CTCK nội đã vươn tầm

(ĐTTCO) - Sự bùng nổ của TTCK Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút nhiều CTCK nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia châu Á đang mở rộng hoạt động.
Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN DUY HƯNG (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCK SSI cho biết:
Nếu các CTCK ngoại đổ bộ rầm rộ cách đây 10 năm quả thực đáng ngại, nhưng bây giờ thì không. Lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của CTCK nằm ở yếu tố con người. Với các CTCK ngoại, có bề dày lịch sử, có kinh nghiệm, có những con người am hiểu nghiệp vụ, nhưng mỗi thị trường lại cần sự am hiểu khác nhau.
Với SSI nói riêng và các CTCK nói chung, tôi có thể khẳng định 10 năm qua đã ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nhân sự, một trong những nguyên nhân thúc đẩy ở đây chính là việc hợp tác với các tổ chức nước ngoài trong các nghiệp vụ như huy động vốn, bảo lãnh phát hành, chào bán CP…
Do vậy sự xuất hiện của những CTCK ngoại sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh cho thị trường và tạo ra động lực phát triển cho mỗi CTCK. Đã có một khoảng thời gian ngắn trước đây SSI bị mất vị trí thứ nhất về thị phần, vậy nên chính đối thủ đã giúp cho SSI nhìn lại mình để khắc phục các vấn đề và nhanh chóng trở lại ngôi vị của mình. 
PHÓNG VIÊN: - Ngoài môi giới, theo ông đâu sẽ là lĩnh vực được các CTCK tập trung để phát triển trong thời gian tới.
CTCK nội đã vươn tầm ảnh 1
 Ông NGUYỄN DUY HƯNG: - Năm 2017, doanh thu mảng ngân hàng đầu tư (IB) của SSI đạt hơn 111 tỷ đồng, khi thực hiện rất nhiều thương vụ tư vấn niêm yết, chào bán cổ phần của các doanh nghiệp lớn trên sàn như Petrolimex, HDBank, TPBank… cho đối tác nước ngoài. Nếu như những năm trước đây, nhóm khách hàng có thể tiếp cận với dịch vụ IB đa phần là các doanh nghiệp nhà nước, thời gian gần đây quy mô đã được mở rộng rất nhiều với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp tư nhân.
Điều này làm cho quy mô thị trường tăng lên, đồng thời các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn từ các CTCK tư vấn dịch vụ. Vấn đề là CTCK phải tìm được đúng nhóm khách hàng có cùng “khẩu vị” với mình, đó là phía doanh nghiệp muốn chào bán cổ phần và NĐT cần mua để làm sao cho hai bên có thể “khớp lệnh”. Chiến lược của mảng IB đơn giản là vậy, còn đi sâu vào chi tiết thế nào phải phụ thuộc vào mỗi thương vụ. 
 Vào giai đoạn 2007-2008, khi CTCK trong nước hợp tác với các định chế tài chính ngoại, lúc đó công chúng chỉ chú ý đến tên tuổi của đơn vị nước ngoài. Nhưng giờ đây thì ngược lại, những thương hiệu CTCK trong nước hiện giờ rất lớn mạnh và nếu có một thương vụ hợp tác tương tự, sự chú ý của NĐT lại nằm ở các CTCK nội địa. 
Tôi có thể lấy thí dụ trường hợp của Petrolimex (PLX), khi chúng tôi tiến hành tư vấn không quá khó để nhận ra đây là một đơn vị có quá nhiều lợi thế từ năng lực cốt lõi, đến hệ thống phân phối rộng khắp… Vấn đề của SSI là chia sẻ những điều này đến với những NĐT có mong muốn sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp, tức là bán cho người cần mua.
Làm IB nếu tự mãn, chúng ta chỉ chào bán cái chúng ta có, cái chúng ta thích sẽ không thành công, mà phải đem đến các dịch vụ khách hàng cần. Tôi đã dẫn chứng cho NĐT thấy rằng, các đối tác ngoại có thể bỏ ra hàng tỷ USD để mua một hệ thống phân phối, trong khi đó PLX cũng đã có hệ thống các cây xăng rộng khắp và các vị trí mặt bằng đắc địa có thể phù hợp cho nhiều hình thức phân phối khác nhau. 
Mỗi CTCK trong mảng IB sẽ có thế mạnh, khẩu vị riêng, nên cơ hội cũng có thể nói là chia đều được cho những ai có khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Và khi CTCK trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng, việc cạnh tranh với các CTCK ngoại sẽ rất sòng phẳng. 
- Ông đánh giá thế nào về công nghệ, năng lực dự báo thị trường cũng như vốn rất quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho CTCK?
- Có thể nói vấn đề công nghệ cũng để lại một kinh nghiệm về việc dự báo, ngay cả đơn vị cung cấp hệ thống trước đây cũng không dự báo được kịch bản của thị trường như hiện nay. Thời gian qua, SSI cũng đã thay mới hệ thống giao dịch của mình và đang cải thiện rất nhiều về tốc độ, tiện ích, mức độ bảo mật đem lại cho NĐT. 
Còn nếu nói việc dự báo thị trường, có thể nói là thời gian qua khi viết về những e ngại của mình trên trang cá nhân cùng với việc thị trường giảm điểm, tôi đã bị đổ thừa rằng mình làm thị trường xuống. Cần phải khẳng định, không một cá nhân nào có thể tác động được đến thị trường, việc dự báo được thực hiện theo biến động và xu hướng mà thôi.
Tất nhiên, việc dự báo sát với diễn biến thị trường sẽ đem lại lợi thế cho CTCK không bị động và chuẩn bị nhiều giải pháp ứng phó. 
Đối với TTCK Việt Nam năm 2018, có 2 rủi ro cần lưu ý đó là diễn biến từ TTCK quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ có rất nhiều biến động khó lường, hiện tại là các toan tính của Tổng thống D. Trump liên tục có nhiều thay đổi. Kế tiếp là rủi ro về việc đầu cơ tài sản có thể xuất hiện khi chứng khoán, bất động sản tăng nhanh.
Nhưng cũng phải nói rằng, TTCK với quy mô hiện nay, thu hút rất nhiều NĐT cá nhân lẫn tổ chức sẽ có nhiều hành động khác nhau, người mua, kẻ bán và mỗi người đều có lý do riêng. Những biến động tăng, giảm xen kẽ lẫn nhau của thị trường sẽ tạo ra thanh khoản, cơ hội và sự phát triển bền vững, lành mạnh hơn.
Nhìn chung TTCK năm 2018 vẫn sẽ tốt và đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi đặt ra kế hoạch kinh doanh giàu tham vọng.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác