Dấu hỏi công nghệ của CTCK

(ĐTTCO) - Với CTCK việc triển khai công nghệ không chỉ hướng đến sự hiện đại, tiện lợi mà cần có cả sự ổn định, đảm bảo. Nhưng cũng không ít lần các sự cố liên quan đến công nghệ đã khiến NĐT ngao ngán. 
Nhanh, đẹp, tiện lợi
Cách đây không lâu, CTCK HSC đã khai trương trang Fanpage Tư vấn chứng khoán Dòng tiền thông minh với các khung giờ cập nhật thông tin cố định, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ nhiều NĐT. Ngày 26-6, HSC tiếp tục khẳng định tiêu chí không ngừng cải tiến dịch vụ bằng sự xuất hiện của website online.hsc.com.vn, góp phần hoàn chỉnh mảnh ghép cho bộ đôi hoàn hảo HSC Online phiên bản 1.0., hứa hẹn giúp người dùng có được những trải nghiệm tương tác như mong đợi.
Tương tự, CTCK SSI cũng tiến hành nâng cấp hệ thống phần mềm lõi (core) giúp các giao dịch thuận tiện và nhanh hơn. Trước đây mỗi khi kết thúc phiên giao dịch, có khi phải chờ khá lâu để hệ thống SSI cập nhật số liệu tài khoản. Nhưng sau khi nâng cấp, hệ thống của SSI đã cập nhật số liệu rất nhanh, từ trong phiên đến cuối phiên cộng với các tiện ích giao dịch như chuyển tiền, rút tiền… cũng khá thuận lợi. 
Cũng từ khá lâu, hệ thống giao dịch của CTCK VN Direct (VND) được đánh giá cao về cả giao diện cũng như sự thuận lợi. Chẳng hạn, hệ thống bảng giá chứng khoán của VND với các biểu đồ trực tiếp (live) trong phiên giao dịch và rất nhiều số liệu thống kê, đã giúp NĐT theo dõi thuận lợi. Chưa kể, nếu sử dụng tài khoản VCB để chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán của VND, thời lượng cũng chỉ tính bằng vài giây.
Liên quan đến bảng giá chứng khoán, lâu nay nhiều NĐT dù không phải là khách hàng của CTCK FPT (FPTS) vẫn sử dụng bảng điện của CTCK này để theo dõi. Hệ thống giao dịch của FPTS cũng được đánh giá nhanh, gọn, nhẹ chưa kể việc gửi các bản tin tư vấn rất hữu dụng. 
Dấu hỏi công nghệ của CTCK ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Vẫn còn nhiều mối lo
Trước khi ra mắt HSC Online, HSC đã gặp phải sự cố liên quan đến giao dịch phái sinh. Trao đổi với ĐTTC, đại diện truyền thông của HSC khẳng định đây là sự cố bất khả kháng và lỗi không chỉ nằm ở CTCK, và HSC đã bồi thường những thiệt hại cho NĐT.
Một số người có thâm niên làm việc trong ngành chứng khoán chia sẻ, nếu nói về lỗi phái sinh ngoài những CTCK đã thông báo, mong khách hàng thông cảm như SSI, HSC vẫn còn có những CTCK khác nữa. Vấn đề là SSI hay HSC là những CTCK lớn, giao dịch nhiều nên trách nhiệm của các đơn vị này là phải lên tiếng với khách hàng và cổ đông một cách công khai. 
Nói về lỗi hệ thống giao dịch của các CTCK không phải gần đây mới có. Tháng 3-2012, hệ thống trực tuyến của HSC đã bị lỗi, khiến NĐT phải đến sàn đặt lệnh hoặc chỉ đặt lệnh bằng điện thoại. Đến tháng 8-2014, VND đã bị HNX ngắt kết nối trực tuyến và cảnh cáo toàn thị trường do lệnh gửi từ CTCK này bị lặp lại nhiều lần.
Rơi vào những tình huống này, có lẽ NĐT chỉ cầu mong một hệ thống giao dịch đừng bị lỗi, những giao diện đẹp, tiện ích không còn nhiều ý nghĩa. Trong khi đó, hệ thống giao dịch của một số CTCK không quá hoành tráng nhưng gần như rất ít “điều tiếng”. Có ý kiến cho rằng có lẽ vì quan điểm đã “tốt gỗ” rồi nên các CTCK này cứ để hệ thống cũ vận hành, không cần nâng cấp.
Nhưng cũng có phân tích rằng các CTCK ít để xảy ra lỗi do thị phần không lớn, giao dịch không nhiều như SSI, HSC hay VND nên không xảy ra sự cố, hoặc nếu có quy mô cũng chỉ trong phạm vi nhỏ. 
Một trong những lỗi kinh điển liên quan đến hệ thống giao dịch mỗi khi thị trường bị giải chấp, theo một số NĐT là tỷ lệ nợ/vốn tự có của CTCK chưa đến ngưỡng phải giải chấp nhưng họ vẫn tự ý bán ra, thường là bán ngay đáy. Còn các CTCK phản bác rằng do “robot” lỡ bán hay hệ thống quản trị rủi ro tự hành động. Chưa biết ai đúng ai sai, chỉ biết rằng NĐT cảm thấy rất ấm ức, không rõ do CTCK xử ép, hay do thua lỗ vì phải bán chứng khoán ngay đáy. 
Trong tuần rồi, ngoài sự cố phái sinh tại HSC, FPTS cũng đã xảy ra scandal khá nghiêm trọng về mặt hình ảnh. Theo đó, trong bản tin giao dịch ngày 26-6, hình ảnh phụ nữ thiếu vải đã xuất hiện tại vị trí đáng lẽ là biểu đồ kỹ thuật của VN Index. FPTS giải thích đó là những email sử dụng Gmail mới bị lỗi kỹ thuật kiểu này, còn những email khác không bị.
Vấn đề là Gmail là một trong những email được sử dụng phổ biến nhất, nên “bản tin mát mẻ” của FPTS cũng có phạm vi lan truyền không hề nhỏ, chưa kể dân chứng khoán trong một ngày thị trường không thuận lợi cũng nhanh chóng lan truyền và bình luận tếu táo. FPTS vốn là CTCK được đánh giá rất cao về nền tảng công nghệ, lại để xảy ra những sai sót kiểu này, dù mức độ ảnh hưởng không đáng kể.
Bởi lẽ hình ảnh xếp vào loại “18+” này cũng chỉ gửi đến cho NĐT theo quy định phải từ 18 tuổi trở lên. Nhưng cũng đặt câu hỏi về sự tập trung trong nghiệp vụ cũng như sự chuẩn xác về các quy trình, nghiệp vụ.
Dù những sự cố về công nghệ là bất khả kháng, nhưng đã đến lúc cần có những quy định, hoặc thỏa thuận rạch ròi giữa CTCK và khách hàng nếu xảy ra rủi ro phải được khắc phục ngay, thay vì chỉ cười trừ cho qua. Đừng để xảy ra hiện tượng theo kiểu khi cần nói về công nghệ tốt, công nghệ hay  CTCK cho rằng “do mình, do chiến lược”, còn đến khi xảy ra sự cố lại đổ cho khách quan. Điều đó chẳng khác nào NĐT khi thị trường tăng, có lãi cho rằng mình giỏi, nhưng khi thua lỗ lại đổ… tại thị trường.

Các tin khác