CPNH: Tân binh ngồi mâm trên

(ĐTTCO) - Cho đến trước năm 2017, giá cổ phiếu ngân hàng (CPNH) thường tuân theo quy luật vị thế lớn, hiệu quả cao thì giá cao. Nhưng khoảng 1 năm qua, quy luật này đã bị thách thức dữ dội. 

Thay đổi quy luật
Đầu năm 2017, VIB bắt đầu giao dịch CP tại UPCoM với giá khoảng 18.000 đồng/CP, tương đương với vùng giá của những ông lớn như BID (NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BIDV), CTG (NH Công Thương Việt Nam – Vietinbank). Đến giữa tháng 8, VPB (NH Việt Nam Thịnh Vượng) cũng chào sàn HOSE với giá xấp xỉ 40.000 đồng/CP, tương đương với giá của VCB (NH Ngoại thương Việt Nam-Vietcombank), được nhiều người xem là tốt nhất thị trường.
 Làn sóng lên sàn của CPNH đang diễn ra một cách nhanh chóng, đã tạo ra những nét tươi mới, tăng thêm kỳ vọng cho NĐT. Trong ngắn hạn, những CPNH sau một thời gian dài chờ đợi, nay đã xuất hiện trên sàn có thể tạo nên những sự hưng phấn và tác động đáng kể đến thị giá. 
Đầu năm 2018, HDB (NH Phát triển TPHCM) cũng niêm yết CP và giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên đạt gần 40.000 đồng/CP, hiện có giá hơn 50.000 đồng/CP và thuộc nhóm có thị giá cao nhất. Tại thời điểm hiện nay, dù VCB là CP có giá cao nhất trên sàn khi dao động quanh mốc 70.000 đồng/CP, nhưng CPNH có giá cao nhất thị trường lại là TCB (NH Kỹ Thương Việt Nam-Techcombank) với giá trên OTC khoảng 120.000 đồng/CP.
Hôm nay 19-4, TPB (TienPhongBank) lên sàn với giá tham chiếu 32.000 đồng/CP, cao hơn các NH có thâm niên trên sàn như STB (NH Sài Gòn Thương Tín-Sacombank), EIB (NH Xuất nhập khẩu Việt Nam -Eximbank), SHB (NH Sài Gòn-Hà Nội). Một thống kê khác cũng chỉ ra rằng, nhiều CPNH kỳ cựu trên sàn đều đã tăng giá gấp đôi trong khoảng 1 năm qua, nhưng vẫn thấp hơn một số CPNH tân binh, cũng cho thấy kỳ vọng dành cho nhóm này lớn như thế nào. 
CPNH: Tân binh ngồi mâm trên ảnh 1 HDB là một trong những NH thành công khi lên sàn. 
Thực ra quy luật “NH lớn thị giá cao” trước đây chỉ mang tính tương đối và phù hợp trong khoảng thời gian nhất định. Thị giá không phải là cơ sở quan trọng để định giá, mà phải là các chỉ số như P/E, P/B hay các phương pháp khác.
Sở dĩ điều này kéo dài từ 2010 đến 2016 do đây là giai đoạn trầm lắng của CPNH, số lượng CP niêm yết mới ít ỏi, dẫn đến dòng tiền tham gia tại nhóm CP này chỉ ở mức tương đối nên chưa thể tạo nên sự thay đổi. Năm 2017 ghi nhận sự bùng nổ trở lại của TTCK, và tất nhiên CP vua sẽ phải nhanh chóng lấy lại vị thế của mình. 
Một trong những lợi thế của CP mới lên sàn chính là cơ cấu cổ đông chưa bị phân tán như những cựu binh. Theo đó, khi nguồn hàng “cô đặc”, giá CP sẽ dễ bật lên nếu có đủ thông tin hỗ trợ.
Ngược lại, nhiều CPNH đã niêm yết từ lâu, cơ cấu sở hữu trải đều, từ NĐT cá nhân nhỏ lẻ đến NĐT tổ chức, NĐTNN… nên mục tiêu về lợi nhuận cũng đa dạng. Một NĐT thuộc loại VIP cá nhân có thể bỏ hàng tỷ đồng sở hữu vài trăm ngàn CPNH và chỉ cần giá tăng 1.000 đồng/CP, lãi hàng trăm triệu đồng là bán ra.
Song với CPNH mới niêm yết, có lợi thế chạy nhanh hơn về mặt thị giá so với CPNH đã niêm yết từ trước. Nhưng kể từ năm 2017, lợi thế đến từ cung cầu của CPHN mới lên sàn nếu có cũng khó bền lâu, bởi giá tăng nhiều lực bán ra sẽ mạnh. Cơ cấu cổ đông chưa phân tán cũng sẽ nhanh chóng phân tán. Việc NĐT cả trong lẫn ngoài nước chấp nhận bỏ ra giá cao để mua CPNH mới phải xuất phát từ các yếu tố cơ bản. 

Sự dịch chuyển CP vua
Hiện nay, fintech hay tài chính tiêu dùng không chỉ là câu chuyện của một số NH mà là xu thế toàn ngành và các NH khác cũng đang tích cực tham gia. Thí dụ, thanh toán qua mã QR (QR Pay) là hình thức được rất nhiều đơn vị fintech, triển khai hiện các NH cũng đã tham gia.
Mới đây, SHB đã triển khai chương trình thanh toán QR Pay trên ứng dụng SHB Mobile của mình, đã thu hút người sử dụng khi hoàn ngay 100.000 đồng cho các hóa đơn 500.000 đồng. Việc SHB đầu tư mạnh vào lĩnh vực bán lẻ, fintech chỉ ra rằng các NH ngoài chuyện mở rộng, cần phải chuyên biệt hóa các hoạt động để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Hay như TPB được xem là có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ, nhưng các dịch vụ NH điện tử vẫn chưa đem lại nhiều nguồn thu, nên để thu hút được khách hàng, TPB đã phải miễn, giảm phí trong việc vay mua xe nhằm tạo ra lợi thế kinh doanh cho mình.
Diễn biến trên cho thấy đang có một sự chuyển dịch, giao thời giữa các nhóm sản phẩm truyền thống và các sản phẩm, công nghệ mới trong lĩnh vực NH. Sự nhìn nhận và kỳ vọng của NĐT trên thị trường đang tác động đáng kể đến giá CP. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng, giá CPNH sẽ được quyết định bởi cung-cầu của thị trường với chính CPNH đó. Điều này có thể tạo ra sức bật cho CP, nhưng đồng thời cũng sẽ là thách thức, thậm chí rủi ro vì NĐT sẽ khó có cơ sở để tính toán giá cả. 
Việc các NH sẽ đẩy mạnh việc niêm yết trong thời gian tới cũng sẽ khiến mặt bằng giá CP trở nên đa dạng hơn, thậm chí sẽ xuất hiện những chênh lệch về giá. Ở đây, quy luật “NH lớn thị giá cao” sẽ không mất đi mà sẽ được kiểm thử trong thời gian dài sắp tới.
Đơn cử, trước đây NH A tốt hơn NH B nên CP A có giá cao hơn CP B, nhưng hiện tại giá của B đã bằng giá của A do B cho thấy khả năng tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ cần A tăng trưởng ấn tượng, việc giá CP tăng vượt B hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, những thông tin liên quan như thoái vốn, cổ tức, phát hành cũng sẽ là lực đẩy cho CPNH.

Các tin khác