CP ngân hàng chờ đợt sóng mới

(ĐTTCO) - Tăng giá mạnh và đồng loạt trong những phiên gần đây, CP ngân hàng (NH) đang báo hiệu một đợt sóng mới, đặc biệt trong mùa BCTC quý III-2017. 
 
Chờ đợi và may mắn
Phiên 17-10, VCB tăng giá từ 39.050 đồng/CP lên 41.000 đồng/CP, BID từ 20.350 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP. Ngoài ra, VPB đã tăng giá 9 phiên liên tiếp từ ngày 6 đến 10-10, để từ 36.850 đồng/CP lên 41.300 đồng/CP.
Trong khi đó, nhìn vào diễn biến giá của ACB nhiều tháng qua, màu xanh (tăng giá) lấn át màu đỏ (giảm) hay vàng (đứng giá). VCB và SAB chính là đầu tàu để kéo VN Index vượt ngưỡng 820 điểm và tăng lên 828 điểm một cách dễ dàng. Các yếu tố này tương đối đầy đủ để khẳng định thời của CP NH lại xuất hiện, nhưng nếu hành động vội vã, việc tìm kiếm lợi nhuận sẽ trở nên khó khăn, thậm chí gây tác dụng ngược.
 Việc nhóm CP NH tăng giá là một cơ hội. Nhưng điều quan trọng hơn là việc lựa chọn CP như thế nào để tận dụng sóng ngành cần những tính toán cẩn trọng.
Thí dụ, trường hợp của VCB tăng mạnh phiên 17-10, nhưng sang đến phiên 18-10 lập tức bị điều chỉnh. Điều này không bất ngờ vì trong mỗi đợt tăng giá của VN Index, tỷ lệ tăng ròng trong khoảng 10 phiên chỉ dao động 5-10% đã rất lớn, trong ngắn hạn có thể tăng hơn, nhưng sau đó sẽ điều chỉnh trở lại. 
Mức giá cao nhất của VCB trong phiên 18-10 là 41.400 đồng/CP, nhưng đóng cửa cuối phiên chỉ còn 40.700 đồng/CP. Tính sơ nếu đua lệnh giá cao trong phiên này có thể đã lỗ 700 đồng cho mỗi CP. Con số này nếu nhân với khối lượng hàng chục ngàn CP NH nhiều người vẫn có thói quen giao dịch, sẽ cho ra một khoản không nhỏ. Nhìn lại diễn biến của VCB những ngày qua, để có một phiên 17-10 bùng nổ đã phải trải qua những phiên cam go không kém.
Thực tế, ngày 10-10 trước khả năng VCB vượt ngưỡng 40.000 đồng/CP, đã có thời điểm CP này chạm ngưỡng 39.900 đồng/CP, có NĐT đã tiến hành mua vào tại mốc 39.600 đồng/CP. Nhưng sau đó VCB có liền 2 phiên điều chỉnh phục hồi rồi lại điều chỉnh tiếp về ngưỡng 39.000 đồng/CP.
Một phần tin tưởng vào khả năng tăng tiếp của VCB, phần khác cũng khá bận rộn và không thể canh bảng điện trong phiên 17-10, cuối cùng NĐT này vẫn có thể giữ được VCB và hưởng quả ngọt. Cũng cần lưu ý ngay trong phiên 17-10 VCB mất cả buổi sáng để giằng co ở vùng giá dưới 40.000 đồng/CP trước khi chính thức bùng nổ vào buổi chiều.
Giao dịch tại VCB. 

Biến động khác nhau
Phiên 18-10 cho thấy sự phân hóa rất rõ trong nhóm CP NH. Theo đó, trong khi VCB và BID điều chỉnh giảm nhẹ, CTG lại tăng nhẹ từ 19.400 đồng/CP lên 19.500 đồng/CP. Vì thế, trong thời gian tới, tùy vào đặc tính của mỗi CP NH biến động sẽ khác nhau, NĐT sẽ phải lựa chọn CP tùy vào nền tảng cơ bản và khả năng phán đoán của mình.
Một điểm rất quan trọng là một số CP thường có ngưỡng giá kháng cự, có thể mang tính kỹ thuật, hoặc tâm lý và cần nhiều lần “lấy đà” để chạy qua. Hồi giữa tháng 6, trong một đợt sóng tăng của mình, CTG từ hơn 18.000 đồng/CP đã tăng vượt ngưỡng 20.000 đồng/CP, nhưng cũng nhanh chóng điều chỉnh sau đó và quay về vùng 18.000 đồng/CP. Trong vòng 1 năm qua, CTG cũng chỉ có 2 lần nằm trên vùng 20.000 đồng/CP nhưng dường như vẫn chưa đủ tích lũy để tạo nên một vùng giá mới. 
Điều tương tự cũng diễn ra với BID tại vùng giá 20.000 đồng/CP khi phải mất không ít phiên giao dịch để thử thách vùng giá này. Với trường hợp của VPB cũng như vậy, khi CP này vượt ngưỡng 40.000 đồng/CP, lập tức thanh khoản tăng mạnh, vì nhiều NĐT cho rằng qua ngưỡng kháng cự quan trọng con đường của từng CP cũng sẽ thênh thang hơn. Do vậy, việc NĐT đặt cược vào khả năng khi VCB tăng vượt 40.000 đồng/CP và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới không có gì ngạc nhiên. Vấn đề là thời điểm mua vào như thế nào là hợp lý nhất, vừa đảm bảo T+3 về có lãi, vừa có giá mua tốt nhất. 
Thông thường, khi vượt qua những ngưỡng kháng cự quan trọng, một số CP cũng có xu hướng điều chỉnh để tích lũy trở lại, như trường hợp của VCB trong phiên 18-10. Tuy nhiên cũng tùy vào dòng tiền, những thông tin liên quan mà thời gian điều chỉnh cũng sẽ khác nhau.
Một đặc điểm nữa cần lưu ý của CP NH trong năm 2017 này là những đợt sóng thường không diễn ra quá dài, nên chiến thuật mua vào nắm giữ CP để chờ thời cơ sẽ giống như con dao 2 lưỡi. Khi sử dụng chiến thuật này, NĐT cần tính đến việc giữ trong khoảng thời gian bao lâu đủ để tạo ra lợi nhuận, và ngược lại cũng cần tính toán rằng thời gian giữ lâu có xứng đáng với các chi phí cơ hội đã mất ở những CP khác hay không. 
Hiện chiến thuật mua và giữ đang rất thành công với những CP như ACB, chỉ sau 6 tháng, CP này tăng 11 “giá” từ 22.000 đồng/CP lên gần 33.000 đồng/CP. Trong khi đó VPB chỉ cần mua với giá 36.000 đồng/CP và giữ 1 tháng cũng đã lên hơn 41.000 đồng/CP. Nhưng không phải CP nào cũng có diễn biến giống như VPB, ACB hay VCB… Vì thế, nếu chôn vốn quá lâu ở những CP NH có khả năng tăng giá kém hơn so với thị trường, hay các CP cùng ngành khác, không phải là giải pháp hay. 

Các tin khác