản của thị trường tiếp tục bùng nổ. Những phiên giao dịch 10.000 tỷ đồng giờ không phải là của 3 sàn cộng lại, mà là con số của riêng sàn HOSE.
Thậm chí, phiên giao dịch ngày 17-12, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn vượt mốc 16.000 tỷ đồng. KQKD khả quan trong tháng 9, cộng với hiện tượng thanh khoản, đã kích thích dòng tiền chảy mạnh sang nhóm CP CTCK để đón đầu KQKD quý IV và cả năm 2020.
Cụ thể, tính từ đầu quý II đến nay, SSI tăng từ dưới mốc 10.000 đồng/CP lên hơn 25.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 166%), HCM từ 10.000 đồng/CP lên hơn 28.000 đồng/CP (tăng 180%), VND từ 10.000 đồng/CP lên 23.000 đồng/CP (tăng 130%), VCI từ 14.000 đồng/CP lên 45.000 đồng/CP (tăng 220%), SHS từ 6.000 đồng/CP lên 16.000 đồng/CP (tăng 166%), VIX từ 4.500 đồng/CP lên hơn 20.000 đồng/CP (tăng 400%). 

Cuộc chiến nội - ngoại
Nhờ nguồn vốn lãi suất rẻ từ nước ngoài, các CTCK ngoại có thể cho vay margin với lãi suất cực kỳ cạnh tranh 8-9%/năm, thấp hơn rất nhiều so với các CTCK nội 12-14%/năm. 
Dù ghi nhận KQKD khả quan nhờ sự bùng nổ về thanh khoản, nhưng điều này vô tình gia tăng thêm áp lực cho các CTCK vốn chịu nhiều áp lực cạnh tranh, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều CTCK có vốn ngoại.
Đáng chú ý là sự xuất hiện của các CTCK có vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc, như CTCK KIS Việt Nam (KIS), CTCK KB Việt Nam (KBSV) hay MAS. Theo giới phân tích, lợi thế cạnh tranh chính của các CTCK ngoại đến từ 2 yếu tố: kinh nghiệm trên thị trường quốc tế và nguồn vốn huy động chi phí thấp.
“Kinh nghiệm quốc tế giúp các CTCK ngoại có điều kiện và năng lực tiếp cận nhanh hơn với các sản phẩm mới. Còn tiềm lực tài chính là yếu tố giúp CTCK ngoại “mạnh gạo, bạo tiền” hơn trong việc chuyển hóa thành các sản phẩm/dịch vụ có chi phí thấp và hấp dẫn, nhằm thu hút khách hàng” - lãnh đạo một CTCK nội chia sẻ.
Trên thực tế, vốn không chỉ là yếu tố giúp các CTCK gia tăng thị phần, còn là điều kiện để đáp ứng tiêu chí hoạt động. Hiện mức vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng để CTCK đáp ứng quy định cho các hoạt động cơ bản, cho vay ký quỹ (margin) và xa hơn là khả năng thích ứng với các điều kiện kinh doanh sản phẩm mới, như CK phái sinh hay Chứng quyền có đảm bảo (CW).
Đây được cho là yếu tố quan trọng thôi thúc các CTCK phải gia tăng quy mô vốn để đủ chuẩn hoạt động. Trong cuộc đua này, lợi thế vẫn thuộc về các CTCK ngoại. Hiện top 10 CTCK có dư nợ margin lớn nhất đều có đóng góp của các CTCK đến từ Hàn Quốc.
Đơn cử, MAS vừa thiết lập kỷ lục mới về dư nợ margin trên TTCK với 9.670 tỷ đồng, bỏ xa các ông lớn trong nước như SSI, HCM hay VND. 
Tuy vậy, những yếu tố kể trên chưa là điều kiện đủ để các CTCK ngoại giành chiến thắng. Ngược lại, các CTCK nội cũng không hề lép vế trước sức mạnh của các đối thủ ngoại, thậm chí có lợi thế hơn nhờ am hiểu tâm lý thị trường và nắm giữ thị phần lớn.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị phần môi giới của các CTCK có vốn ngoại trên sàn HOSE tăng gần 3 lần (từ 4,6% lên 12%). Con số này vẫn còn khá thấp nếu so với các CTCK nội như SSI (11,82%), HCM (8,43%), VPBS (7,65%), VND (7,12%).
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, về lâu về dài, chiến lược ưu đãi không phải là bước đi bền vững vì sự chênh lệch tài chính giữa khối CTCK nội và ngoại không nhiều. Lợi thế cạnh tranh lớn nhất vẫn phải là chất lượng và uy tín dịch vụ.  

Các tin khác