CP thép không bị tác động bởi chính sách thuế mới của Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Mới đây, Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố sẽ đánh thuế cao đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ nhằm bảo vệ ngành luyện kim trong nước. 
CP thép không bị tác động bởi chính sách thuế mới của Hoa Kỳ
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Như vậy, với quyết định mới này, ngành thép Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 12 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. 
Tuy nhiên, theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), mức độ ảnh hưởng thực tế sẽ không quá nghiêm trọng. Lý do Hoa Kỳ hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sắt thép của Việt Nam. Trên thực tế, nếu như xuất khẩu bị ảnh hưởng do quyết định mới của ông Donald Trump, ngành thép Việt Nam có thể sẽ quay về dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3% kim ngạch xuất khẩu).  
Theo ước tính, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG) là những doanh nghiệp tiên phong trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2016 đều tiêu thụ không quá 5% tổng sản lượng. Thêm vào đó, mặc dù chắc chắn sẽ gặp khó khăn sau quyết định áp thuế của Hoa Kỳ, nhưng điểm tích cực đối với ngành thép của Việt Nam là từ năm 2018 trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam sẽ đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới hoạt động.
Cụ thể, Fomosa đã đưa lò cao số 1 hoạt động từ tháng 7-2017. Dự kiến đến năm 2018, lò cao số 2 tiếp tục được vận hành, cung cấp sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép thanh, thép dây cho thị trường với tổng công suất khoảng 7 triệu tấn/năm. CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng đang đầu tư xây dựng lò cao tại Quảng Ngãi, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019 với công suất 2 triệu tấn thép thanh và thép dây/năm trong giai đoạn 1. Đến giai đoạn 2 sẽ đóng góp 3 triệu tấn tôn cuộn cán nóng. 
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội sẽ đạt lần lượt 154% và 5%, tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%. Và như vậy, điều này giúp Việt Nam chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc, qua đó tránh được “tiếng xấu” là xuất khẩu thay cho Trung Quốc và từ đó có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Hoa Kỳ.

Các tin khác